Chờ...

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

(VOH) - Mèo là loài vật xuất hiện đã từ rất lâu gắn bó, gần gũi với con người. Mèo cũng mang nhiều hình tượng văn hóa khác nhau ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Mèo là một trong những loài vật gần gũi nhất với con người và trong danh sách những thú cưng phổ biến nhất thế giới. Chẳng rõ bằng cách nào, mèo xuất hiện ở khắp mọi nơi. Không chỉ riêng loài mèo mà những vật dụng liên quan đến mèo cũng hiện diện không đếm xuể trong cuộc sống. “Phủ sóng” nhiều như thế nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, mèo tượng trưng cho điều gì?

Điểm chung về hình tượng của mèo trong nhiều nền văn hóa chính là tượng trưng cho điều gì đó kỳ diệu và tâm linh. Nhiều nơi tin rằng mèo sẽ mang lại may mắn, phước lành.

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

Nếu so sánh với loài chó thì loài mèo xuất hiện muộn hơn trong lịch sử loài người. Con người và chó đã có mối quan hệ gắn bó hơn 35 triệu năm, trong khi với mèo con số này là 9.500 năm. Chênh lệch lớn như vậy, vậy rốt cuộc điều gì làm loài mèo trở nên đặc biệt đến thế?

Thời Ai Cập cổ đại

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên nuôi mèo như thú cưng, vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên.

Người Ai Cập yêu thích mèo vì vẻ ngọt ngào, đáng yêu vốn có. Họ cũng cho rằng mèo có khả năng bảo vệ con người trước các mối nguy hiểm từ rắn và chuột. Và như một đặc trưng văn hóa thời bấy giờ như nhiều loài động vật khác, người Ai Cập cũng bắt đầu tôn thờ loài mèo.

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

Nữ thần Bastet của thần thoại Ai Cập cổ đại - một trong những vị thần được người dân Ai Cập cổ tôn sùng nhất và là hiện thân của vẻ đẹp, sự thân thiện và tính nữ, được miêu tả với hình dạng với phần đầu là đầu mèo. Thần Bastet là biểu tượng của cả Mặt trời và Mặt trăng, cũng như ánh sáng và sự ấm áp trong văn hóa Ai Cập cổ đại.

Mèo cũng gắn liền với hình ảnh của các vị vua và nữ hoàng thời Ai Cập cổ đại. Người Ai Cập bấy giờ thậm chí còn tổ chức tang lễ long trọng cho mèo khi chúng qua đời, với những nghi lễ tương tự như những nghi lễ được thực hiện trong tang lễ của các vị Pharaohs.

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

La Mã và Hy Lạp

Nhiều tài liệu ghi lại rằng người Hy Lạp cổ đại vô cùng yêu thích loài mèo Ai Cập, và đã tìm cách để sở hữu được 6 cặp mèo quý giá này. Ngay từ thời điểm những lứa mèo con đầu tiên được nuôi dưỡng, chúng đã trở nên nổi tiếng trên khắp đất nước. Người Hy Lạp sau đó đã bán những chú mèo này cho cách tộc người cổ đại khác như người La Mã, người Gall và người Celt.

Sau đó, mèo nhanh chóng xuất hiện rộng khắp vùng Địa Trung Hải và là niềm mơ ước của nhiều người khi được sở hữu chúng.

Ban đầu, mèo được xem như món quà đắt đỏ dành tặng các kỹ nữ cao cấp thời Hy Lạp cổ đại hơn là được nuôi như thú cưng. Mối quan hệ giữa loài mèo và người Hy Lạp cổ rất khác biệt so với người La Mã.

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, người ta thường dùng mèo để trao đổi với lụa thượng hạng. Sự tao nhã, sang trọng và khả năng săn mồi của chúng đã khiến người Trung Quốc vô cùng yêu thích. Mèo nhanh chóng trở thành biểu tượng của tình yêu, hòa bình, bình an và may mắn ở quốc gia này.

Ngày nay ở xã hội Trung Quốc hiện đại, mèo được xem là vật nuôi dành riêng cho nữ giới. Nhiều người xem mèo là hiện thân của may mắn và là loài vật linh thiêng giúp xua đuổi tà ma.

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

Nhật Bản

Loài mèo xuất hiện đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 999, khi một vị Nhật hoàng nhận được món quà nhân dịp sinh nhật lần thứ 13 của mình là một chú mèo.

Mèo vẫn được coi là sinh vật tượng trưng cho sự xảo quyệt, gắn với năng lực siêu nhiên trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khi những con mèo đuôi dài bị xem là "miêu hựu" (mèo ác), mèo cộc đuôi ở xứ Phù Tang lại được coi là biểu tượng cho may mắn và tương lai tốt đẹp.

Nhắc đến mèo may mắn ở Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh chú mèo cộc đuôi, ngồi thăng bằng với hai chân sau và một chân trước giơ lên cao. Nó được gọi với cái tên maneki-neko.

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

Hình ảnh con mèo ngộ nghĩnh này đã trở thành một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất của Nhật Bản và giờ đây còn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tượng của chú mèo này, với nhiều biến thể khác nhau, được đặt trong các cửa hàng, cơ sở kinh doanh để "hút khách" và cầu mong tài lộc.

Ở Nhật Bản, mèo cũng là hình ảnh gắn tượng trưng cho người phụ nữ với vẻ dịu dàng, khéo léo, tinh tế. 

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

Ấn Độ

Ở quốc gia tỷ dân này, mèo có liên quan mật thiết tới thần Shashthi - vị thần tượng trưng cho sự sáng tạo và khả năng sinh sản trong văn hóa Ấn Độ. Thần Shashthi cũng được miêu tả với gương mặt của một chú mèo.

Hình tượng Mèo trong văn hóa các nước

Những người theo đạo Phật ở Ấn Độ tin rằng mèo có khả năng giúp tránh xa tà ma, và đề cao chúng bởi khả năng tập trung cao độ. Tuy nhiên, những Phật tử Ấn Độ không xem mèo là loài vật linh thiêng.

Ở quốc gia này, mèo cũng biểu thị sự khổ hạnh và là vật cưỡi của thần Vidali. Người ta cũng tìm thấy tượng những con mèo khổ hạnh tượng trưng cho phúc lạc của thế giới động vật.