Bài học từ Cách mạng tháng 8/1945 tại Hà Nội - Huế - Sài Gòn

(VOH) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại bài học thành công trên các vấn đề rất căn bản và trọng yếu của một cuộc biến đổi chính trị, xã hội sâu sắc và triệt để tại Hà Nội - Huế - Sài Gòn.

Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào; Bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao nhất chủ nghĩa yêu nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc; Bài học về kiên định mục tiêu chiến lược đồng thời khôn khéo về sách lược với sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị của lãnh tụ và đội tiền phong lãnh đạo; Bài học về xử lý đúng đắn tình thế và thời cơ cách mạng. 

Đó chính là những điều rút ra từ cuộc Tổng khởi nghĩa ở cả ba miền.

Nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của Chính quyền tay sai Pháp.
Nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của Chính quyền tay sai Pháp. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng đã dẫn tới ra đời Nhà nước cách mạng tiêu biểu cho sự đoàn kết hòa hợp dân tộc vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, toàn dân. Cuộc Cách mạng Tháng Tám không chỉ thay đổi chế độ chính trị mà còn đặt dấu ấn sự ra đời của nền chính trị văn minh đồng thời mang giá trị của chiều sâu văn hóa. Cuộc cách mạng đó là sự thống nhất không thể tách rời giữa lý tưởng, mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa yêu nước và lợi ích quốc gia, dân tộc chân chính.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

 

Ngày 19/8 ở Hà Nội - Thắng lợi mở đường cho cả nước đi theo

Trong cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945, vai trò của Thủ đô Hà Nội là rất quan trọng vì là nơi đặt Bộ chỉ huy Tổng khởi nghĩa, là đầu tàu dẫn dắt cách mạng cả nước.

Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh dẫn đến quân đội của chúng ở Đông Dương mất tinh thần, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Chớp thời cơ, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp tại Tân Trào từ ngày 13/8/1945 ra quyết định phát động Tổng khởi nghĩa.

Ngày 15/8/1945, được tin Nhật chính thức đầu hàng, Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương thuộc Xứ ủy phụ trách. Trước khí thế cách mạng của quần chúng và tình hình của địch, tối 17/8/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp hội nghị mở rộng, bàn cụ thể kế hoạch khởi nghĩa và dự kiến tiến hành vào ngày 19/8/1945.

Ngày 18/8/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội chuyển vào nội thành. Theo kế hoạch, các đội tuyên truyền xung phong dùng mô tô, xe đạp cắm cờ đỏ sao vàng đi khắp phố phường phát truyền đơn, dán áp phích, kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa, các đội tự vệ cùng các tổ chức cứu quốc sẽ chiếm các nơi quan trọng…

Sáng 19/8/1945, từ 5 cửa ô, người dân Hà Nội giương cao cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ tiến về Nhà hát Lớn và trung tâm thành phố tạo khí thế cách mạng mạnh mẽ. Cho đến trưa, cuộc mít tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn đã nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang, tuần hành thị uy của gần 20 vạn người… Quần chúng cách mạng có các đơn vị tự vệ chiến đấu dẫn đầu đã tỏa đi chiếm các cơ quan, công sở trọng yếu của địch theo đúng kế hoạch.

Tại Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính phủ bù nhìn, quân dân Hà Nội đã tước vũ khí lính bảo an, phân phát cho tự vệ và nhanh chóng làm chủ toàn bộ khu vực này…

Tối ngày 19/8/1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó có thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời ra mắt sáng 20/8/1945. Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội đã thắng lợi.

Hà Nội khởi nghĩa thành công như một "tiếng bom" mở đầu vang dội đi khắp nước có tác động quyết định, cổ vũ và tạo điều kiện để nhân dân các địa phương trên cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền sau đó… Khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội - nơi có hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng, đông nhất so với các  địa phương khác ở Bắc Kỳ mà không phải đổ máu đã cho thấy sự cân nhắc kỹ của Xứ ủy Bắc Kỳ và sự chủ động, linh hoạt nhưng chu đáo, cẩn trọng của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội trong từng quyết sách.

Việc dự kiến khả năng xấu nếu như quân Nhật gây xung đột vũ trang thì ta kiên quyết đánh - đã không xảy ra cũng cho thấy sức mạnh của quần chúng được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, được cổ vũ, động viên kịp thời khi thời cơ đến đã trào dâng thành làn sóng, đè bẹp sự kháng cự của kẻ thù.

