Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hài kịch không chỉ có tiếng cười!

(VOH)- Khôi phục lại thói quen xem hài kịch cho khán giả tại sân khấu với những chương trình hài kịch sạch sẽ và giá trị là điều mà ekip sáng tạo của sân khấu nhỏ 5B đang thực hiện.

Yêu hài kịch và muốn cảm nhận rõ hơn về không gian mà ở đó chỉ có tiếng cười và gặp gỡ những nghệ sĩ hài khán giả từng yêu mến sẽ được tái hiện trong seri hài kịch ngắn vào tối thứ 5 hàng tuần tại sân khấu nhỏ 5B. Dự án này thật sự là hành trình ấp ủ và dày công sáng tạo của nhiều nghệ sĩ, vậy các nghệ sĩ đã bỏ tâm, sức và dành bất ngờ gì cho khán giả yêu thích sân khấu với chương trình hài kịch mang đậm chất 5B.

sân khấu nhỏ 5B đang thực hiện.
Những vở kịch sân khấu nhỏ 5B đang thực hiện. Ảnh minh họa

Sân khấu nhỏ 5B chuẩn bị công diễn chương trình tiếp theo trong seri “chùm hài kịch” diễn định kỳ tối thứ 5 hàng tuần. Ý tưởng về chuỗi chương trình này xuất phát từ sự mong mỏi của nhiều khán giả về một sân khấu mà ở đó chỉ có hài kịch để cười thỏa thích, và được sống lại không khí của những năm tháng thịnh hành của loại hình này. Trên thực tế, hài kịch không quá xa lạ, nhưng “chùm hài kịch ngắn” được biểu diễn định kỳ tại một sân khấu lại là một điều khá mới và hấp dẫn công chúng.

Nhiều khán giả vẫn còn nhầm lẫn giữa tấu hài với hài kịch ngắn, tấu hài là chỉ cần “tấu” để tạo tiếng cười, còn hài kịch ngắn phải có câu chuyện cụ thể và có quy định nhân vật. Điều đó đòi hỏi người viết phải thật sự tạo ra sự khác biệt, mỗi nhân vật trong câu chuyện phải có đất diễn gần như ngang nhau, có số phận và cấu tứ rõ ràng. Nói về việc tham gia vào công tác biên kịch cho “chùm hài kịch ngắn” lần này của sân khấu 5B – tác giả Tô Thiên Kiều cho biết: “Tấu hài thì chỉ cần có 2 người tấu qua tấu lại và bật ra tiếng cười là hết nhưng với hài kịch chúng ta phải có nội dung, phải có câu chuyện, tình tiết và nhiều người tham gia biểu diễn. Về tinh thần tôi rất phấn khởi, khi mà có thêm một sự lựa chọn nữa cho khán giả và có thêm một mảng sân khấu nữa để phục vụ cho nghề”.

Hài kịch đã từng có giai đoạn phát triển mạnh mẽ tại nhiều sân khấu ở Sài Gòn trước đây, còn được gọi với cái tên thân thuộc “tấu hài”. Nhiều danh hài cũng bắt đầu nổi lên ở thời điểm đó, tạo dấu ấn được công chúng mến mộ. Thế nhưng, sự dễ dãi và “chiều” theo những thị hiếu không hợp lý của công chúng đã làm tấu hài ngày một nhạt nhòa. Và hiện tại, hài kịch hầu như chỉ diễn thường xuyên trên các chương trình truyền hình, ít diễn định kỳ tại một sân khấu.

Một đêm diễn chỉ có hài kịch, quy tụ nhiều nghệ sĩ hài về sân khấu 5B để thỏa lòng mong mỏi của khán giả là điều mà ban quản lý sân khấu này đã ấp ủ hơn 1 năm qua. Sau chương trình đầu tiên được dàn dựng hấp dẫn, có sự kết nối từ câu chuyện này qua câu chuyện kia, tạo được thông điệp riêng từ 4 câu chuyện được xâu chuỗi lại. Khán giả tỏ ra thích thú và bắt đầu quen với không khí này, với phong cách hài mang đậm chất 5B – vui nhộn, sạch sẽ và ý nhị. Nghệ sĩ Quỳnh Phượng chia sẻ cảm xúc sau 10 năm quay lại sân khấu này: “Tính ra cũng đã hơn 10 năm mình mới quay lại với sân khấu 5B, và 5B cũng là cái nôi đầu tiên của mình, ngày xưa mới ra trường mình đã về đây diễn, ở nhà mình thật sự phải tập rất nhiều”.

