Làng gạch gốm tại Mang Thít mang đến những trải nghiệm độc đáo, mới lạ cho khách du lịch.
Làng gốm nằm dọc theo sông Cổ Chiên, nổi bật với màu đỏ đặc trưng, nơi tận dụng mỏ đất sét vô cùng quý báu mà khó nơi nào có được.
Anh Dương Chí Hiền (Ấp Phú Hòa, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) chủ một cơ sở gạch gốm tại vùng chia sẻ đã theo nghề hai mươi mốt năm. Theo anh, nguồn đất sét ở Vĩnh Long có thể làm ra những viên gạch tàu, ngói đẹp, dẻo ít nơi khác sánh bằng.
Quá trình tạo ra sản phẩm cần nhiều thời gian và tâm huyết. Từ khâu khai thác nguyên liệu, nhào trộn đất sét, tạo hình, nung và cuối cùng là làm nguội để cho ra thành phẩm.

Công đoạn chạy gạch cần 5 - 7 người. Trong làng, có cơ sở sản xuất ra gạch ống, gạch tàu, có nơi làm gạch trang trí những lò thủ công làm đa dạng các loại gạch hơn. Chẳng hạn như ngói dùng nướng thịt thì chỉ có lò thủ công mới làm được.


Giá thành của gạch tùy thuộc vào giá trấu, có lúc giá gạch lên đến 1.700 đồng/viên nhưng khi giá trấu giảm thì gạch còn khoảng 1.400 đồng/viên.
Những loại gạch thường chênh lệch từ 200 – 300 đồng/viên giữa lò thủ công với lò công nghệ.

Gạch được chia nhiều loại, loại gạch đen được xem là gạch chín nhất sẽ được bán rẻ hơn gạch đỏ tầm 100 – 200 đồng/viên.
Tùy nhu cầu mỗi cơ sở mà lò gạch được xây khác nhau nhưng trung bình sẽ cao 12 mét. Một lò được vào đầy gạch sẽ bắt đầu nổi lửa để đốt bình quân tầm 20 ngày, khi đốt xong lò sẽ được bít lại chờ nguội khoảng 10 ngày đến 15 ngày rồi bắt đầu mới đem ra tầm 5 ngày.
Nếu tính toàn bộ công đoạn dao động khoảng 60 ngày. Cơ sở có thợ làm giỏi và đủ số công nhân có thể 45 ngày đã hoàn thành.
Anh Hiền chia sẻ chỉ có xã Nhơn Phú có lò gạch nhiều nhất. Bây giờ, chỉ có tuyến đường kinh Thầy Cai này các cơ sở còn hoạt động khá đều đặn. Những chỗ khác đã ngưng nghỉ nhiều hoặc vài lò sản xuất cầm cự như làm ngói, gạch thẻ, gạch tàu hoặc những gạch trang trí,...
Hơn 10 năm về trước, ở đây được gọi là "vương quốc gạch" - nơi gạch tỏa đi khắp các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh,...
Gạch tại đây phù hợp cho việc xây dựng ở các vùng nước mặn vì rất chắc chắn. Nhưng khi xuất hiện lò hơ men, lò công nghệ thì đã sản xuất theo kiểu đại trà, cho ra sản phẩm liên tục nên dẫn đến giá thành rẻ, khiến các cơ sở thủ công rơi vào thế khó.
"Với những lò công nghệ khi giá trấu cao vẫn làm được vì chất đốt không hao, 1 viên gạch chỉ mất 100 gam/ trấu còn lò truyền thống đốt khoảng 300 – 350 gam/ trấu. Nên làng nghề gạch ngói thủ công đang dần bị mai một khá nhiều ... - Anh Hiền chia sẻ.
Làng nghề gạch gốm này đã hình thành được cả trăm năm, chứng kiến bao biến thiên. Làng nghề được gìn giữ đến ngày nay chính là nhờ vào tình yêu, sự quyết tâm, kiên trì của những người trân trọng, nâng niu nghề truyền thống địa phương.

Gần đây, những khách du lịch từ trong và ngoài nước tìm đến vì yêu thích khung cảnh sản xuất sinh động tại lò. Địa phương cũng có những hỗ trợ trong việc duy trì sản xuất và quảng bá du lịch. Các cơ sở đã có sự sáng tạo trong khâu sản xuất gạch bắt mắt và độc đáo hơn.
Phát triển và duy trì làng nghề chính là cách để giúp lưu giữ nét văn hóa truyền thống và nét đẹp đặc trưng của từng địa phương.