Việc đánh "dập đầu" chính quyền địch ở trung tâm thành phố trong điều kiện ta và địch có sự chênh lệch về mặt lực lượng quân sự nhưng lực lượng chính trị quần chúng của Hà Nội mạnh hơn đã được Ủy ban Quân sự cách mạng - Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội khai thác và phát huy kịp thời. Khí thế cách mạng của quần chúng dâng cao chưa từng thấy đã lôi cuốn cả những người còn do dự cùng tiến vào đánh chiếm các công sở, giành chính quyền về tay nhân dân.

Hà Nội là thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp nên khởi nghĩa giành chính quyền tại đây thắng lợi là đòn chí mạng giáng vào chính quyền tay sai Nhật trên cả nước, dẫn đến sự tuyệt vọng, tan rã của chúng và có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân ở nước ta.

Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước. Cả nước theo gương Hà Nội, vận dụng kinh nghiệm khởi nghĩa ở Hà Nội nên đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa thành công, giành được độc lập cho dân tộc.

Nhân dân Thừa Thiên- Huế tham gia giành chính quyền và kéo vào cửa Thượng Tứ (Đông Nam Môn, Kinh thành Huế), ngày 23/8/1945. Ảnh tư liệu

 

23/8 ở Huế - Dấu chấm hết cho chế độ phong kiến

Ngày 15/8/1945, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế triệu tập Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh tại nhà số 46 Giáp Hạ, phường Phú Bình, thành phố Huế. Hội nghị nhất trí chủ trương phát động khởi nghĩa trong toàn tỉnh.

Trước đó, tại Huế từ ngày 12/8/1945, các cuộc biểu tình, thị uy, biểu dương lực lượng đã diễn ra khắp nơi. Ngày 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa ban ra. Khí thế cách mạng của quần chúng sôi sục từ ngày 18 - 22/8/1945, các xã, huyện đều giành chính quyền thắng lợi.

Do những đặc điểm chính trị phức tạp ở Huế, là trung tâm cai trị của phát xít Nhật ở Trung bộ và là kinh đô của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, Thường vụ Việt Minh tỉnh đã có những cố gắng cao nhất để tranh thủ mọi khả năng làm giảm bớt sức chống phá cách mạng đồng thời đây cũng là địa bàn quan trọng giành thắng lợi quyết định cho Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc nên được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương.

Ngày 20/8/1945, Đoàn cán bộ Trung ương gồm các đồng chí: Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa. Ngày 20/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa được thành lập gồm các đồng chí Tố Hữu, Hoàng Anh, Lê Tự Đồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn....

Tối 21/8/1945, Hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố và từng cán bộ trong việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Ngày 23/8, chính phủ Trần Trọng Kim có kế hoạch tổ chức một cuộc mit tinh lớn ở sân vận động Huế để mừng việc Nhật trả quyền cai trị Nam kỳ cho triều đình Huế. Tương kế tựu kế ta quyết định khởi nghĩa ngày 23/8.

Tại các xã, huyện, thành phố khí thế cách mạng quần chúng sôi sục từ 18 - 22/8/1945, các xã, huyện đều giành chính quyền thắng lợi. Đêm 22/8/1945 trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Đại - vị vua cuối cùng - phải tuyên bố “Nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh”.

16 giờ ngày 23/8, tại Sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên Huế đã tập trung thành hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội. Đồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố từ nay chính quyền thuộc về tay nhân dân. UBND cách mạng lâm thời ra mắt nhân dân do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh-Phó Chủ tịch.

Ngày 29/8/1945, phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời gồm Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận đến Huế để tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.

Chiều ngày 30/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam - đã được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong Kinh thành, đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến. Trong chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, ông viết câu mà có lẽ lịch sử thế giới cũng hiếm có, “Thà làm Dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ”. Tại Huế, Cách mạng tháng Tám đưa tới độc lập là một cuộc chuyển giao rất đẹp.

Huế vừa là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Do đó, cuộc khởi nghĩa ở đây có ý nghĩa và tác động sâu sắc đối với cả nước.

Tư tưởng xuyên suốt của ta không phải cố dùng bạo lực, phải dùng sức mạnh quần chúng, tập hợp đông đảo quần chúng. Mặt khác, bằng nhiều cách tác động vào triều Nguyễn thành một chính sách và trên cơ sở làm thế nào để giác ngộ được mọi người, kể cả đối phương hiểu được vấn đề để hạn chế dùng bạo lực. Do đó, khởi nghĩa ở Huế trở nên êm đẹp. Yếu tố chính nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước tạo nên một sức mạnh.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Huế, góp phần quyết định thắng lợi trọn vẹn của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám trong cả nước.

Nhân dân ngoại thành với tầm vông vạt nhọn kéo vô nội thành tham gia Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn  ngày 25/8/1945
Nhân dân ngoại thành với tầm vông vạt nhọn kéo vô nội thành tham gia Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn  ngày 25/8/1945. Ảnh tư liệu.

