Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 - Chất văn chương trong tác phẩm ngày càng nhiều

(VOH) - Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 chủ đề Tuổi 20 hôm nay - cuộc sống và góc nhìn được triển khai từ 1/1/2019 đến 30/10/2021 đã nhận 511 tác phẩm dự thi.

“Số lượng tăng hơn và chất văn chương trong tác phẩm ngày càng nhiều hơn” là nhận xét của ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ dành cho các tác phẩm vào vòng chung khảo Giải thưởng Văn học tuổi 20 năm 2021.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 chủ đề Tuổi 20 hôm nay - cuộc sống và góc nhìn được triển khai từ ngày 1/1/2019 đến 30/10/2021 đã nhận 511 tác phẩm dự thi. Qua các vòng chấm thì 12 tác phẩm (bao gồm 6 tác phẩm thuộc thể loại tập truyện ngắn, 6 tác phẩm thuộc thể loại truyện dài) được chọn vào chung khảo được giới chuyên môn đánh giá cao. 

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 - Chất văn chương trong tác phẩm ngày càng nhiều 1
 

Qua 7 đợt vận động sáng tác, điều ấn tượng với giới chuyên môn đó là tinh thần sáng tác, sự nghiêm túc sáng tạo nghệ thuật và thể hiện rõ góc nhìn của người trẻ về cuộc sống. Giải thưởng văn học tuổi 20 vượt ra khỏi khái niệm sân chơi mà đã khẳng định giá trị, là nơi cung cấp cho văn đàn nhiều tác phẩm có chất lượng.

Qua 28 năm - 7 lần tổ chức, các tác giả đã vẽ nên thế hệ nhà văn, chia sẻ tiếng nói cùng thế hệ. Đánh giá về xu hướng sáng tác trong tác phẩm lần này, ông Nam cho biết, các tác giả dự thi lần này rất quan tâm và viết về hiện thực xã hội ngày nay: "Các bạn viết về môi trường, vấn đề tâm lý hay là thân phận dưới đáy xã hội, cuộc sống đô thị với những áp lực nơi công sở…. Đặc biệt nổi lên là chính các tác giả dùng ngôn ngữ, văn chương hay nghệ thuật, triết học làm đề tài sáng tác.

Điều đó cho thấy các tác giả trẻ quan tâm nhiều đến tính văn chương trong các sáng tác".

Chọn đề tài môi trường để chuyển tải trong tác phẩm truyện dài dự thi, “Cõi người mắc cạn” của Phạm Khánh Duy đề cập vấn đề thời sự là hạn mặn ở miền Tây, mong muốn góp tiếng nói để môi trường được cải thiện ngày càng tốt đẹp hơn, cuộc sống người dân đỡ vất vả hơn.

Chính hình ảnh người nông dân đứng khóc trước đồng ruộng khô cằn đã thôi thúc Phạm Khánh Duy viết, chia sẻ và thấu cảm với nỗi khổ của người  dân quê mình: "Em cảm thấy rung động và muốn viết tác phẩm cho quê hương, cho mùa hạn mặn, ghi dấu lại những khổ cực của nông dân. Vì thế em bắt tay vào viết tác phẩm “Cõi người mắc cạn” này.

Khi viết “Cõi người mắc cạn”, em vẫn sử dụng hình ảnh miền tây, quê hương của em, nhưng mà lần này miền tây trong tác phẩm của em khác hoàn toàn với tác phẩm trước đó. Miền tây được gói lại trong không gian, huyền thoại, tâm linh, văn hóa".

Nguyễn Dương Quỳnh - giảng viên khoa Thiết kế nghệ thuật, Đại học Hoa Sen - tác giả truyện dài “Ngủ ngon nhé, nàng thơ” thì muốn chuyển tải vào tác phẩm của mình cảm hứng nghệ thuật và hội họa, về cái đẹp và sự khao khát cái đẹp.

Nguyễn Dương Quỳnh chia sẻ: "Câu chuyện này em hoàn thành rất nhanh, chỉ trong vòng vài tháng. Nhưng suy nghĩ, ý tưởng em đã ấp ủ trong rất nhiều năm. Tác phẩm này nói về hành trình sáng tác, mục đích của nghệ thuật và cách chúng ta nhìn nhận về sáng tác vì người sáng tác để người khác tiếp nhận, có người sáng tác là để cho bản thân".

Đánh giá về sự thành công của Cuộc thi văn học tuổi 20, Trưởng ban Ban Nhà văn trẻ Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thiếu Nhơn cho rằng, chính thương hiệu Nhà xuất bản Trẻ đã đóng góp không nhỏ trong việc 7 lần tổ chức vì đây là ngôi nhà, là "bà đỡ" cho các sáng tác trẻ, đưa tác phẩm đến bạn đọc trẻ: "Từ văn học tuổi 20 chúng ta thấy được diện mạo thế hệ nhà văn trẻ liên tục trong 20 năm qua, chúng ta thấy thế hệ lớn từ Nguyễn Ngọc Tư đến Lê Quang Trạng.

20 năm, cuộc thi đã đóng góp cho văn học Việt Nam ít nhất 25 cây bút đáng kể. Khi tác phẩm được viết ra bởi người trẻ và được đánh giá bởi hội đồng chuyên môn nhất định thì cũng là thái độ chính thống đối với sự phát triển của văn học Việt Nam cũng như đối với sự hình thành sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam".

Theo Trưởng ban Ban Nhà văn trẻ Hội nhà văn Thành phố thì Nhà xuất bản Trẻ nên tận dụng công nghệ để quảng bá rộng rãi tác phẩm cũng như nên tổ chức cuộc thi viết về 12 tác phẩm vào vòng chung khảo để bạn đọc tiếp cận tốt nhất với tác phẩm cũng như đo được thị hiếu thẩm mỹ của độc giả hiện nay. Qua đó, thôi thúc thêm tinh thần văn chương cho những ai đam mê nghiệp viết.

Bình luận