Chờ...

Tọa đàm “Đoàn Cải lương Nam Bộ - một thời hoa lửa” tái hiện hào khí lịch sử

VOH - Buổi tọa đàm có sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Ca Lê Hồng, đạo diễn Thanh Hạp, NSƯT Lê Thiện và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và chuyến tàu Tập kết (1954 - 2024), Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2024, sáng 8/11, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm giao lưu nhân chứng lịch sử với chủ đề “Đoàn Cải lương Nam Bộ - một thời hoa lửa.”

Buổi tọa đàm nhằm tôn vinh Đoàn Cải lương Nam Bộ, biểu tượng của nghệ thuật và tinh thần dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, khi đoàn đã mang lời ca, tiếng hát đậm chất Nam Bộ đến phục vụ nhân dân miền Bắc.

z6010928375326-3274c699e7f21d00d1f09a0cbb8af791_20241108092424
Đây là dịp các nghệ sĩ gạo cội một thời làm nên tên tuổi của Đoàn Cải lương Nam bộ cùng gặp gỡ và ôn lại truyền thống của một thời oanh liệt - Ảnh: Văn Phúc.

Đoàn Cải lương Nam Bộ, thành lập năm 1956 sau khi hơn 200.000 đồng bào, cán bộ, văn nghệ sĩ từ miền Nam tập kết ra Bắc, đã trở thành một tập thể nghệ thuật đặc biệt với những tài năng xuất sắc trong lĩnh vực sáng tác, đạo diễn, và biểu diễn.

Những tác phẩm nổi bật như “Phụng Nghỉ Đình”, “Kiều Nguyệt Nga”, “Võ Thị Sáu”, “Máu thắm đồng Nọc Nạn”… đã trở thành tiếng nói của tinh thần yêu nước, tạo tiếng vang lớn trong lòng khán giả miền Bắc.

Những câu chuyện từ các nhân chứng đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về những đóng góp lớn lao của Đoàn Cải lương Nam Bộ trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, trở thành ngọn lửa tinh thần vững chắc trong thời kỳ kháng chiến, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ tiếp nối trong việc bảo tồn di sản văn hóa.