 

Ngày 25/8 ở Sài Gòn - Gia Định: Chủ động, sáng tạo cho chiến thắng

Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ vào tháng 8/1945 đã diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn do không nhận được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng nhưng vẫn nhanh chóng giành thắng lợi. Ngày 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Tiền phong chỉ định Ủy ban khởi nghĩa và tổ chức họp tại chợ Đệm, Bình Chánh, quyết định: Khi có tin Hà Nội khởi nghĩa thì Sài Gòn lập tức phải khởi nghĩa.

Rút ra những bài học qua cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, sáng 21/8/1945, cờ đỏ sao vàng của Việt Minh cắm trên 10 xe ô tô chạy khắp các phố của Sài Gòn để cổ vũ phong trào nổi dậy của quần chúng. Cũng trong ngày, Xứ ủy Tiền phong tổ chức hội nghị mở rộng, quyết định cho Tỉnh ủy Tân An khởi nghĩa thí điểm vào đêm 22 rạng ngày 23/8.

Sáng 23/8/1945, sau khi khởi nghĩa ở Tân An thắng lợi, Hội nghị Xứ ủy mở rộng được triệu tập gấp, quyết định tối ngày 24/8 sẽ khởi nghĩa ở Sài Gòn. Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra theo đúng kế hoạch.

Các lực lượng gồm khoảng 40.000 đội viên xung phong được phân công đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố, hoàn thành nhiệm vụ nhanh gọn, không có đổ máu, trong khoảng thời gian 3 giờ (từ 19 - 22 giờ), trừ một vài nơi như Ngân hàng Đông Dương, sân bay và một phần Quân cảng.

Cũng ngay trong đêm 24/8, hàng chục vạn người ở ngoại thành Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một kéo vào nội thành Sài Gòn với đủ mọi loại vũ khí trong tay như: súng, súng săn, giáo mác, tầm vông, mũi chĩa... Ngoài ra, để bảo đảm cho việc tuyên truyền của cách mạng được tốt, một hệ thống loa truyền thanh gấp rút được thiết lập trên các đại lộ, đường phố chính của Sài Gòn.

Sáng ngày 25/8, một cuộc mít tinh, tuần hành vũ trang đông tới triệu người đã diễn ra với băng cờ và các khẩu hiệu được giăng, mắc khắp nơi và cầm tay, nội dung là: đánh đổ thực dân; Việt Nam hoàn toàn độc lậpđộc lập hay là chết; đánh đổ Bảo Đại; Chính quyền về tay Việt Minh...

Đến 10 giờ, các bài nhạc Quốc tế ca, Thanh niên hành khúc vang lên, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn, thông báo khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở Hà Nội ngày 19/8, Huế ngày 23/8 và hôm nay là ở Sài Gòn; đồng thời kêu gọi quần chúng hy sinh vì độc lập, tự do, cảnh giác với âm mưu của bọn phản động.

Khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” được viết bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Hoa, treo lên xung quanh lễ đài dựng ở phía sau Nhà thờ lớn, trên đại lộ Nô-rô-đôm.

Cùng với Sài Gòn - Gia Định, nhân dân các tỉnh Nam Bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong điều kiện việc chỉ đạo Tổng khởi nghĩa của Trung ương chưa đến kịp nhưng do Đảng bộ Nam Kỳ đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 (tháng 5-1941) cùng với tinh thần cách mạng của nhân dân đang lên rất cao..., nên đến ngày 28/8/1945, hai địa phương cuối cùng (Hà Tiên, Đồng Nai) đã giành được chính quyền, kết thúc thắng lợi Tổng khởi nghĩa một cách nhanh chóng.

Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ giành thắng lợi đã đóng góp nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn chỉ đạo, tổ chức tiến hành chiến tranh cách mạng Việt Nam nhất là về tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy địa phương.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn và Nam Bộ có một vị trí rất quan trọng trong thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.

Nó đã đặt dấu chấm hết cho chế độ phát xít, thực dân và bù nhìn ở nước ta đồng thời, tạo ra một thế mới cho việc chuẩn bị bảo vệ thành quả cách mạng vĩ đại của nhân dân ta trước âm mưu và hành động tái xâm lược của thực dân Pháp cùng với các thế lực phản động khác.

Những bài học về chuẩn bị, tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ với tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy địa phương còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn cho công tác xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố hiện nay.

Quận 3 phát triển theo hướng đô thị xanh và thông minh - Sáng 17/8, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quận 3 lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham gia của 225 đại biểu chính thức.