Sách ảnh "Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương" - Ảnh: Nguyễn Á.
Quyển sách ảnh gồm 288 trang, hội tụ gần 150 nhân vật – đó cũng là 150 câu chuyện sống động về nghệ nhân, tài tử đang ngày đêm giữ gìn và phát huy những giá trị tinh hoa của di sản nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.
Buổi ra mắt quyển sách ảnh và triển lãm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á dự kiến vào sáng ngày 20/9 tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Phóng viên VOH phỏng vấn nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á.
* VOH : Tại sao ông chọn đề tài Đờn ca tài tử Nam bộ cho quyển sách ảnh thứ 5 của mình ?
NSNA Nguyễn Á: Đây là lần thứ 6 triển lãm và quyển sách lần thứ 5 nhân kỉ niệm ngày Giổ tổ Sân khấu Việt Nam và cũng kỉ niệm gần 2 năm di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử của Việt Nam được thế giới công nhận. Điều đó làm cho tôi có nhiều cảm xúc và thực hiện quyển sách ảnh “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương”.
* VOH : Ông giới thiệu thêm về quy mô của quyển sách ảnh lần này ?
NSNA Nguyễn Á: Với số lượng gần 150 nhân vật, cũng là 150 câu chuyện về từng cá nhân cho tới những anh em, những người bố, những người con, hay người chồng, người vợ, họ đã đồng hành suốt nhiều năm để giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể này. Quyển sách nặng gần 2.5 kg gồm 288 trang. Mong rằng đây cũng là món quà nhỏ gửi tặng đến quý độc giả TP.HCM, 21 tỉnh/thành Nam bộ nói riêng và của cả Việt Nam nhân ngày Giỗ Tổ Sân khấu sắp tới.
* VOH : Áp lực lớn nhất khi thực hiện bộ sách ảnh này là gì, thưa ông ?
NSNA Nguyễn Á: Bất kì khi tổ chức triển lãm hay ra một tập sách ảnh nào thì cũng áp lực ! Áp lực từ công việc cho đến cách tiếp cận với nhân vật. Bởi mỗi nhân vật khi mình muốn làm thành một câu chuyện thì thường vướng đến yếu tố tập thể. Các nghệ nhân, tài tử thường không đờn ca một mình mà thường sinh hoạt định kỳ theo tập thể ở làng, xóm, ấp... Khi chụp ảnh thì phải trùng khớp với các buổi sinh hoạt đó, còn nếu rơi vào những ngày mà họ không biểu diễn thì mình phải nhờ họ giúp đỡ để có thể xây dựng thành câu chuyện thật mạch lạc, logic và không hư cấu.
Trong 2 năm đi khắp 21 tỉnh thành phía Nam bằng chiếc xe 2 bánh, sản phẩm làm ra tôi cảm thấy rất tự hào và rất mong được mọi người đón nhận. 2 năm qua, tôi không hề cảm thấy mệt mỏi hay chán nản vì đã thấy rất nhiều người giỏi và họ chính là tấm gương để học hỏi. Tôi mong rằng rằng những câu chuyện này sẽ còn tiếp nối vì những gì ông cha để lại, chúng ta phải giữ gìn.
* VOH : Trong quá trình thực hiện quyển sách ảnh tại 21 tỉnh thành Nam bộ, tiếp xúc với nhiều nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca thì ông nhận thấy sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ hiện nay thế nào ?
NSNA Nguyễn Á: Chắc chắn đờn ca tài tử sẽ trường tồn mãi. Khi tôi đi rất nhiều nơi, từ tỉnh, thành, quận, huyện, xã, ấp…thì ai cũng đều yêu mến đờn ca tài tử. Niềm vui nhất mà tôi muốn gửi gắm là cho tới giờ phút này có nhiều bé 5 tuổi, 7 tuổi, 10 tuổi cũng rất yêu thích bộ môn đờn ca tài tử. Tôi cảm thấy vui vì từ khi di sản này được thế giới công nhận thì mọi người có trách nhiệm để giữ gìn và xây dựng. Dù không ở trong nghề, là người ngoại đạo nhưng tôi yêu mến đờn ca tài tử và mong mọi người sẽ yêu mến nghệ thuật này để cùng phát triển văn hóa dân tộc.
* VOH : Bên cạnh ra mắt sách ảnh thì sẽ có một triển lãm ảnh tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Triển lãm lần này sẽ có những điều gì đặc biệt ?
NSNA Nguyễn Á: Có rất nhiều điều đặc biệt tại triển lãm này ! Nguyễn Á mời được hơn 100 nghệ nhân có mặt trong quyển sách về dự. Từ các bậc nghệ nhân gần 100 tuổi cho đến những em bé 5 tuổi, 7 tuổi sẽ biểu diễn với trang phục áo dài truyền thống, rất nhiều màu sắc sẽ hội tụ tại buổi triển lãm ở Nhà văn hóa Thanh Niên. Đồng thời, giới nhiếp ảnh và đồng nghiệp của tôi cũng rất háo hức đến xem triển lãm mới này. Hi vọng rằng giới nhiếp ảnh, các văn nghệ sĩ hay những công nhân viên chức, sinh viên,… sẽ đến chia sẻ với Nguyễn Á vào sáng Chủ nhật 20/9 tại Nhà văn hóa Thanh niên.
* VOH : Cám ơn ông !