Tủ sách Văn chương và mỹ thuật – Níu chân độc giả với văn học nước nhà

(VOH) - Nhằm đưa tác phẩm văn chương đến với độc giả một cách mới mẻ, thú vị, tủ sách Văn chương và Mỹ thuật đã chính thức ra mắt độc giả.

2 tác phẩm văn chương kinh điển được lựa chọn giới thiệu đầu tiên là tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng và Tiểu thuyết Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng.

Có thể nói, đưa mỹ thuật và văn học để níu chân độc giả, để lan tỏa những danh tác là điều mà những nhà làm sách đã và đang rất cố gắng, nỗ lực cũng như dám chấp nhận thử thách.

Tủ sách Văn chương và mỹ thuật – Níu chân độc giả với văn học nước nhà 1
Buổi giao lưu ra mắt Tủ sách Văn chương và Mỹ thuật

Ông Nguyễn Phúc Đạt Nhân – phụ trách biên tập tủ sách Văn chương và Mỹ thuật – công ty sách Đông A cho biết, các tác phẩm sẽ được hồi nguyên lại theo lần đầu ấn phẩm ra đời, vì có như vậy bạn đọc sẽ chạm đến gần nhất với cảm xúc nguyên sơ, chân thật nhất của nhà văn khi viết ra tác phẩm. Bên cạnh đó việc đưa mỹ thuật vào sách văn chương giúp cho văn toát lên sinh khí và thu hút độc giả.

Ông Nguyễn Phúc Đạt Nhân chia sẻ thêm những khó khăn và thuận lợi khi làm tủ sách Văn chương và Mỹ thuật. "Thuận lợi lớn nhất là các tác phẩm này được ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc rất nhiều. Đó là động lực để Đông A tiến hành khai thác bản thảo. Khó khăn vì việc hồi nguyên lại bản in lần đầu là rất khó vì có những bản in bị thất lạc. Chẳng hạn như bản in đầu tập Gái quê của nhà thơ Hàn Mạc Tử hoặc tập Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là rất hiếm, có những lúc coi như tuyệt bản. Trong quá trình đi tìm lại những bản in đó thì gặp khá nhiều khó khăn. Khi tìm lại bản in lần đầu mình sẽ thấy khác biệt về ngôn ngữ, tiếng lóng hoặc những từ cổ mà bây giờ chúng ta thường không dùng nữa. Như vậy biên tập khi xử lí sẽ có những khó khăn nhất định."

Thương nhớ Mười hai của nhà văn Vũ Bằng là một Việt Nam danh tác, được ông chấp bút từ tháng Giêng năm 1960 đến năm 1971 mới hoàn thành. Nói về Thương nhớ Mười hai là nói về 12 tháng trong năm của Hà Nội. Ở đó, có cảnh vật, có ẩm thực, có phong tục tập quán sinh hoạt của người dân miền bắc. Mà nổi bật trong tác phẩm là tình yêu, nỗi nhớ của tác giả dành cho quê hương khi xa cách và cả hình bóng người vợ hiền.

Với tác phẩm Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng được làm lại từ bản in lần đầu năm 1938, được chỉnh sửa chính tả theo đúng quy tắc hiện hành. Sách bổ sung minh họa của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ (con trai nhà thơ Hoàng Trung Thông). Qua tác phẩm này, người đọc sẽ cảm nhận được từng nét vẽ của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ minh họa cho Bỉ vỏ không chỉ từ cảm nhận cá nhân trước tác phẩm mà còn từ những ký ức và sự trân quý tài năng, nhân cách của nhà văn Nguyên Hồng, một người bạn quý của cha mình.

Thương nhớ Mười hai cũng như tiểu thuyết Bỉ vỏ đã khẳng định giá trị, sức sống văn chương. Điều đó đã trở nên áp lực rất nhiều cho người họa sĩ khi chuyển tải vào đó không chỉ là những gam màu trầm lắng trên nền giấy lụa nhẹ nhàng, mà còn phải toát lên hồn của con chữ, của tác phẩm văn chương kinh điển.

Họa sĩ Nguyễn Duy Hưng – họa sĩ trẻ phụ trách 13 bản vẽ cho tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng bày tỏ lo lắng khi phụ trách mỹ thuật cho tác phẩm này, song điều khó khăn đó càng thôi thúc anh tìm hiểu và thể hiện tốt nhất, giúp tác phẩm thêm sống động : "Mình cố gắng xem nội dung chủ đạo, không khí của miền bắc giai đoạn đó. Em cảm thấy các bức tranh của các họa sĩ những năm 1900 rất đặc trưng, có tạo hình rất Việt Nam và có sự mềm mại về cách tạo hình nhân vật. Em thấy rất thích hợp, phù hợp vì màu sắc rất trầm lắng, không quá tươi quá rực rỡ như màu sắc hiện đại nên cảm giác hoài niệm cao.

Cuốn sách rất nhiều nội dung, đa dạng, nhưng em tập trung thể hiện những phần tả về tình cảm nhớ thương và có gắn kết với lại con người, tức là tình cảm của nhà văn Vũ Bằng với người vợ của mình. Khi mình đọc câu từ, thấy có cảm giác giống như kiểu tranh chữ như thế nào thì sẽ chọn phong cách ngôn ngữ tạo hình thích hợp, tương đồng với văn từ đó."

Trong bối cảnh hiện nay khi mà văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt văn hóa đọc thì việc mà các đơn vị làm sách, các nhà xuất bản giới thiệu những tủ sách có nhiều sáng tạo để níu chân độc giả về với sách là điều rất đáng trân trọng và khích lệ.

Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Nhơn – Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, việc cầm trên tay những tác phẩm được đầu tư về hình thức, là rất đáng quý và nhiều cảm xúc. Điều này cũng là cách để đưa bạn đọc đến gần hơn với các tác phẩm văn chương nước nhà. Để văn chương ngày càng lan tỏa, tủ sách cũng cần được bổ sung thêm với sự đầu tư dài hơi, kỹ lưỡng.

PGS. TS Võ Văn Nhơn đề xuất: "Với những nhà nghiên cứu như tôi thì thật ra có tư liệu là tốt rồi. Nhưng mà với những quyển sách đẹp, được minh họa công phu sẽ làm cho người đọc hứng thú, thậm chí những nhà nghiên cứu cũng hứng thú muốn sở hữu.

Bây giờ có bản in đẹp của Số đỏ cũng hay. Hiện chưa tìm được tập thơ đầu tay Gái quê của nhà thơ Hàn Mạc Tử nhưng nếu tìm được mà được trình bày mỹ thuật thì là điều rất đáng quý.

Tôi là người Nam bộ nên tôi đề xuất làm thêm tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, ông Tân Dân Tử với 2 nhân vật nổi tiếng là Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà và các tác giả đương đại khác".

Mỗi cuốn sách trong tủ sách Văn chương và Mỹ thuật được minh họa xuyên suốt bởi một họa sĩ Việt Nam đương đại. Bằng việc mời các họa sĩ hợp tác, tủ sách mong muốn mỗi ấn phẩm đến tay bạn đọc luôn trọn vẹn cả về hình thức và nội dung, chạm đến những cảm xúc mới mẻ và góp phần nâng cao hiệu quả thẩm thấu những thông điệp tốt đẹp cho cuộc đời từ nhịp cầu giao thoa giữa văn chương và mỹ thuật Việt Nam.