Chờ...

Ý nghĩa sâu sắc nhất của Giỗ Tổ Hùng Vương

VOH - Trong tâm thức mỗi người Việt, thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu quốc thái dân an... mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa.

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm"

Đã là người Việt, mấy ai không biết đến câu ca dao này. Trong tâm thức mỗi người, thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... mà còn có ý nghĩa sâu xa là nhắc nhở, kết nối, giữ gìn tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ý nghĩa sâu sắc nhất của Giỗ tổ Hùng Vương là gì? 1
Nghi thức rước kiệu Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra trang nghiêm sáng 29/4  tại đền tưởng niệm vua Hùng (TP Thủ Đức) 

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến trong diễn văn ghi nhớ công ơn Quốc Tổ đã nhấn mạnh: “Kế thừa truyền thống hào hùng, 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã vượt qua khó khăn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; tiếp tục vun đắp cơ đồ, nâng cao tiềm lực, vị thế, đưa đất nước ngày càng đổi mới, phát triển toàn diện, giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TPHCM tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, phát huy cao độ lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông”.

"Lễ vật" đáng giá nhất mà mỗi người dâng lên Quốc Tổ là tâm thức nhớ về cội nguồn, gìn giữ phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng giống con Lạc, cháu Hồng, tấm lòng hướng thiện. Đó cũng chính là điều tạo nên vẻ đẹp văn hóa của Lễ hội đền Hùng.

Tiến sĩ Huỳnh Quán Chi (trường Đại học Tiền Giang) cho rằng: “Để thể hiện lòng nhớ ơn, bên ngoài - bằng sự trang nghiêm, chúng ta thực hiện các nghi thức, nghi lễ như dâng hương đền Hùng, bên trong chúng ta phải thể hiện sự kính trọng và nguyện phấn đấu xứng đáng với những người đã mở mang đất nước”.

Hiện nay,  có hơn 1.410 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, ở khắp nơi trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TPHCM, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ…

Tục lệ thờ cúng Hùng Vương cũng đã vượt ra khỏi biên giới địa lý. Ở đâu có người Việt, ở đó, phong tục này được duy trì, bằng tất cả lòng tự hào và niềm tôn kính.

Các giá trị văn hóa truyền thống là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng. Lịch sử Việt Nam mở đầu với thời kỳ Hùng Vương lập ra nhà nước Văn Lang. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam do vậy là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Cùng với việc phát triển kinh tế, xã hội thì đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của cư dân Văn Lang cũng vô cùng phong phú và có nhiều nét đặc sắc. Các giá trị văn hóa  đó đã dần thấm sâu vào tâm hồn con người Việt Nam, là chất keo gắn bó con người với con người và là cái cốt lõi tạo nên bản lĩnh của con người Việt Nam.

Những giá trị văn hóa tinh thần ấy vượt ngàn năm lịch sử, trở thành tinh hoa văn hóa của cả dân tộc đến nay và mãi về sau.

Ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 cũng là dịp để chúng ta lắng lòng suy ngẫm, hun đúc tình cảm và ý chí, suy nghĩ về tương lai của đất nước, về trách nhiệm của mỗi người trên bước đường phát triển của Tổ quốc.