Chờ...

Các năm Thìn đáng nhớ trong lịch sử

VOH - Là con vật huyền thoại, rồng đứng đầu muôn loài, đồng thời liên quan mật thiết và ảnh hưởng sâu rộng tới những giá trị tinh thần của của nhân loại.

Đối với người Việt Nam, những năm Rồng (năm Thìn) cũng là những mốc son thời gian rực rỡ, ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.

Năm Giáp Thìn 257 trước Công nguyên, vua An Dương Vương hợp nhất nước Văn Lang của người Lạc Việt với Âu Việt, lập nên nước Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (Cổ Loa - Đông Anh - Hà Nội ngày nay).

Năm Bính Thìn 116, nhân dân 3 quận miền bắc Giao Chỉ nổi dậy khởi nghĩa. Nghĩa quân Việt đông tới hàng vạn người và chiêu dụ được cả một số quan lại người Hán tham gia.

Năm Mậu Thìn 248, mùa Xuân, Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo nhân dân đứng lên, lật đổ chính quyền đô hộ của nhà Ngô.

Năm Mậu Thìn 548, tháng 4, vua Lý Nam Đế mất, tướng Triệu Quang Phục xưng vương, từ đầm Dạ Trạch cầm quân tiến ra mở cuộc tổng phản công giặc Lương thắng lợi.

Năm Mậu Thìn 968, đánh bại 12 sứ quân cát cứ, thống nhất được lãnh thổ, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Năm Canh Thìn 980, tháng 8, vượt qua trở ngại của quan niệm và lễ giáo phong kiến, Thái hậu Dương Vân Nga can đảm trao ngôi vua Đinh cho Lê Hoàn, cùng ông chấn hưng quốc gia và gấp rút chuẩn bị chống kẻ thù xâm lược.

Các năm Thìn đáng nhớ trong lịch sử
Rồng là con vật đứng đầu muôn loài 

Năm Mậu Thìn 1028, tháng 4, Lê Phụng Hiểu dẹp loạn tam vương, giữ vững cơ đồ triều Lý và tổ chức hội thề trung quân ái quốc.

Năm Nhâm Thìn 1052, tháng 3, Lý Thái Tông đặt quả chuông lớn ở sân rồng cho ai có điều gì oan ức đến đánh chuông để tâu lên vua xem xét, giải quyết.

Năm Bính Thìn 1076, thành lập Quốc tử giám - trường đại học đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Cũng năm này, tháng 3 và 4, quân ta đại phá giặc Tống ngay trên đất Trung Quốc, san phẳng sào huyệt, tiêu hủy hoàn toàn cơ sở hậu cần của địch.

Năm Mậu Thìn 1148,  đầu Xuân, vua Lý Anh Tông đích thân ra cày ruộng (cày tịch điền) ở Hà Nam để động viên và làm gương cho dân chúng.

Năm Nhâm Thìn 1172, tháng 3, vua tuần du đường biển và vùng biên giới để xem xét thực trạng dân chúng, quan hệ đối ngoại, khảo sát phong tục, khí hậu, hình thế núi sông rồi cho biên soạn thành quyển Nam Bắc phiên giới địa đồ.

Năm Giáp Thìn 1244, triều Trần tiến hành sửa đổi cơ bản về luật pháp, cải cách hành chính sâu rộng và tăng cường quản lý kinh tế đối với các địa phương.

Năm Canh Thìn 1280, thống nhất loại đơn vị đo lường, xét duyệt sổ hộ khẩu và cơ cấu quan chức trong cả nước.

Năm Giáp Thìn 1304, đổi mới chế độ thi cử và chính sách tuyển dụng nhân tài, tổ chức thi làm 4 kỳ với nhiều môn thi mới.

Năm Bính Thìn 1376, mùa Đông, vua và Thượng hoàng nhà Trần đại duyệt quân thủy bộ rồi tiến đánh giặc Chiêm Thành, bảo vệ chủ quyền và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam.

Năm Canh Thìn 1400, tháng 3, Quý Ly lật đổ triều Trần, lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Hồ, đặt quốc hiệu là Đại Ngu (sự yên vui lớn) và tiến hành hàng loạt cải cách về chính trị, kinh tế, văn hóa, lễ giáo, quân sự.

Năm Giáp Thìn 1424, tháng 10, nghĩa quân Lam Sơn chuyển hướng vào Nghệ An theo kế hoạch của tướng Nguyễn Chích, đánh phá đồn Đa Căng, bức hàng thành Trà Long, khởi đầu thời kỳ tiến công chiến lược mở rộng chống giặc Minh.

