Hội thảo do Ban tuyên giáo Thành ủy tổ chức nhằm đánh giá quá trình vận động và dự cảm những xu hướng phát triển của văn học nghệ thuật thành phố sau hơn 30 năm đổi mới.
Vai trò của văn học nghệ thuật đã được khẳng định trong lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng và phát triển đất nước. Khi đi vào kinh tế thị trường, xu thế hội nhập phát triển, điều này cũng giúp cho văn học nghệ thuật có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, bức tranh văn hóa vẫn còn có nhiều tương phản, có gam màu sáng tối, còn nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập và phát triển.
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó bí thư Thành ủy – nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ: "Cần có chính sách đầu tư mạnh hơn cho văn học nghệ thuật, trong đó đầu tư về cơ sở vật chất, đề xuất có những chính sách về thuế về đất cho cơ sở vật chất cho văn hóa, cũng như chính sách đào tạo về nguồn nhân lực. Lĩnh vực này đầu tư rất tốn kém, nhất là tạo ra những đầu đàn cho những ngành nghệ thuật, cũng như là cần đầu tư cho sản phẩm hay".
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Dương Thế Trung kết luận hội thảo. Ảnh: hcmcpv
Với lĩnh vực âm nhạc, xu hướng công nghệ hóa âm nhạc ở TPHCM là vấn đề cũng được đề cập tại hội thảo lần này. Công nghệ mang đến nhiều điều lớn hơn và góp phần tích cực cho đời sống âm nhạc. Để phát huy những đóng góp tích cực của công nghệ kỹ thuật cho mỗi sản phẩm âm nhạc, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm – Hội Âm nhạc thành phố thì việc đào tạo con người, tạo ra nguồn nhân lực là vô cùng cần thiết.
"Đào tạo phải là bước đầu, đào tạo phải là việc đi đầu. Nói gì nói, làm gì làm thì không có cái gì thay thế được con người. Sở phải có trách nhiệm lớn trong chuyện này. Phải quản lý, phải kiểm soát được hoạt động nghệ thuật bằng công nghệ và phải đi đầu. Nên nghiên cứu, ứng dụng cập nhật những kỹ thuật trên thế giới để quản lý", Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm đề xuất thêm.
Trong khi đó, Phó giáo sư Nguyễn Thành Thi – trường Đại học Sư phạm thành phố cho rằng, cần phải xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật vì đó là xu thế tất yếu của thời đại. Muốn xã hội hóa phải xã hội hóa về nguồn lực, từ doanh nghiệp, cá nhân đơn vị, xây dựng mạnh về tài chính và nhân sự: "Thường xuyên cập nhật hoạt động của văn học nghệ thuật được xã hội hóa. Sản phẩm của văn hóa nghệ thuật phải cố gắng tạo ra được thương hiệu, vừa hướng đến công chúng, vừa chú ý đến nhu cầu xã hội. Nhưng đồng thời cũng có những định hướng cần thiết để bảo đảm văn hóa nghệ thuật phát triển đúng hướng theo tinh thần của Đảng".
Song song đó, việc giáo dục nhận thức, nâng cao thẩm mỹ văn hóa của công chúng cũng góp phần rất lớn, giúp cho đời sống văn hóa nghệ thuật thành phố phát triển. Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu kịch Idecaf đề cao vai trò giáo dục cho người thưởng thức: "Định hướng phát triển giáo dục nhiều hơn thì sẽ tốt hơn. Đưa giáo dục văn hóa nghệ thuật vào ngay trong thời điểm này. Kết hợp với Sở Giáo dục tăng cường những giáo dục ngoại khóa ngay từ bây giờ".
Với các ý kiến đóng góp cũng như từ 36 bài tham luận gửi về cho hội thảo lần này, đã thấy được sự đầu tư tâm huyết của những người làm nghề và trách nhiệm của ngành quản lý. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ rà soát và tạo điều kiện thuận lợi cho sân khấu xã hội hóa cũng như đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố nói thêm: "Tăng cường liên kết văn hóa vùng miền, tăng cường giao lưu đối ngoại trong và ngoài nước. Tập trung chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố. Lựa chọn những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của thành phố để tập trung đầu tư trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Tập trung quản lý các loại hình thông tin trên mạng internet để định hướng tư tưởng cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, nhằm nâng cao tính tư tưởng nhân văn khoa học, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam".
Rõ ràng, văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, là một trong những động lực to lớn góp phần trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Với nhiều đề xuất khả thi tại hội thảo này, sẽ giúp cho văn hóa của thành phố ngày càng phát triển. Ông Dương Thế Trung – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nói: "Văn học nghệ thuật của thành phố và cả nước hiện nay đang đứng trước cơ hội và quá trình hội nhập mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cơ hội quý báu để văn học nghệ thuật tiếp cận với khoa học công nghệ mới. Phát triển mạnh mẽ công nghiệp biểu diễn gắn với công nghiệp thông tin truyền thông và giao lưu trực tiếp với khán giả, nhằm xây dựng nền văn học nghệ thuật thành phố phát triển".