Chờ...

Năm Thìn trong lịch sử kinh tế Việt Nam

VOH - Hình tượng con rồng ảnh hưởng sâu rộng tới quan niệm và sinh hoạt vật chất, tinh thần của người Việt Nam. Năm Rồng (Thìn) còn là thời điểm diễn ra các sự kiện kinh tế quan trọng trong lịch sử.

Năm Mậu Thìn 08, thời Vương Mãng, đúc và lưu hành tại Giao Chỉ (Bắc Bộ) nhiều loại tiền bằng đồng.

Năm Giáp Thìn 44, tổ chức đào một đường sông qua dải núi ở Thanh Hóa để tiện đi lại và giao thương giữa miền Bắc với miền Trung.

Năm Giáp Thìn 284, nhà buôn nước Đại Tần (Đông La Mã) đến nước ta buôn bán, mua 3 vạn tờ giấy “mật hương” (loại giấy tốt chế từ vỏ và lá cây gỗ trầm, rất thơm và bền, màu trắng có vân, ngâm nước không bủn nát).

Năm Bính Thìn 1016, được mùa lớn, 30 bó lúa giá chỉ 70 tiền. Vua Lý Thái Tổ hạ chiếu tha tô thuế cho dân trong 3 năm.

Năm Canh Thìn 1040, tháng 3, vua Lý Thái Tông lệnh cho mọi người chỉ dùng vải dệt trong nước, không dùng gấm vóc ngoại nhập.

Năm Giáp Thìn 1064, tháng 2, vua Lý Thánh Tông ra cửa Bố Hải (Thái Bình) cày tịch điền.

Năm Mậu Thìn 1148, tháng 3, vua Lý Anh Tông về Lý Nhân (Hà Nam) cày tịch điền.

Năm Giáp Thìn 1184, tháng 4, thuyền buôn các nước Xiêm La (Thái Lan) và Tam Phật Tề (nay thuộc Indonesia) đến dâng vật quý ở trấn Vân Đồn (Quảng Ninh), xin được buôn bán.

Năm Giáp Thìn 1244, tháng 11, nhà Trần ấn định mức lương bổng cho quan lại và binh sĩ.

Năm Thìn trong lịch sử kinh tế Việt Nam
Ảnh minh họa - Internet 

Năm Canh Thìn 1280, tháng 2, quy định thước đo gỗ, vải và thống nhất đơn vị đo lường trong cả nước.

Năm Canh Thìn 1400, triều Hồ đánh thuế thuyền buôn theo các hạng 3, 4, 5 quan tiền mỗi thuyền.

Năm Mậu Thìn 1448, tháng 5, nhà Lê lệnh cấm mọi người lấn chiếm ruộng đất công. Tháng 8, cấm dân sa đà vào các lễ hội, trò chơi mà bỏ bê lao động, sản xuất.

Năm Nhâm Thìn 1472, tháng 4, ấn định đơn vị đo ruộng đất (mỗi mẫu bằng 10 sào, mỗi sào bằng 15 thước 5 tấc).

Năm Giáp Thìn 1484, lệnh cho mọi thứ hàng hóa phải mua bán theo đúng thời giá; các chủ khai thác mỏ phải nghiêm chỉnh nộp thuế.

Năm Bính Thìn 1616, thương gia Anh và Hà Lan cạnh tranh nhau gay gắt trong buôn bán ở Đàng Ngoài (miền Bắc).

Năm Giáp Thìn 1664, triều đình Lê-Trịnh đặt phép đo lường, đong đếm: 1.200 hạt thóc là một thược, 10 thược là 1 cáp, 10 cáp là 1 thăng, 10 thăng là 1 đấu và 10 đấu là 1 hộc.

Định phép bình lệ và phú thuế. Định hạn sửa chữa đê điều: tháng 10 [âm lịch] đi kiểm tra, tháng Giêng cho sửa chữa hoặc đắp mới và hoàn thành vào giữa tháng 3. Để thông thương, triệt bỏ những sở tuần ty đặt trái phép trên các đường thủy bộ.

Năm Canh Thìn 1700, thương quán Phố Hiến (Hưng Yên) của người Hà Lan phải đóng cửa sau một thời kỳ dài làm ăn phát đạt.

Năm Giáp Thìn 1724, đào vét, khơi sâu hệ thống đường sông vùng Thanh - Nghệ; miễn thuế dung và một nửa tô ruộng cho dân Thanh - Nghệ và kinh kỳ; ban lệnh chỉ dùng tiền bằng đồng, cấm dùng tiền đúc từ gang, chì, thiếc, sắt.

Năm Bính Thìn 1736, Tổng trấn Mạc Thiên Tứ dày công khai phá vùng Hà Tiên (Kiên Giang), cho mở Cục Đúc tiền và phố chợ, thuyền buôn nhiều nước ra vào tấp nập biến nơi đây thành trung tâm giao thương lớn.

Năm Mậu Thìn 1748, có tới 6.000 người Hoa buôn bán ở Hội An (Quảng Nam).

Năm Canh Thìn 1760, tháng 3, triều đình Lê-Trịnh miễn thuế diêm tiêu ở vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa. Tháng 10, thu thuế thuyền buôn theo trọng tải và mở xưởng đúc tiền tại một số địa phương.

Năm Canh Thìn 1820, nhà Nguyễn miễn thuế sản vật, thuế điền thổ bị thiếu từ năm trước cho dân. Ban lệnh đúc và tiêu tiền “Gia Long thông bảo”, “Minh Mạng thông bảo”; cấm đúc trộm tiền, chở trộm và mua trộm tiền kẽm. Định lệ thuế cảng và lệ cho thuyền nước ngoài đến buôn bán ở Gia Định (Sài Gòn). Tiến hành kê khai các loại thuế trong cả nước.

