Chẳng có kỳ World Cup nào mà người hâm mộ không phải xôn xao tranh cãi về những vụ ăn vạ “nghệ thuật” khi cảnh các cầu thủ giả đau lăn lộn trên sân, ôm cẳng chân, ôm đầu khóc lóc đau đớn – diễn ra nhan nhản.
Tuần đầu tiên của giải đấu World Cup, hậu vệ Lucas Hernandez của tuyển Pháp đã thừa nhận giả chấn thương để câu giờ trong trận đấu với Australia. Để dành chiến thắng 2-1 trước Australia, cầu thủ này cũng có “nỗ lực” giả bị phạm lỗi để tiền vệ người Úc Mathew Leckie bị mời ra khỏi sân.
Hậu vệ người Tây Ban Nha, Gerard Piqué thì buộc tội đội trưởng của Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo, đã phóng đại chuyện bị phạm lỗi để dành được một cú đá phạt đưa trận đấu về tỉ số 3-3. Piqué nhận xét, Ronaldo có thói quen “ném mình xuống đất”.
Neymar diễn lố.
Trong trận đấu Brazil - Costa Rica, cầu thủ ngôi sao Neymar Jr. của Brazil cũng dùng mánh khóe ăn vạ và suýt được trao một quả phạt đền ở phút 78. May sao, tình thế này bị bị đảo ngược nhờ các trợ lý trọng tài và công nghệ Var.
Gần đây nhất, trận đấu giữa Brazil – Mexico, Neymar cũng làm “trò hề” và khiến nhiều khán giả phẫn nộ khi nằm lăn lóc ăn vạ, giãy giụa đau đớn vì bị hậu vệ Miguel Layun chẳng may giẫm lên chân, rồi sau đó vài chục giây lại chạy ầm ầm.
Những trò ăn vạ quá lố của cầu thủ khiến những cổ động viên nổi giận, chán nản về sự công bằng của bóng đá và chán cả các cầu thủ. Những trò ăn vạ cũng có thể khiến cầu thủ bị phạt thẻ… nhưng hành vi này vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện, có thể trở thành chiến thuật vì mang lại nhiều lợi thế khi thi đấu.
Vox đã thống kê những lợi ích của việc “ăn vạ” và đưa ra cả những con số cụ thể cho thấy “ăn vạ” ảnh hưởng rất nhiều tới quyết định thưởng phạt của trọng tài.
Lợi ích của ăn vạ
Mặc dù phải đối mặt với áp lực (bị phạt thẻ, bị người hâm mộ “ném đá”) khi gian lận bằng cách ăn vạ nhưng các cầu thủ bóng đá vẫn muốn ăn vạ vì trong bóng đá, điều này mang đến một trong những lợi ích hiếm có dưới đây:
- Buộc trọng tài cho dừng trận đấu để “câu giờ”.
- Khiến đối thủ bị phạt thẻ hoặc đuổi khỏi sân.
- Có thêm một cú phát bóng.
- Có thêm một quả penalty đối với tình huống bị phạm lỗi trong vòng cấm địa của đối phương. Theo thống kê gần 90% các cú penalty sẽ được chuyển thành bàn thắng.
“Kỹ thuật” ăn vạ hiệu quả
Có một vài nguyên tắc ăn vạ trong bóng đá (có lẽ các cầu thủ đã ngầm hiểu được) mà các nhà khoa học Australia đã tìm ra và được đăng trên tạp chí PLOS One năm 2011.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 60 trận bóng đá trong 10 giải đấu và phân loại các cú ngã của cầu thủ, kiểm tra xem họ ngã như thế nào, bị tác động ra sao. Và đây là kết quả:
- Cầu thủ càng ở gần trọng tài thì càng có khả năng ăn vạ nhiều hơn. Các cầu thủ thường "diễn" trước mặt trọng tài vì trọng tài là người quan trọng nhất cần thấy họ bị “phạm lỗi” như thế nào. Theo nghiên cứu, khoảng cách với trọng tài có thể khiến một cú ngã ăn vạ thành công gấp 3 lần so với cầu thủ ăn vạ ở xa hơn.
- Số lần ăn vạ xảy ra nhiều gấp đôi khi trận đấu đang có tỉ số hòa và nhiều gấp 5 khi bóng ở trong vòng cấm địa. Nếu trận đấu đang có kết quả hòa, các cầu thủ có xu hướng ăn vạ nhiều gấp 2 lần với khi đội họ thắng hoặc thua.
Tỷ lệ các pha ăn vạ xảy ra dựa trên kết quả tạm thời của trận đấu
- Một cầu thủ có khả năng ngã ăn vạ gấp hai lần khi họ đang tấn công so với khi phòng thủ. Càng gần khung thành đối phương, hành động ăn vạ càng có xác suất xảy ra cao hơn.
Tỷ lệ các pha ăn vạ xảy ra theo vị trí trên sân
- Khi trận đấu càng có nhiều penalty, các cầu thủ càng có xu hướng ăn vạ nhiều hơn trong thời gian còn lại.
- Ăn vạ có thể trở thành một truyền thống của đội bóng và lối chơi của một cầu thủ. Tuyển Brazil là một trong những đội bóng có truyền thống này.
Tại World Cup 2014, Tạp chí Wall Street Journal phát hiện ra rằng Brazil là đội bóng hay ăn vạ nhất: Trong 32 trận đấu, Brazil có tổng cộng 17 pha ăn vạ, lấy đi 3 phút 18 giây bóng lăn. Neymar là cầu thủ ăn vạ nhiều nhất với tổng cộng 5 lần nằm sân đau đớn nhưng trở lại thi đấu chỉ sau 15 giây. |