'Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc' - tài liệu quý đậm chất sử thi

(VOH) - Bộ sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc” do ông Nguyễn Trọng Xuất làm Chủ biên Ban Biên soạn được trao giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 2 năm 2020.

Đây là một công trình tập thể với sự tham gia của hàng trăm tác giả là những nhân chứng lịch sử - những người đã gắn bó một phần đời mình với các phong trào nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định.

Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 2 năm 2020 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM trao giải lần này có công trình bộ sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc” do ông Nguyễn Trọng Xuất làm Chủ biên Ban Biên soạn, là một trong 10 sáng kiến được trao giải nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11.

Bộ sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc”
Bộ sách “Nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định đồng hành cùng dân tộc” (Ảnh: TTO).

Bộ sách được hoàn thành trong thời gian khoảng 07 năm, chia thành 02 tập, theo giai đoạn.

Phần thứ nhất: Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc đi theo quỹ đạo của Cách mạng vô sản (1930-1945);

Phần thứ hai: Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc, giai đoạn 1954-1975.

Cuốn sách chủ yếu giới thiệu vùng chiến lược đô thị và vai trò, vị trí của giới nhân sĩ, trí thức trong chiến lược đô thị; Cuộc chiến đấu trong lòng địch và những hoạt động trong vùng giải phóng; Lịch sử hình thành Ban Trí vận - Mặt trận khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Bà Nguyễn Bình Minh, giáo viên Trường Gia Long, năm nay 89 tuổi nhưng bà vẫn ôm cây đàn Accordion đã theo bà suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những bản nhạc mà ngày xưa bà từng chơi khi tham gia phong trào sinh viên, học sinh Sài Gòn đấu tranh chống Mỹ - Diệm, nay được nhắc đến trong quyển sách khiến bà rất hạnh phúc.

Bà Bình Minh kể: “Quyển sách tổng kết những hoạt động của chúng tôi thời sinh viên tại Sài Gòn, những bài hát, sinh hoạt tại TP mà chúng tôi chứng kiến. Tôi có cây đờn accordion nên tất cả hoạt động về văn nghệ tôi đều tham gia. Nhờ có cây đờn mà tôi đi vào phong trào dễ dàng”.

Cả bộ sách là một công trình tập thể với sự tham gia của hàng trăm tác giả là những nhân chứng lịch sử - những người đã gắn bó một phần đời mình với các phong trào nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định. Họ là những nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nghệ sĩ, cộng sự gia, tư sản Sài Gòn đã cống hiến thầm lặng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhà giáo Kiều Xuân Long
Nhà giáo Kiều Xuân Long - Nguyên Chánh Văn phòng Bí thư Đảng ủy của Ban Trí Vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn Gia Định - nguyên Phó Vụ Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương chia sẻ về quyển sách

Tên tiểu mục trong các chương và sách có nhiều hình ảnh quý hiếm mang cả hơi thở nụ cười lạc quan của các chiến sĩ trên Mặt trận dân vận đô thị Sài Gòn trong chiến tranh.

Ông Trần Thiện Tứ - Ủy viên Liên minh các lực lượng Dân tộc dân chủ hòa bình Việt Nam – Khu Sài Gòn - Gia Định kể về thời gian ông cùng các đồng chí về Bến Tre tập hợp các lực lượng trí thức để thành lập Mặt trận gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ ban đêm mới dám chèo ghe để đi, còn ban ngày thì dầm mình trong các bụi cây dưới các kênh, rạch để tránh địch phát hiện. Ăn cơm thì ngồi ngay dưới đất cùng gà, vịt.

Ông nhớ lại: “Sau khi thành lập Ủy ban Liên minh các lực lượng Dân tộc – Dân chủ hòa bình xong thì phối hợp với Mặt trận dân tộc giải phóng, Mặt trận liên minh để bầu ra chính phủ Việt Nam cách mạng lâm thời. Ông Huỳnh Tấn Phát là kiến trúc sư trưởng, làm chủ tịch của Chính phủ cách mạng lâm thời”.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, bộ sách là tài liệu quý đóng góp có giá trị vào việc giáo dục lịch sử, truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trẻ Việt Nam.

“Nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Xuất có nhiều hoạt động cũng như nghiên cứu tập hợp về vai trò mặt trận của Mặt trận Tổ quốc từ khi thành lập cho đến nay. Cùng những tác giả đã nghiên cứu, tổng hợp và in thành bộ sách có hai tập, từ năm 1930 cho đến sau năm 1975 đó là Nhân sĩ trí thức đồng hành cùng với dân tộc và những nghiên cứu của ông rất đáng trân trọng” – bà Bà Tô Thị Bích Châu đánh giá.

Những sáng kiến vào việc biên soạn và sắp xếp tỉ mỉ để hoàn thành bộ sách, vừa mang đậm chất sử thi, vừa mang tính văn học, từ trái tim đến trái tim, góp phần tôn vinh truyền thống yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, sáng ngời tư tưởng Hồ Chí Minh.