Mười lời thề danh dự vang lên lần đầu tiên tại Lễ xuất quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) vào ngày 22/12/1944. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, 10 lời thề ấy vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay.
1. Xuất xứ Mười lời thề danh dự của quân nhân
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc Châu Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, 34 cán bộ, chiến sĩ trong đội đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể về thời khắc lịch sử này như sau: “Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lần đầu tiên tập họp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm. Đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Mán, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc”.
Mười lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã trở thành Mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Đến nay, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam đều phải thuộc từng câu từng chữ trong 10 lời thề danh dự.
2. Mười lời thề danh dự của quân nhân do ai soạn thảo?
Người đầu tiên soạn thảo Mười lời thề danh dự là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong lần trả lời phỏng vấn của một nhà báo Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp “bật mí”: “Tôi đã soạn lời thề danh dự gồm mười điểm, có tham khảo lời thề danh dự của quân đội nước ngoài, trong đó có lời thề của FFI (Forces francaises de l'Intérieur - nhóm kháng chiến Pháp chống lại quân chiếm đóng Đức trong Thế chiến thứ II) và của quân giải phóng Nam Tư”.
10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm 1944:
Chúng tôi đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Xin thề:
1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.
2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.
5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
6. Khi ra trận, nếu bị quân địch bắt được thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.
7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.
8. Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng, hay rơi vào tay quân thù.
9. Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "Không lấy của dân" - "không dọa nạt dân" - "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" - "giúp đỡ dân" - "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.
10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và Quốc thể của Việt Nam.
3. Mười lời thề danh dự của quân nhân
Mười lời thề danh dự được đọc lần đầu tiên trong Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) với tên gọi “Những quy định của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”. Sau đó, nó được bổ sung, hoàn chỉnh thành Mười lời thề danh dự và ghi vào Điều lệnh quản lý bộ đội. Một số chi tiết được thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử nhưng về cơ bản, lời tuyên thệ vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Mười lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Chúng tôi, Quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc:
1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
"Xin thề"
2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác.
"Xin thề"
3. Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
"Xin thề"
4. Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
"Xin thề"
5. Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước.
"Xin thề"
6. Luôn luôn cảnh giác, tuyệt đối giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Nếu bị quân địch bắt, dù phải chịu cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, không bao giờ phản bội xưng khai.
"Xin thề"
7. Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí.
"Xin thề"
8. Ra sức giữ gìn vũ khí trang bị, quyết không để hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù. Luôn nêu cao tinh thần bảo vệ của công, không tham ô, lãng phí.
"Xin thề"
9. Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng
Ba điều nên:
Kính trọng dân
Giúp đỡ dân
Bảo vệ dân
Và ba điều răn:
Không lấy của dân
Không dọa nạt dân
Không quấy nhiễu dân
Để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí.
"Xin thề"
10. Giữ vững phẩm chất tốt đẹp và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân, luôn tự phê bình và phê bình, không làm điều gì hại tới danh dự của quân đội và quốc thể nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
"Xin thề"
Việc tuyên thệ bằng Mười lời thể danh dự được Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Nghĩa vụ quân sự quy định: “Quân nhân tại ngũ và quân nhân dự bị phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thể chế hóa các điều trên đây trong Điều lệnh nội vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, quy định đọc Mười lời thề danh dự trong Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới và Lễ chào cờ hằng tuần, hằng tháng ở các đơn vị.
Hiện nay trong toàn quân thống nhất việc đọc Mười lời thề danh dự được thực hiện ngay sau khi kết thúc Quốc ca. Một chiến sĩ tiến lên đứng trước lá cờ Tổ quốc và dõng dạc đọc 10 lời thề. Sau mỗi lời thề là tiếng hô vang “Xin thề” hào hùng của cả hàng quân. Trước và sau khi đọc Mười lời thề, người đọc phải thực hiện động tác chào cờ.
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh "vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân".
Nhân ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022), xin gửi những lời tri ân sâu sắc, lời chúc tốt đẹp nhất tới các cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác trong lực lượng quân đội Việt Nam.