Năm Nhâm Thìn 1832, do có nhiều thuyền chở gạo lậu sang Trung Quốc bán nên triều đình cấm các thuyền buôn bắt chước các kiểu thuyền của người Hoa. Tổng thống Mỹ cử phái viên John White đến trình quốc thư lên vua Minh Mạng xin thông thương.

Năm Mậu Thìn 1868, triều đình tổ chức tìm kiếm và khai thác mỏ than, sắt, vàng ở các vùng Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Khánh Hòa. Ban lệnh cấm mang tiền kẽm và bạc ra nước ngoài (các thuyền buôn chỉ được mang khỏi biên giới dưới 10 quan tiền kẽm và dưới 1 lạng tiền bạc, mang quá sẽ bị tịch thu). Ở Nam Kỳ, chính quyền bảo hộ Pháp lập Phòng Thương mại Sài Gòn.

Năm Canh Thìn 1880, triều Nguyễn ký Hiệp ước Thương mại với Tây Ban Nha. Chính quyền bảo hộ Pháp bắt đầu đánh thuế ruộng, thuế thân ở các tỉnh Nam Kỳ và thuế gián thu đối với các mặt hàng: rượu, cau, muối, diêm, dầu hỏa, thuốc lá, thuốc phiện; hàng đánh thuế đều dán tem.

Năm Giáp Thìn 1904, Toàn quyền Pháp ban hành Nghị định thiết lập Quỹ Dự phòng đặc biệt bên cạnh ngân sách tỉnh ở Bắc Kỳ. Xây dựng mạng lưới điện thoại đầu tiên ở Hải Phòng và hệ thống quan sát khí tượng Đông Dương.

Lập Hãng Liên hiệp Thương mại Đông Dương và Phi châu, Công ty Rừng và Diêm Đông Dương. Thi hành chính sách độc quyền khai thác, sản xuất và tiêu thụ muối trên toàn Đông Dương.

Năm Thìn trong lịch sử kinh tế Việt Nam 2
Ảnh minh họa - Internet 

Năm Mậu Thìn 1928, khánh thành Nhà máy Điện Thanh Hóa. Lập Kinh tế cục, chuyên theo dõi hoạt động kinh tế của các cơ quan kinh tế và của tư nhân. Lập Đại hội đồng Lợi ích Kinh tế-Tài chính Đông Dương (cơ quan tư vấn kinh tế-tài chính).

Lập Nam Đồng Ích công thương hội (của tư sản Việt Nam, chuyên sản xuất rượu, mua bán nội hóa, gỗ, đặc sản, nhận thầu xây dựng). Ban hành chế độ thuế quan đối với các nước thuộc địa của Pháp. Sửa đổi chế độ thuế thân ở Nam Kỳ.

Ra đời hàng loạt công ty lớn: Liên hiệp Mỏ Đông Dương, Gỗ mỏ, Kỹ nghệ lụa, Cao su, Điện tín, Điện nước, Tín dụng, Vận tải biển, Vật liệu Nông nghiệp…

Năm Canh Thìn 1940, thành lập Đại lý Hàng hải Nhật - Đông Dương. Ban hành chế độ thuế quan tự trị (hàng hóa xuất nhập giữa Đông Dương với Pháp không được miễn thuế).

Năm Giáp Thìn 1964, khánh thành hàng loạt công trình dân sinh kinh tế của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Ngày 17/12, thành lập Công ty Bảo hiểm Việt Nam. Ngày 26/12, ban hành Bảng Đơn vị đo lường hợp pháp.

Năm Bính Thìn 1976, ngày 5/4, Chính phủ ra Nghị quyết về việc tổ chức lại sản xuất, cải tiến quản lý nông nghiệp và lâm nghiệp. Sau hơn 30 năm gián đoạn, tuyến đường sắt Thống nhất Bắc-Nam được nối lại. Thi hành chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam.

Việt Nam gia nhập Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và được công nhận là thành viên chính thức của Ngân hàng Thế giới (WB).

Năm Mậu Thìn 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về đổi mới quản lý kỹ thuật nông nghiệp và Chỉ thị giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất.

Hội đồng Nhà nước công bố Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích và Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam. Ngày 29 tháng 12, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô đạt khai thác tấn dầu thứ 1 triệu.

Năm Canh Thìn 2000, ngày 5/4, tại Sơn Trạch (Quảng Bình), chính thức khởi công xây dựng xa lộ Bắc-Nam (tiền thân là đường mòn Hồ Chí Minh).

Ngày 13/7, tại Washington (Mỹ), diễn ra lễ ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ngày 10/11, ký kết các văn bản hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Hàn Quốc với Việt Nam. Ngày 15/12, khai mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam năm 2000.

Năm Nhâm Thìn 2012, Việt Nam thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và đưa được tỷ lệ lạm phát cao hai con số về mức một con số, đồng thời lần đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 114,6 tỷ USD và xuất khẩu gạo kỷ lục 8,1 triệu tấn.

Cũng năm này, lần đầu tiên kể từ năm 1993, Việt Nam đã xuất siêu 284 triệu USD (trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu đạt 12 tỷ USD và ngược lại, khu vực trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD).

Năm 2012, tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm (kể từ năm 1992), chỉ đạt mức một con số, ở khoảng 5%. Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách độc quyền vàng miếng, chọn thương hiệu SJC làm thương hiệu vàng quốc gia để dần chuyển sang thương hiệu SVB của Ngân hàng Nhà nước.