Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc: nghe, xem và suy ngẫm?!

(VOH) - Còn đúng 1 tuần nữa, liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 sẽ chính thức khai mạc tại TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai. Trong những ngày qua không khí tại các đoàn từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam vô cùng nhộn nhịp. Các đơn vị đang chuẩn bị những công việc cuối cùng cho ngày hội ngộ này.

Đến thời điểm hiện tại đã có 22 đơn vị đăng ký dự thi với 27 vở diễn.

Theo thông báo từ Cục nghệ thuật biểu diễn, bắt đầu từ năm nay “Liên hoan sân khấu” sẽ là tên gọi chính thức diễn ra 3 năm một lần thay cho tên gọi “Hội diễn sân khấu” diễn ra 5 năm một lần. Đây là niềm vui cho giới nghệ sĩ vì sẽ có nhiều cơ hội để tham gia.


Cảnh trong vở Tiếng vạc sành do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng. Ảnh: NLĐO

Năm nay, Liên hoan quy định các tác phẩm tham dự phải là những kịch bản tâm lý xã hội đương đại được sáng tác từ năm 1930 trở lại, không có đề tài lịch sử, dã sử, dân gian và thần thọai. Đồng thời liên hoan cũng khuyến khích những kịch bản mới, những sáng tạo mới trong công tác dàn dựng. Ông Nguyễn Đăng Chương- phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn- phó Ban tổ chức liên hoan cho biết, các tác phẩm tham dự năm nay có nhiều kịch bản mới, gần gũi với cuộc sống, sẽ có nhiều điều cho khán giả chia sẻ và suy ngẫm: “Với các kịch bản về đề tài xã hội, về cuộc sống hôm nay với nhiều câu chuyện khác nhau, phong phú đa dạng, đây sẽ là một mùa liên hoan thành công và làm hài lòng khán giả….”

Đến thời điểm này, chúng tôi ghi nhận, các đơn vị đã có sự chuẩn bị khá kỹ cho liên hoan này. Đơn vị chủ nhà, đoàn cải lương Đồng Nai sẽ khai mạc cho liên hoan năm nay với kịch bản “Vượt qua tâm bão” (tác giả Nguyễn Hòang Giang). Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà- trưởng đoàn cải lương Đồng Nai cho biết vì là đơn vị chủ nhà và lại diễn đầu tiên nên áp lực là rất lớn. Kỳ hội diễn sân khấu cải lương nghiệp tòan quốc năm 2009 đơn vị này đã mang về cho mình huy chương vàng với kịch bản “Dời đô” (tác giả Lê Duy Hạnh) còn năm nay với kịch bản về đề tài kinh tế công nghiệp mong rằng đòan cải lương Đồng Nai cũng sẽ mang về những kết quả như ý. Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà, nhấn mạnh: “Dù chưa biết các đơn vị bạn đã dàn dựng như thế nào cho kịch bản của mình nhưng với lực lượng của Đoàn và những kinh nghiệm đã có chúng tôi cũng đã tạo cho mình một tác phẩm mà ở đó có những sáng tạo riệng, vừa hiện đại, mới lạ, chân thật nhưng không mất đi ngôn ngữ riêng của sân khấu cải lương...”.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đơn vị cải lương công lập duy nhất tại TPHCM với 3 đòan: đoàn Trần Hữu Trang 1, Trần Hữu Trang 2 và đoàn Thắp sáng niềm tin. Đơn vị này đã chuẩn bị 3 kịch bản là: “Tiếng vạc sành” (của tác giả Trung Dân, chuyển thể Phạm Thái Nguyên),“Sám hối” (của tác giả Hoàng Song Việt) và “Cội nguồn” (tác giả Lê Duy Hạnh).

Năm nay là năm mà nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tham gia với một lực lượng hùng hậu và kịch bản được chuẩn bị từ rất sớm, chứ không bị động như các mùa trước, ông Phan Quốc Hùng- giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang mong muốn đây sẽ là một cuộc gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm giữa các đòan: “Năm nay chúng tôi thấy thỏai mái hơn dù là thi đến 3 tác phẩm, vì không bị động về diễn viên, mỗi vở có một sắc thái riêng, cũng có những vấn đề nóng của xã hội hiện nay, tôi tin sẽ không làm khán giả thất vọng”.

Trong nhiều đợt liên hoan hội diễn, đòan cải lương Văn Công Đồng Tháp luôn mang về cho mình nhiều giải thưởng lớn, trong kỳ hội diễn vừa rồi đơn vị này cũng xuất sắc giành huy chương vàng với kịch bản “Miền nhớ” (tác giả Lê Duy Hạnh). Năm nay đòan sẽ mang đến liên hoan một kịch bản mang đậm hương vị của quê hương Đồng Tháp mang tên “Giọng hò đồng tháp (tác giả Lê Duy Hạnh). Nghệ sĩ ưu tú Đinh Minh Mẫn- trưởng đòan cải lương văn công Đồng Tháp hồ hởi chia sẻ thêm: “Kịch bản này đề cập sâu đậm đến những người nông dân, đặc biệt là nông dân Đồng Tháp trong quá trình khai phá cải tạo đất để làm giàu cho tổ quốc, vở diễn sẽ thể hiện theo hướng nhẹ nhàng, đặc biệt nhấn mạnh giọng hò của Đồng Tháp...”.

Nhà hát cải lương Hà Nội được xem như là anh cả của cải lương đất Bắc với 3 đòan là Kim Phụng, Chuông Vàng và Hoa Mai. Đòan sẽ mang đến liên hoan 3 vở: "Khi hoa nở trái mùa" (tác giả Chu Thơm), "Mong gió đừng đổi chiều" (tác giả Lê Chí Trung) và "Nguồn sáng phía chân trời" (tác gải Phạm Văn Quý). Đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Trần Quang Hùng- giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội cho biết cả 3 vở đã hòan tất từ tháng 8 và các anh em nghệ sĩ đang rất háo hức để chờ đến đêm diễn của mình, mong rằng những thông điệp từ các vở diễn sẽ thật sự ấn tượng đối với công chúng: “Nói điều gì lúc này thì cũng hơi sớm nhưng chúng tôi khẳng định rằng mỗi vở diễn đều có những khía cạnh cho công chúng xem, công chúng bàn và công chúng suy ngẫm…”.

Lần đầu tiên đăng cai một sự kiện văn hóa lớn nhưng thời điểm hiện tại TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai đã hòan tất các khâu và đang trong tư thế sẵn sàng cho ngày khai mạc. Ông Trần Quang Tọai- phó Giám đốc Thường trực Sở văn hóa thể thao du lịch tỉnh Đồng Nai- thành viên ban tổ chức cho biết thêm: “Đây thật sự là một sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Đồng Nai. Đây cũng sẽ là một điểm gặp gỡ giao lưu của giới nghệ sĩ và cũng là cơ hội quảng bá cho nghệ thuật cải lương, giới thiệu thêm cái đẹp, cái hay của cải lương đến với công chúng cả nước nói chung...”.

Liên hoan sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và kết thúc vào ngày 3/11. Liên hoan năm nay với đề tài về xã hội đương đại sẽ là cơ hội thực sự để các tác giả, nghệ sĩ nói lên những cái hay và những tồn tại của cuộc sống hôm nay. Nhìn qua các tác phẩm đăng ký dự thi liên hoan mới thấy rằng hơi thở của cuộc sống đương đại đã lan tỏa và chắc chắn đây sẽ là một trong những mùa liên hoan mà khán giả có dịp nghe, xem và suy ngẫm nhiều hơn./.

Bình luận