Tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hóc Môn cho biết, đơn vị này vừa hoàn tất rà soát cập nhật, bổ sung thông tin, tư liệu về quá trình hình thành của Đình Bình Nhan và Đình Bình Xuân (nằm ở địa bàn Ấp 1 và Ấp 4, xã Nhị Bình) gửi Sở Văn hóa - Thể thao đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp Thành phố.
Ông Cao Văn Châu, Phó Ban nghi lễ Đình Bình Nhan cho hay, Đình được xây dựng vào khoảng năm 1850, tại ấp Bình Hưng, làng Bình Nhan (nay thuộc ấp 1 xã Nhị Bình). Ngôi đình được xây dựng theo phong cách kiến trúc giống với các ngôi đình ở Nam bộ vào thế kỷ 19, gồm các hạng mục như: miếu Ngũ hành, tiền điện, chính điện, nhà bếp... Năm 1852, đình được vua Tự Đức phong sắc Thần vào năm thứ 5. Hiện nay, sắc Thần vẫn được Ban nghi lễ đình Bình Nhan lưu giữ và thờ cúng chu đáo.
Theo ông Châu, lần trùng tu gần nhất của đình là năm 2013. Đến nay, sau 8 năm nhiều hạng mục đã xuống cấp nên Ban quản lý Đình đã huy động kinh phí từ nhiều nguồn xã hội hóa và của chính quyền địa phương để trùng tu, tôn tạo lại một số hạng mục cho khang trang. Công việc này dự kiến hoàn tất trước rằm tháng Chạp để kịp thời phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân và du khách dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới. “Ngày xưa, Đình cũng là nơi tập hợp những thanh niên tham gia cách mạng, tập trung về đây rồi đưa về Củ Chi. Nếu có thương bình cũng đem về đây băng bó rồi đưa về Củ Chi. Do đó, năm 2011, đình đã được công nhận là địa chỉ đỏ duy nhất ở huyện Hóc Môn. Chúng tôi đang kiến nghị TP xem xét công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp Thành phố. Đây là điểm dừng chân để khai thác du lịch cả đường bộ lẫn đường thủy. Có thời gian dài đình bị hư hỏng, mối mọt nên Ban nghi lễ xin phép chính quyền và người dân trong xã thống nhất trùng tu, tái thiết đình mới như bây giờ”.
Ngoài Sắc Thần, hiện tại, Đình Bình Nhan còn lưu giữ được 1 bộ lư đồng, 1 bình bông cổ, 1 binh khí và 2 con hạc. Cũng với những cổ vật còn lưu giữ được, việc trùng tu, sửa chữa Đình Thần Bình Nhan có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, giúp lưu giữ địa danh, không gian thực hành tín ngưỡng - địa điểm in đậm dấu ấn văn hóa dân gian của các bậc tiền nhân trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nhị Bình, Hóc Môn, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.