Áng văn bất hủ kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(VOH) - Ngày 18,19/12/946, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chiều ngày 19/12/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp ra mật lệnh gửi đến các đơn vị lực lượng vũ trang về ngày và giờ bắt đầu cuộc kháng chiến trên toàn quốc. 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu kháng chiến được phát ra, đồng thời quân và dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Áng văn bất hủ kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước đó từ ngày 3 đến ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về làng Vạn Phúc (Hà Nội) sống trong nhà ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây, ngày 19/12, trên căn gác xép, Người viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Với tinh thần hiến dâng tất cả vì độc lập dân tộc, Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên sóng phát thanh của Đài TNVN, cả nước bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp.

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”

Trước khi ra đời áng văn kêu gọi bất hủ đó, trong các ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Ngày 18/12/1946, tướng Môlie gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội và tuyên bố nếu các yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946.

Như vậy là mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh nhưng “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, kẻ thù chủ trương gây chiến. Không còn con đường nào khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải dùng chiến tranh chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa.

Bác Hồ trên đường đi chiến dịch Biên giới 1950

Bác Hồ trên đường đi chiến dịch Biên giới 1950

Trong cuộc đấu tranh chống kẻ xâm lược, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Đó là quan điểm cơ bản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm vững trong cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đó cũng là quan điểm mấu chốt trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Sau bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là văn kiện thứ hai đề cập đến mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng và cuộc kháng chiến. Đó là độc lập tự do hạnh phúc, là những khát vọng của một dân tộc đã bị mất nước, bị nô lệ 80 năm. Bởi vậy, có thể hiểu vì sao toàn dân Việt Nam đã hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác và các thế hệ người Việt Nam đã tự nguyện chiến đấu hy sinh cho mục tiêu ấy.

Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi nước nhà độc lập, mọi hoạt động của đất nước  lại chuyển thành thời chiến. Cuộc chiến đấu oanh liệt, sáng tạo của quân, dân Thủ đô Hà Nội và của cả nước trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược“đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của kẻ thù. Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, mở ra giai đoạn mới cho cuộc kháng chiến.

Đúng như dự đoán của Bác, sau chín năm trường kỳ kháng chiến, năm 1954 - “Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã chứng tỏ sức mạnh của lòng yêu nước phi thường của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 71 ngày toàn quốc kháng chiến, chúng ta ôn lại lời dạy cùa Bác; ôn lại chặng đường lịch sử của Đảng; chiến đấu vẻ vang, anh dũng của quân và dân ta, xem đó là nguồn động lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Từ đó, cùng chung tay xây dựng đất nước phát triển bền vững, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu vẫn hằng mong muốn.