Xây dựng thói quen đọc sách là việc làm thường kỳ

(VOH) - Sách và văn hóa đọc luôn được quan tâm trong thời gian qua. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách. Phóng viên Đài TNND TPHCM đã có cuộc phỏng vấn cùng ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng cục Xuất bản, in và phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT):

*Xin ông cho biết những hoạt động chủ yếu nhằm hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên?

Ông Chu Văn Hòa: Về phía Bộ TT&TT thì chúng tôi triển khai kế hoạch hành động cho các ngành, các cấp, các địa phương để sớm triển khai văn bản, kế hoạch đến các địa phương, Thứ hai, tổ chức lễ công bố của Thủ tướng tại thủ đô Hà Nội, dự kiến vào 20h – 21h30 ngày 19/4. Thứ ba, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ triển khai trong các hệ thống thư viện cả nước từ thư viện quốc gia đến thư viện địa phương, thư viện chuyên ngành. Bộ Giáo dục cũng đã có kế hoạch triển khai đến các hoạt động của các trường học.

*Lâu nay chúng ta đề cập rất nhiều đến văn hóa đọc và thực trạng sách ít được quan tâm như lúc trước. Theo ông lí do vì sao sách ít được quan tâm, có phải là do bên cạnh chúng ta có quá nhiều phương tiện giải trí khác và chất lượng sách chưa cao ?

Ông Chu Văn Hòa: Lâu nay sách của chúng ta vẫn ra đời. Có nhiều tác giả có những quyển sách hay như tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã có rất nhiều sách dành cho các em thiếu nhi, tuổi hoa, tuổi mới lớn. Cũng có những cuốn sách về khoa học, về y học, các ngành khoa học kĩ thuật khác rất có giá trị, Sách trong nước. Chúng ta có sách trong nước do người Việt Nam viết, có nguồn sách nước ngoài đưa về, có một nguồn sách tương đối phong phú. Việc phục vụ quyền lợi đọc sách của người dân được chăm lo tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, văn hóa đọc sách, niềm say mê sách có một lúc nào đó với bộ phận dân cư nào đó thì sự quan tâm có mai một đi so với trước đây.

*Có ý kiến cho rằng internet và những hình thức giải trí trên mạng ảnh hưởng nhiều đến việc đọc sách, ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?

Ông Chu Văn Hòa: Bản thân internet cũng là phương tiện cho việc đọc sách và sách trên mạng củng rất nhiều. Bản thân việc ra đời của internet và các kĩ thuật điện tử không mâu thuẫn với việc đọc sách, mà thậm chí còn cung cấp phương tiện hơn. Chỉ cần cầm quyển sách điện tử là anh có thể lựa chọn hàng trăm đầu sách để đọc. Bản thân sách là tri thức của nhân loại, nó được phản ánh qua những xuất bản phẩm hiện nay. Xuất bản phẩm có phương thức truyền thống là giấy, trên phương tiện điện tử lưu hành trên mạng internet. Nó chỉ khác nhau về phương thức nhưng nội dung vẫn vậy.


Ảnh minh họa - Nguồn: VNN.

*Chúng ta đã có Ngày Bản quyền thế giới 23/4, bắt đầu năm nay có Ngày Sách Việt Nam là 21/4, thì có cận lắm không 2 ngày này ? Và theo tôi ngày sách Việt Nam là ngày phát động, tuy nhiên thì chắc hẳn cần hành động liên tục và lâu dài cho sách phải không ạ ?

Ông Chu Văn Hòa: Việc chúng ta có Ngày Bản quyền thế giới là việc chúng ta hưởng ứng của Việt Nam đối với nhân loại, vì không chỉ Việt Nam mới quí sách mà nhân loại của quí sách. Bảo vệ bản quyền và tôn trọng quyền tác giả thì hai việc đó nó gắn liền với nhau. Tuy nhiên, ngày sách của thế giới không thể thay thế Ngày Sách của Việt Nam. Bởi vì chiến lược của Việt Nam ta trong xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì trong đó có một chiến lược rất rõ là xây dựng văn hóa đọc của cộng đồng thông qua sách để người đương đại tiếp cận tri thức và hấp thu tri thức của những người đi trước, rồi của những người xung quanh ngoài Việt Nam. Để tìm được động lực phát triển cho tương lai. Chúng ta thấy sách và mối quan hệ giữa người với sách cực kì quan trọng. Cho nên sách và văn hóa đọc chính là xây dựng một thái độ cầu thị đối với tri thức, phục vụ cộng đồng. Và từ đó tạo nên sức mạnh dân tộc. Theo tôi nghĩ ngày sách Việt Nam là ngày phát động thôi, là ngày để chúng ta nhớ đến việc đó thôi, còn hành động này phải được diễn ra, cổ động nội dung đọc sách, cổ động cho người làm sách, viết sách, cổ động cho việc quảng bá tư tưởng nhân văn trong sách. Xây dựng thói quen cho cả cộng đồng đó là việc làm thường kì của các cấp, các ngành, các địa phương.

*Đưa sách đến tay bạn đọc là điều rất được quan tâm hiện nay. Ở những thành phố lớn thì việc tiếp cận sách không quá khó khăn nhưng ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới thì cục sẽ có những giải pháp gì đưa sách đến những vùng này?

Ông Chu Văn Hòa: Đó là một nội dung ở trong Ngày Sách Việt Nam. Tức là phát động phong trào hỗ trợ sách, tặng sách. Nếu như là doanh nghiệp thì mua sách xây dựng thư viện vùng sâu vùng xa thì cũng nằm trong chương trình ngày sách Việt Nam. Những nhà xuất bản, những công ty phát hành sách tặng sách cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa cũng là hành động trong ngày sách Việt Nam. Tôn vinh những người xây thư viện vùng sâu vùng xa thì đó là những đối tượng mà ngày sách tôn vinh.

*Nhân nói về ngày sách, thì tôi cũng xin hỏi thêm vấn đề mà khá nhiều người quan tâm đó là thời gian qua tình trạng sách lậu, sách in ra lại bị thu hồi thì trách nhiệm của người quản lí là như thế nào?

Ông Chu Văn Hòa: Việc có nhiều sách xuất bản lậu hoặc xuất bản chưa đúng đương nhiên có trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước. Trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước là tham mưu, đồng thời là trực tiếp thực hiện, giúp Chính phủ quản lí lĩnh vực này. Nếu còn có nghĩa là trách nhiệm của anh vẫn còn phải làm và làm đến khi nào tốt thì thôi. Nhưng việc này cũng không phải là việc của một mình Cục Xuất bản hay Bộ TT&TT mà có cả hệ thống ngành dọc trước hết và trực tiếp nhất đó là UBND tỉnh giao cho các Sở Văn hóa, rộng hơn nữa thì phối hợp với cả bên công an, các tổ chức đoàn thể. Trách nhiệm trực tiếp trước hết theo luật xuất bản giao cho Giám đốc và Tổng biên tập NXB. Khi anh cho ra đời một cuốn sách thì giám đốc và tổng biên tập chịu trách nhiệm trước pháp luật. NXB là người ra quyết định xuất bản, phát hành. Đối với sách lậu, khi không phải là sản phẩm chính thống thì thanh tra các cấp, từ sở huyện đến trung ương có thể xử lí; công an có thể xử lí; văn hóa có thể xử lí mà trực tiếp là Sở thông tin truyền thông các cấp và của Bộ TT&TT.

*Xin cám ơn ông!

Bình luận