Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam chính thức được UNESCO vinh danh

VOH - Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được vinh danh ở cấp độ quốc tế.

Vào lúc 9 giờ 47 ngày 4/12/2024 (giờ địa phương), tại kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, tổ chức ở thủ đô Asuncion, Paraguay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa tôn vinh tín ngưỡng thờ nữ thần mà còn là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer và Hoa tại vùng Châu Đốc, An Giang.

Hằng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 22 đến 27 tháng 4 âm lịch tại miếu Bà Chúa Xứ dưới chân Núi Sam, với nhiều nghi lễ và hoạt động tâm linh đặc sắc như lễ rước tượng Bà, cúng bái, và diễn xướng nghệ thuật dân gian.

04-12-2024-di-san-le-hoi-via-ba
Lễ tế tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam - Ảnh: Cổng TTĐT Thành ủy TPHCM.

UNESCO đánh giá cao cách cộng đồng địa phương gìn giữ và phát huy giá trị di sản, đồng thời công nhận lễ hội này như một minh chứng cho sự sáng tạo văn hóa, giao thoa tín ngưỡng và sự đồng lòng bảo tồn các giá trị truyền thống của nhiều dân tộc.

Việc lễ hội được ghi danh cũng góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch và tăng cường gắn kết cộng đồng trong việc gìn giữ di sản chung.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa và tâm linh của người dân vùng Tây Nam Bộ. Đây là dịp để người dân cầu mong sức khỏe, bình an, và tài lộc, đồng thời thể hiện lòng biết ơn với Mẹ Đất.

Lễ hội cũng được xem là môi trường giáo dục truyền thống, đề cao vai trò người phụ nữ và giá trị "uống nước nhớ nguồn".

Việc được UNESCO vinh danh là cơ hội để di sản này tiếp tục phát triển, tạo sức lan tỏa lớn hơn trong nước và quốc tế, qua đó góp phần khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

16 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam bao gồm: Nhã nhạc - nhạc cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Hát ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Hát xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví, dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ; Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật xòe Thái; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và mới nhất là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Bình luận