Chờ...

Cần thêm nhiều điểm diễn cho sân khấu cải lương

(VOH) - Là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, TPHCM là nơi tiếp thu tinh hoa VHNT của các vùng, miền, nơi tạo điều kiện cho các tác phẩm nghệ thuật thăng hoa, cho các hoạt động nghệ thuật phát triển.

Các loại hình văn học - nghệ thuật cũng thể hiện rõ sức sống mạnh mẽ và lan tỏa, tạo ra những sản phẩm mang tính giáo dục, thẩm mỹ cao, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới.

Chúng tôi xin trích giới thiệu tham luận của Soạn giả Hoàng Song Việt về tình hình sân khấu cải lương hiện nay và những giải pháp giúp nghệ thuật truyền thống trên địa bàn thành phố phát triển được trình bày tại chương trình “Đối thoại Văn hóa”, số đầu tiên chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố Văn hóa” do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức mới đây.

Cần thêm nhiều điểm diễn cho sân khấu cải lương

Một cảnh trong vở Đời cô Lựu - tác phẩm cải lương kinh điển của soạn giả Trần Hữu Trang luôn tạo sức cuốn hút với khán giả mộ điệu. Ảnh: SGGP

VOH trích nội dung tham luận của Soạn giả Hoàng Song Việt:

Đối với các bạn trẻ hiện tại trong thế hệ hiện tại này, chúng ta rất vui mừng vì các bạn có tính năng động, các bạn có tính hướng ngoại. Hướng ngoại là các bạn muốn du nhập, muốn tiếp thu tất cả những tinh hoa về mọi mặt văn hóa, khoa học kỹ thuật. Nhưng, ngoài khía cạnh đó ra, các bạn còn một điều mà chúng ta hết sức băn khoăn, đó là các bạn chạy theo điều đó rất năng nổ, thậm chí tiếp thu mà các  bạn không được chọn lọc, và quay lưng lại với giá trị văn hóa truyền thống. Thông qua điều này thì chúng ta có thể nghĩ rằng là có phải phần nào đó do chúng ta chăng.

Vào khoảng thập niên 80, sân khấu TPHCM là sân khấu đang ở vào lúc phát triển cực thịnh. Mỗi một suất diễn ở sân khấu TPHCM là có qui định là không cho các em nhỏ dưới 6 tuổi vào xem. Điều này là điều đúng đắn vì chúng ta còn suy nghĩ đến sức khỏe trẻ em, cho các em ngủ nghỉ học hành và cho các em tiếp thu đúng với những điều đúng lứa tuổi các em. Như vậy có nghĩa các em thiếu nhi khoảng từ 6 tuổi trở xuống thì các em không có điều kiện tiếp cận với nền văn hóa nghệ thuật truyền thống mà cụ thể đó là cải lương. Các em không tiếp cận thì các em không yêu thích được, các em không yêu nó thì các em không yêu thích được và như vậy chúng ta đã mất đi lực lượng khán giả dự bị cho các lớp khán giả dần già đi. Thì lúc đó các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn TPHCM. Do sự chỉ đạo của lãnh đạo có biện pháp là cứ mỗi sáng chủ nhật các đơn vị dàn dựng các vở diễn tương đối ngắn và phù hợp với các em thiếu nhi, gọi là các vở diễn dành riêng cho các em thiếu nhi, là đúng 9 giờ sáng các em đến rạp xem cùng phụ huynh. Tuy nhiên, điều này không kéo dài. Và sau đó thời gian rất ngắn thì không còn thực hiện được. Lớp khán giả trẻ, lớp khán giả thiếu nhi lại tiếp tục không được tiếp cận với cải lương.

Tiếp theo đó là chúng ta có rất nhiều loại hình nghệ thuật giải trí từ nước ngoài du nhập vào trong giai đoạn chúng ta mở cửa để hội nhập với quốc tế. Thì có rất nhiều loại hình nghệ thuật và sau đó là mạng internet phát triển, rồi các em có rất nhiều cái chọn lựa. Và điều đó phù hợp với tính năng động của các em cho nên chúng ta mất hẳn đi thành phần khán giả trẻ mà chúng ta có thể chuẩn bị cho tương lai.

Những chương trình hành động mà Sở Văn hóa trực tiếp chỉ đạo xuống cho các đơn vị nghệ thuật trong khu vực TPHCM thì lâu nay đã có chương trình sân khấu học đường, và đang triển khai sân khấu thiếu nhi. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó vẫn chưa thấy đủ để mà chúng ta lôi kéo thành phần khá giả trẻ. Hiện tại chúng ta vẫn chưa có được những lực hút để chúng ta có thể tạo nên sự yêu thích của các em. Mà nếu như, lỗ hổng này chúng ta không lắp đầy trong thời gian sắp tới thì tiếp tục sân khấu truyền thống gặp rất nhiều khó khăn về khán giả ở tương lai.

Cũng nhìn nhận một điều công bằng rằng chúng ta đang thiếu phần những người có thể đem đến cái nguồn yêu thích đối với các em, đó là lực lượng công tác biểu diễn hiện tại, đầu vào chúng ta hiện tại mà chúng ta tuyển sinh rất khó khăn. Khó khăn ở chỗ là đặc thù của nền sân khấu cải lương là thanh sắc của các thí sinh, rồi khả năng biểu diễn các em thì gần như các em có tố chất đó thì lại không có đủ điều kiện là bằng cấp để các em được thi tuyển vào các trường. Ngược lại, những em có đầy đủ bằng cấp thì các em lại không có được tố chất để làm nghề. Như vậy thì nếu như có cách nào đó để chúng ta lập nên một cơ chế tương đối bài bản hơn, căn cơ hơn, để chúng ta vừa có thể tuyển sinh được cho các em, và các em có thể học tập được và có thể ra nghề vào lúc độ tuổi chín muồi nhất là khoảng 20-22. Để các em có thể có sức trẻ, sáng tạo, tiếp thu tất cả những gì mới mẻ của sân khấu truyền thống và những gì tốt đẹp của sân khấu nước ngoài.

Và công tác hoạt động của sân khấu TPHCM chúng ta, thực chất nhà nước rất quan tâm. Riêng ngành sân khấu truyền thống, riêng bộ phận cải lương, chúng tôi có cả cơ ngơi là nhà hát cải lương Trần Hữu Trang để biểu diễn. Tuy nhiên, đó chỉ là một điểm diễn. Theo tôi theo dõi, nếu như có muốn lắm thì phải đi vòng tua đúng 3 tháng các em mới có lịch để biểu diễn lại một lần. Như vậy không đáp ứng được tất cả các nhu cầu mà các đơn vị xã hội hóa cũng như công lập cần thiết và không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Ở đây chúng ta không nói rằng cần xây dựng thêm những qui mô tầm cỡ như nhà hát Trần Hữu Trang nhưng tôi muốn đề nghị một điều, nên tổ chức một cuộc gặp gỡ, cuộc trao đổi thẳng thắn, giữa lãnh đạo của Sở và các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa của nội, ngoại thành, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật công lập và ngoài công lập để tính toán xem rằng các trung tâm văn hóa có thể giúp cho các đơn vị nghệ thuật trong thành phố có thêm điểm diễn nào chăng. Chuyển bến đến đó biểu diễn thì họ sẽ lấy được số lượng khán giả ở các nơi khác mà họ không đến được rạp Hưng Đạo. Và tôi nghĩ rằng, nếu như, sự hoạt động đồng bộ rần rộ như vậy thì sẽ tạo nên sự kích thích, cạnh tranh. Và nếu có cạnh tranh sẽ có chất lượng.