Năm Canh Thìn 1460, tháng 7, Nguyễn Xí và Đinh Liệt dẹp bọn phản nghịch, đưa Tư Thành lên làm vua, mở đầu vương triều hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam: Vương triều Lê Thánh Tông (1460-1497).

Năm Nhâm Thìn 1592, Trịnh Tùng đánh bại nhà Mạc, chấm dứt cuộc nội chiến Nam - Bắc, thống nhất được quốc gia.

Năm Giáp Thìn 1664, thay đổi lớn về hệ thống đo lường, chế độ quản lý ruộng đất, thi cử, thuế khóa.

Năm Mậu Thìn 1748, các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất, Nguyễn Danh Phương bùng nổ, được nhân dân hưởng ứng rộng rãi, làm lao đao chính quyền Lê-Trịnh.

Năm Giáp Thìn 1784, ở miền Bắc, tháng 2, kiêu binh của chúa Trịnh nổi loạn, gây náo động kinh thành Thăng Long. Ở miền Nam, tháng 12, quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ chiến thắng vang dội trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, đánh tan 5 vạn giặc Xiêm xâm lược.

Năm Canh Thìn 1820, lần đầu tiên tiến hành tổng điều tra và kiểm kê trên toàn quốc số lượng người, ruộng đất, tiền, thóc, vàng, bạc.

Năm Nhâm Thìn 1832, tháng 11, hoàn tất việc chia lãnh thổ cả nước thành các tỉnh trực thuộc trung ương, kèm theo là sự đổi mới cơ bản về quy chế hành chính. Cũng năm này, triều Nguyễn thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại với hàng loạt quốc gia phương Tây và Tổng thống Mỹ cử người sang nước ta dâng quốc thư xin thông thương.

Các năm Thìn đáng nhớ trong lịch sử
Những năm Rồng (năm Thìn) là những mốc son thời gian rực rỡ trong lịch sử Việt Nam 

Năm Giáp Thìn 1904, tháng 5, Phan Bội Châu thành lập Hội Duy tân, phát động phong trào Đông du học tập, đổi mới và cứu quốc.

Năm Canh Thìn 1940, tại miền Bắc, ngày 27/9, thành lập đội du kích Bắc Sơn - tiền thân của Quân đội nhân dân cách mạng Việt Nam. Tại miền Nam, ngày 23/11, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ và lan rộng, làm tan rã chính quyền địch ở hầu hết các địa phương.

Năm Nhâm Thìn 1952, bằng 2 đại chiến dịch: Hòa Bình (mùa Xuân), Tây Bắc (mùa Đông), quân ta hoàn toàn áp đảo quân Pháp, giữ vững và phát triển mạnh thế chủ động chiến lược.

Năm Bính Thìn 1976, ngày 25/4, tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất và xác lập các thể chế liên quan. Ngày 2/7, Quốc hội quyết định đổi đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Năm Canh Thìn 2000, ngày 5/4, tại Sơn Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình), chính thức khởi công xa lộ Bắc-Nam (tiền thân là đường mòn Hồ Chí Minh). Ngày 14/4 (ngày 10/3 âm lịch), Nhà nước ta bắt đầu tổ chức Quốc lễ Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm. Ngày 13/7, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ được ký kết.

Ngày 15/12, Việt Nam công bố đã thanh toán được bệnh bại liệt. Ngày 28/12, Việt Nam tuyên bố với cộng đồng quốc tế đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học.

Năm Nhâm Thìn 2012, ngày 16/5, vệ tinh Vinasat 2 được phóng thành công lên quỹ đạo, là vệ tinh thứ hai khẳng định chủ quyền không gian của Việt Nam.

Ngày 6/12, Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành di sản tín ngưỡng đầu tiên của thế giới được UNESCO công nhận.

Ngày 23/12, khánh thành sớm 3 năm Nhà máy Thủy điện Sơn La - công  trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Cũng năm này, Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát ở mức một con số (từ gần 19% năm 2011 về mức chỉ khoảng 6,8% năm 2012).

Năm Giáp Thìn 2024, cả nước bước vào xuân mới với những thành tựu to lớn, ổn định chính trị và chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ.

Cũng năm nay, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, triển khai những chương trình lớn và chào mừng nhiều lễ kỷ niệm trọng đại: 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2024), 220 năm Quốc hiệu Việt Nam được chính thức tuyên bố và công nhận (1804-2024)...