Với mỗi vở khoảng 40 phút và kết nối với nhau bằng những nút thắt hợp lý, phía sau trận cười nghiêng ngã là những điều của cuộc sống, của chính khán giả mà họ chắc chắn không thể không suy ngẫm. Một cảm xúc thật khác và thật đặc biệt với hài kịch của sân khấu nhỏ 5B, nhiều nghệ sĩ đã nói như vậy khi góp mặt tại sân khấu này, diễn viên trẻ Bảo Trung dù không phải là diễn viên hài nhưng cũng đã hòa nhịp với những câu chuyện hấp dẫn tại 5B, Trung cho biết: “Cảm xúc hồi hợp ở sân khấu là không tránh khỏi, nhưng nhờ bạn diễn, nhờ tất cả mọi người hỗ trợ, ủng hộ tinh thần cho mình nên mình đã hoàn thành suất diễn khá là tốt… mạch vai diễn chỗ nào để mình có thể làm cho nó mượt mà và phối hợp nhịp nhàng hơn với các anh chị”.

Đội ngũ tác giả - đạo diễn góp phần định hình cho khung chương trình mới này có thể kế đến những cái tên quen thuộc của làng kịch thành phố như: tác giả Vương Huyền Cơ, NSƯT Hữu Quốc, Đạo diễn Chánh Trực, đạo diễn Quách Hồ Ninh, NSƯT Hạnh Thúy, Tác giả Tô Thiên Kiều, đạo diễn Thái Kim Tùng, diễn viên Vũ Trần, … Thử thách mà ban quản lý sân khấu 5B dành cho các tác giả, đạo diễn là phải luôn đổi mới, vui nhộn nhưng phải, súc tích, không diễn nhây, diễn cảm tính. Ngôn từ thoại trong kịch phải thật sự gần gũi, nhưng phải đi cùng nhịp thở của cuộc sống. Đạo diễn Chánh Trực – đã dựng khá nhiều vở cho 5B và nắm được thị hiếu nhất định của khán giả ở đây cho rằng: “Khung cảnh 5B khá là đơn giản, nhưng nó lại có cái hay của đơn giản là vì nó gần và sát với khán giả, khán giả được nghe giọng thật của diễn viên, khán giả được quây quần với diễn viên và đó là chìa khóa để chúng ta làm vở và khán giả họ thấy rằng 5B mang hơi thở của họ”.

Từ lâu, sân khấu nhỏ 5B xác định làm sân khấu tử tế, một không gian giải trí văn minh hiện đại, thu hút khán giả nhiều lứa tuổi song vẫn giữ vững định hướng, không làm sai lệch xu hướng thẩm mỹ mà nhiều thế hệ nghệ sĩ đã gầy dựng. Làm hài kịch định kỳ thứ 5 hàng tuần tại 5B  là thêm một lựa chọn cho khán giả để họ không cảm thấy nhàm chán khi chỉ xem hoài một hể loại. Và làm một chương trình hài kịch với một dự án dài hơi đòi hỏi tiềm lực, sự tính toán kỹ lưỡng mọi thứ cũng như một ekp thật sự giỏi, có cùng đam mê. NSUT Mỹ Uyên, giám đốc sân khấu nhỏ 5B nói trong niềm kỳ vọng, chị mong đầy như lời cảm ơn chị gửi đến khán giả, chị và cả ekip mong được mang những chương trình thật sự giá trị đến người yêu kịch chứ hoàn toàn không vì lợi nhuận. Theo Mỹ Uyên quan trọng là kịch bản phải hay, đúng với hơi thở, nhịp sống trẻ trung hiện đại, có thể là lịch sử, có thể là dân gian, có thể là cổ tích nhưng nó phải là những câu chuyện mới, mình có thể lồng vào đó những câu chuyện, mượn ngày xưa để nói hôm nay. “Dù nói gì thì nó cũng phải bắt nhịp xu hướng, hơi thở cuộc sống bây giờ, đó là về mặt nội dung. Còn về mặt con người từ tác giả, đạo diễn, diễn viên, khi tôi khởi xướng dự án này thì mọi người rất mừng, vì mọi người yêu sân khấu lắm, mọi người luôn muốn có cái mới, cộng sự của tôi thật sự thích chương trình mà tôi đưa ra”, Mỹ Uyên chia sẻ.

Tìm lại thói quen xem hài kịch và làm khán giả không thể ngồi yên ở nhà mà phải đến rạp để xem kịch là điều mà các nghệ sĩ đang dành tâm, sức, niềm tin và sự đam mê để làm. Vì chính khán giả là điểm tựa lớn nhất cho mỗi người nghệ sĩ không thôi sáng tạo và cống hiến cho sàn diễn và họ muốn kéo dài chuỗi hài kịch này với phương châm “hài kịch không chỉ có tiếng cười.”

Bình luận