Giấc mơ làm đẹp khu dân cư bằng tranh tường dân gian của hoạ sĩ lớn tuổi

(VOH) - Dù đã ở tuổi 84, người họa sĩ “đời thường” vẫn rất minh mẫn, mang trong mình một tư tưởng dám nghĩ, dám làm.

Với 10 năm học tại hai trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hoạ sĩ Nguyễn Trọng Nguyện - 55 tuổi Đảng, nay đã 84 tuổi vẫn luôn ấp ủ một giấc mơ giúp khu dân cư đẹp hơn, khang trang hơn nhờ vẽ tranh dọc tường, có độ dài 130m, cao 4m. Chủ đề trọng tâm của ông là tranh Đông Hồ - dòng tranh mang giá trị to lớn qua nhiều thế kỷ, nhưng lại đang dần mai một.

Hành trình thực hiện hoá giấc mơ của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Nguyện

Không chỉ là một hoạ sĩ gạo cội nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy, với tinh thần và trách nhiệm của một cư dân tại ngõ Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Nguyện luôn có một tâm huyết muốn làm đẹp khu dân cư nơi mình sinh sống, và hơn thế nữa là lưu giữ những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân gian Việt Nam - tranh Đông Hồ.

Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Nguyện
Họa sĩ 84 tuổi với nhiệt huyết nghệ thuật đời thường

Để thực hiện được những mảnh tường nghệ thuật dân gian, hoạ sĩ 84 tuổi không chỉ bỏ ra thời gian mà còn là tâm huyết để biên soạn đề tài, phác thảo, tìm ý tưởng với 30 bức tranh dân gian khác nhau để gửi lên phòng văn hoá quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phê duyệt. Nhờ sự nhiệt huyết của ông, sau hơn 3 tháng lên ý tưởng cùng tính nhân văn của việc vẽ tường dân gian, ông sớm nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cùng dân cư trong “làng Quỳnh” - cái tên thân mật từ xưa mà người dân trong khu vẫn thường gọi.

Đan xen giữa những tranh tường Đông Hồ là tranh dân gian, lịch sử như: Trưng Vương trừ giặc Hán, Bà Triệu khởi nghĩa, vua Đinh Tiên Hoàng,... Ngoài ra, hoạ sĩ còn điểm thêm trên mỗi bức tranh là những tiêu đề, câu ca dao, tục ngữ như “Khen ai khéo dựng nên dừa / Đây trèo, đấy hứng cho vừa một đôi” góp phần sinh động hơn. Điểm đặc biệt của những mảng tường này là sự “kết nối” giữa khu dân cư Ngõ Quỳnh và trường Tiểu học Ngô Quyền. Tranh tường Đông Hồ không chỉ mang tính thẩm mỹ cho khu dân cư mà còn mang tính lưu giữ văn hoá, giáo dục sâu sắc cho các em nhỏ.

Nghệ thuật chân chính từ “tự phát đến tự giác” của khu dân cư

Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Nguyện
Ngõ Quỳnh trở nên khang trang hơn nhờ những mảng tranh tường dân gian

Để hoàn thiện một loạt tranh tường cho khu dân cư với độ dài 130m và được sự ủng hộ của mọi người dân là điều không dễ dàng. Ông bắt đầu từ mảng tường đầu tiên với những nét vẽ cẩn thận cho đến khi hoàn thiện. Khi thành quả hiện hữu trên mỗi bức tường, không còn là trên bản báo cáo hay lời tuyên truyền thì nghệ thuật chân chính của người hoạ sĩ 80 tuổi đã chạm đến tinh thần, con tim của mỗi người dân trong khu dân cư. Sự “tự giác” thay đổi trong tư duy đến hành động bắt đầu từ những người hàng xóm gần nhà ông. Người cạo giấy quảng cáo, người sơn lại tường, người biếu chùm nho, người mời miếng nước,... Tất cả đều giản dị nhưng lại gắn chặt tình đoàn kết; tạo nên một phong trào đổi mới; xây dựng khu dân cư văn minh, hiện đại.

Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Nguyện
Các em nhỏ ở Ngõ Quỳnh giờ đây không chỉ được học mỹ thuật trên trường mà còn được ngắm nhìn nghệ thuật từ bàn tay cụ ông 84 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Bình, 88 tuổi, một người đi xa sau bao năm trở về Ngõ Quỳnh với “diện mạo” mới chia sẻ trong sự xúc động: “Ông họa sĩ vẽ những bức tranh này rất lịch sự, sáng sủa. Dân mình rất tốt, luôn có ý thức nhớ về lịch sử đất nước, lịch sử thủ đô. Vẽ như thế này cho thấy ý thức của dân rất là cao, mọi người trong đây cũng từ đấy mà trở nên có ý thức hơn”. Có thể nói, nghệ thuật với đời sống giờ đây đã không còn khoảng cách, khi mà con người có thể kết nối gần lại với nhau, khi những nét văn hóa dân gian được tô điểm cho cuộc sống hiện đại.

Ranh giới giữa đổi mới văn hoá và lưu giữ truyền thống là một người hoạ sĩ dám hành động

Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Nguyện
Họa sĩ cho rằng: “Nghệ thuật không phải thứ gì cao xa, nghệ thuật nằm ở đời thường, là khi đưa ra công chúng và được công nhận”.

Dù đã ở tuổi 84, người họa sĩ “đời thường” vẫn rất minh mẫn, mang trong mình một tư tưởng dám nghĩ, dám làm. Cho đến nay, ông vẫn giúp rất nhiều bạn trẻ phát triển năng khiếu, ôn thi vào nhiều trường đại học về mỹ thuật, kiến trúc. Theo ông, khi học mỹ thuật sẽ hạn chế được những tiêu cực của cuộc sống, và khi con người đã hiểu được cái đẹp thì sẽ không ai làm việc xấu.

Có thể nói, khi đã có quá nhiều lời tuyên truyền trên báo, đài như hiện nay thì thứ giúp “bừng tỉnh” ý thức của mỗi người lại chính là hành động thực tế của từng cá nhân nhỏ. Không chỉ là ý thức của một người hoạ sĩ muốn lưu giữ nét đẹp văn hoá cho khu dân cư, ông luôn cho rằng mình cần có trách nhiệm đổi mới, giúp nơi mình sống trở nên khang trang hơn, giúp những người già có cái nhìn mới, giúp các bé nhỏ thêm hiểu biết về tranh dân gian Việt Nam.

Thành công của người họa sĩ cao tuổi là biến nét văn hóa dân gian thành niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người dân nơi đây. Là sự thành công khi nâng tầm niềm tự hào con người thành ý thức bảo vệ một khu dân cư xanh, sạch, đẹp, hiện đại, văn mình những vẫn lưu giữ nét đẹp dân gian sâu sắc.

Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Nguyện
Ông vẽ tranh tường trong chính con ngõ nơi sinh sống

Với ông, con người dù ở bất cứ độ tuổi nào cũng cần sự lạc quan. Và nghệ thuật với ông cũng vậy, là liều thuốc xoa dịu những tâm hồn già cỗi, chữa lành những lo lắng của tuổi già. Từ khi có những hình vẽ tường tranh Đông Hồ dọc ngõ Quỳnh, những cụ già nơi đây không chỉ được hồi tưởng lại những ký ức văn hoá dân gian xưa mà còn thêm yêu đời với một cống hiến nghệ thuật chân chính của người hoạ sĩ.