Sức trẻ của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 tại TPHCM

(VOH) - Tối 21/2, tiếng trống rộn ràng đã vang lên tại Trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM, chính thức khai hội cho Ngày Thơ Việt Nam 2016 tại TPHCM.

Bước sang tuổi thứ 14, Ngày Thơ Việt Nam tại Thành phố mang tên Bác đã thực sự trở thành một ngày hội văn hóa, niềm tự hào của người yêu thơ Thành phố, chứng minh cho sức sống thi ca Thành phố với những thành quả, những dấu ấn sáng tạo và đổi mới liên tục!

Tiết mục kịch thơ "Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên". Ảnh Nam Hiệp

Sau tiếng trống khai hội, những vần thơ “Nguyên tiêu” tuyệt tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ngân vang, mở đầu cho ngày hội thi ca lớn nhất nước tại Thành phố.

Đúng như khát vọng đổi mới qua chủ đề “Xuân mới, phát triển mới”; Ngày Thơ VN năm nay kéo dài trong 3 ngày với những chương trình hoạt động mới lạ như tọa đàm thơ “Sức sống thi ca TPHCM từ năm 2010 – 2015”, diễn ra vào ngày 20/2 với khoảng 20 bài tham luận đã phản ánh phần nào diện mạo thơ ca Thành phố thời kỳ hội nhập và phát triển. Sân thơ trẻ năm nay tiếp tục có nhiều sáng tạo với hình thức phố thơ, sàn thơ, sạp thơ, vách thơ,… với nhiều hoạt động triển lãm ký họa các nhà thơ, tác phẩm thơ, triển lãm các sách thơ.

Bên cạnh đó là chương trình giao lưu, lan tỏa tình yêu thơ giữa các nhà thơ tiêu biểu với giảng viên, sinh viên yêu thơ của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Đặc biệt, tại đêm thơ Nguyên tiêu năm nay, ngoài những tiết mục múa hát, diễn ngâm thơ chọn lọc như thường lệ thì Ban Tổ chức còn mang đến tiết mục mới lạ mang tên “Mời thơ nối tình yêu đất nước”, qua đó những nhà thơ trẻ và những nhà thơ lớn tuổi có dịp hội ngộ trên sân khấu, giao lưu về ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác và đọc thơ gửi tặng công chúng.

Nói về những nét mới trong Ngày Thơ năm nay, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM bày tỏ: “Ban Chấp hành mới chúng tôi mong muốn tạo ra một không khí mới trong hoạt động. Đặc biệt là năm nay Ban Tổ chức gần như chỉ gợi ý đề tài, còn việc tổ chức tọa đàm hay tổ chức đêm thơ đều do các bạn trong Ban Thơ trẻ đề xuất. Các bạn tự do sáng tạo trong khuôn khổ hoạt động của mình để sinh hoạt thơ ca Thành phố sinh động, sôi nổi và phong phú hơn”.

Một trong những tiết mục “đinh” được chờ đợi trong đêm khai mạc lần này là vở kịch thơ về biển đảo mang tên “Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên”. Với tiết mục này, những nhà thơ trẻ đã hóa thân thành chiến sĩ hải quân đang canh giữ chủ quyền đất nước và những người thân trong đất liền ra, cùng đọc các bài thơ về tình yêu quê hương, đất nước cũng như tình yêu của những người nơi đất liền gửi đến các chiến sĩ biên cương.

Phụ trách dàn dựng tiết mục kịch thơ này, nhà thơ trẻ Minh Đan chia sẻ: “Thông qua kịch thơ này, tôi muốn gởi trái tim của mình ra Trường Sa, Hoàng Sa để động viên các anh chiến sĩ hãy luôn tin tưởng trong đất liền, những người cầm bút vẫn luôn hướng về các anh! Được phụ trách sân thơ trẻ năm nay là một niềm vinh dự và tự hào đối với cá nhân tôi. Năm nay chúng tôi có rất nhiều hoạt động đổi mới so với mọi năm và chúng tôi thấy rằng là sân thơ trẻ đã đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là trong ngày thơ năm nay có rất nhiều tác phẩm mới đã giới thiệu và được công chúng đón nhận rất nhiệt tình. Đây chính là những thành công không nhỏ của sân thơ trẻ năm nay”.

Bên cạnh những dấu ấn của Sân thơ trẻ thì ngày hội năm nay còn qui tụ được gần 20 lều thơ đến từ các câu lạc bộ, trường học với nhiều tiết mục giao lưu, nhiều chủ đề và màu sắc khác nhau như múa thơ, hát xẩm thơ, thơ giao duyên,…Đối với những nghệ sĩ, những người yêu thơ lớn tuổi đến từ các câu lạc bộ thì Ngày Thơ là điểm hẹn văn hóa để thỏa điềm đam mê thơ phú, là dịp để hội ngộ những bạn bè tri âm.

Tham gia biểu diễn trong đêm thơ năm nay, nghệ sĩ ngâm thơ Vân Khanh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ ca Phú Nhuận tâm sự: “Bạn bè yêu thơ được gặp mặt tại ngày hội này thì rất vui vì bình thường phải bận rộn với cuộc sống nên ít có dịp nhau, vì vậy nên có những ngày hội như thế này để mà phát huy sức sống thơ ca Việt Nam. Tôi thấy hiện nay có nhiều nhà thơ trẻ rất là sáng tạo, làm thơ với nhiều từ ngữ rất mới, ít từ mà nhiều nghĩa rất là tốt. Tôi cũng mong rằng giới trẻ sẽ tiếp nối truyền thống thơ ca”.

Với bạn Khải Duy – một sinh viên trẻ đến từ Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM thì tham gia vào chương trình Ngày Thơ là cơ hội để những sinh viên trẻ được giao lưu, học hỏi và chứng minh cho sức sáng tạo của mình. Khải Duy hào hứng cho biết: “Chúng em mang đến Ngày Thơ năm nay những tác phẩm do chính sinh viên chúng em sáng tác với mong muốn thể hiện sức trẻ. Chúng em đã hỏi hỏi được niềm say mê thơ của các cô chú ở đây vì ác cô chú dù tuổi đã cao nhưng vẫn mang đến sự hồn nhiên khi đến với thơ. Năm nay chúng em đầu tư kỹ hơn và việc giao lưu chu đáo hơn  nên cảm giác vui hơn và có nhiều hứng khởi hơn”.

Từ nỗ lực đổi mới không ngừng của Hội Nhà văn Thành phố, tâm huyết của các nhà thơ và đặc biệt là sự năng động của sức trẻ; tin rằng Ngày Thơ VN tại TPHCM năm 2016 tiếp tục để lại những ấn tượng đẹp trong lòng công chúng; một lần nữa khẳng định cho sức sống trường tồn của thơ ca Thành phố trước sự phát triển ồ ạt của các loại hình giải trí khác; đồng thời khơi dậy lòng tự hào và tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân TPHCM.

Bình luận