Tết là sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại, giúp con người trở về cội nguồn, bắt đầu cái mới.
Tết xưa đậm đà trong tâm thức bao thế hệ
Tết xưa, khi đời sống còn thiếu thốn, việc đón Tết đã trở thành một sự kiện lớn trong từng gia đình. Tết đến từ từ, không vồ vập bởi đã được chuẩn bị trước hàng tháng trời. Bố chăm sóc tỉa lá bụi chuối, bụi dong để chuẩn bị lá gói bánh chưng, bánh tét; mẹ vỗ béo bầy heo, đàn gà để dành ăn Tết.
Đầu tháng Chạp các bà, các mẹ muối dưa hành, dưa kiệu và từ lễ cúng ông Táo về trời thì Tết đã tới cửa. Phụ nữ trong nhà tất bật chợ búa, đàn ông dọn dẹp chuồng trại, nhà cửa.
Tết được chăm chút kỹ lưỡng từng chút một. Cỗ bàn dâng cúng trời đất, tổ tiên đều phải được chuẩn bị nghiêm chỉnh, sạch sẽ; nghi thức lễ lạt đủ đầy để rước ông bà tổ tiên về nhà cùng ăn Tết.
Phiên chợ Tết là nơi đông vui, nhộn nhịp nhất của những ngày cuối năm. Người bán kẻ mua xôn xao, nhộn nhịp. Đi chợ Tết không phải chỉ để mua hàng mà còn để hỏi han nhau năm nay làm ăn được không, chuẩn bị tết thế nào, cảnh chợ sum vầy trong sắc màu rực rỡ.
Tết rộn ràng khi bà con chòm xóm cùng “đụng lợn” ngày 25 – 27 tháng chạp, cùng gói bánh chưng, bánh tét chiều 28, 29, rồi tất cả tề tựu ngày 30 cùng rước ông bà tổ tiên về ăn tết với gia đình.
Chị Hồng (40 tuổi) kể lại: “Thời tết còn là trẻ con, tết là những ngày thích thú nhất, trẻ con thời đó mỗi năm chỉ có đồ mới vào dịp đầu năm học và tết, nhưng tết mới có quần áo nhiều sắc màu, kiểu dáng. Những năm 1990 gia đình tôi chỉ đủ ăn, tết mới là lúc trẻ con được ăn ngon, mặc đẹp. Tết trên bàn thờ gia tiên, luôn lấp lánh các bánh in đủ sắc màu, mứt dừa hồi đó là dừa già cuộn lại thành hình bông hoa đỏ, hoa vàng. Vậy mà mấy anh em trong nhà trông tới tối mùng 4 tết mẹ mới dỡ xuống để được dành nhau mấy cái bông hoa mứt đó”.
Tết trong tâm khảm nhiều người từng là trẻ thơ là niềm háo hức chờ đón giao thừa, được người lớn trong nhà lì xì, cả nhà cùng nhau đi chùa, hái lộc.
Đặc sản quý nhất của Tết xưa là lời chúc, đi đến đâu, đến nhà ai, gặp bất kỳ ai dù quen dù lạ, câu cửa miệng là lời chúc năm mới những điều tốt đẹp và thiện ý. Hàng xóm láng giềng hay anh em họ mạc ngày thường có giận dỗi nhau nhưng ngày tết vẫn đến hoặc gặp nhau vẫn tươi tắn xởi lởi tiếng chào, lời chúc năm mới tốt lành, cũng nhờ ngày tết mà bao nỗi tị hiềm hờn giận được xí xóa bỏ qua.
Trong mỗi gia đình, người giữ gìn và trao truyền những giá trị tuyệt vời của Tết chính là những người lớn tuổi. Tết bận rộn hơn, tất tả hơn nhưng các bà, các mẹ luôn muốn có một cái tết chỉn chu với tổ tiên, tươm tất với gia đình và đây hương vị truyền thống với con, cháu.
Tết nay nhiều phong vị tận hưởng riêng
Thế giới phẳng, mạng xã hội kết nối rộng rãi trong ngày thường cũng như Tết, tiện lợi. Lời chúc, hoa tươi, quà mừng, rộn ràng, rực rỡ, hào phóng trên mạng xã hội. Dịp Tết, người ta không cần đến tận nhà, gặp tận mặt mới có thể chúc Tết, mà chỉ cần một chiếc smartphone là đã có thể gửi lời chúc năm mới tốt lành đi khắp nơi, cùng lúc có thể gửi nhiều người bao lời có cảnh, icon sinh động…
Tết nay, việc sắm Tết của các bà nội trợ có phần nhẹ nhàng và thong thả hơn. Mọi thứ chuẩn bị cho Tết có thể sắm sửa chỉ trong một buổi chiều ở chợ, siêu thị hay ngồi nhà đặt hàng qua mạng và được giao tận nơi. Bánh chưng, bánh tét, giò thủ, giò lụa…. không cần mất nhiều thời gian chuẩn bị, gói bánh, canh bánh, chỉ cần vài các click chuột là đã có.
Việc ăn uống trong ngày Tết không còn quá quan trọng, chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Bánh chưng, thịt đông, thịt gà luộc… xưa vốn là món quý chỉ dùng trong những dịp đặc biệt như lễ, Tết, thì nay đã là món ăn hàng ngày với nhiều người. Nên Tết giảm phần ăn và có vẻ tăng phần chơi hơn với một số người
Tết nay nhiều người không cần phải xếp hàng mua vé tàu, xe như trước, có thể đặt nhanh và an toàn qua internet, đặt vé từ sớm để tránh cập rập, đường sá đi lại cũng thuận tiện hơn. Người ở xa không quá khó khăn để về quê đón tết như trước.
Cũng là du xuân nhưng nay nhiều người chọn cách đón tết ở nơi xa nhà. Du lịch dần là một xu hướng lựa chọn được chú ý trong mấy năm gần đây. Gia đình, người thân cùng nhau đến những miền đất mới trong mấy ngày nghỉ Tết là kiểu vui xuân nhẹ nhàng, ấm cúng, cùng nhau tận hưởng tết theo ý thích riêng, nghỉ ngơi, xả stress sau một năm làm việc vất vả.
Bạn Ngọc Anh (25 tuổi) chia sẻ “trong năm chỉ có Tết ta là dịp nghỉ dài ngày nhất trong năm. Cuối năm thì công việc còn căng thẳng hơn nên là chỉ có vài ngày được thảnh thơi để đi ngủ nướng, đi du lịch hay làm bất cứ điều gì mình thích mà trong năm không làm được. Với mình vậy là đủ ý nghĩa rồi”.
Giá trị tinh thần của Tết Nguyên đán là của chung cộng đồng dân tộc, dòng họ, gia đình và mỗi người. Ai cũng đều mừng đón năm mới với những hy vọng tốt lành, may mắn sẽ đến với mọi nhà, mọi người. Giữ Tết còn là giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua tục thờ cúng tổ tiên, người thân đã mất trong dịp Tết.
Cùng với sự thay đổi của cuộc sống, Tết vẫn được gìn giữ, dù có khác đi về cách thức chuẩn bị và tận hưởng.