Chờ...

Bài học từ Trường Học sinh miền Nam là bài học về sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho đất nước

Ngày 2/5, tại Hội trường Thống Nhất, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương đã tổ chức họp mặt các thế hệ HSMN trên đất Bắc nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu bày tỏ vui mừng khi TPHCM được các thầy cô và cựu Học sinh miền Nam (HSMN) chọn là nơi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, các thế hệ đi sau luôn nhìn các HSMN là những tấm gương để phấn đấu. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, chủ trương đào tạo HSMN trên đất Bắc còn nguyên giá trị trong công tác xây dựng cán bộ ngày hôm nay, cần tiếp tục nghiên cứu để làm sao thực sự xây dựng đội ngũ cán bộ, chăm chút các “hạt giống đỏ” trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – cũng là một HSMN trưởng thành dưới mái trường miền Nam trên đất Bắc bày tỏ, buổi họp mặt có ý nghĩa lớn khi tổ chức tại Dinh Thống Nhất vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, thành tựu và bài học từ chủ trương đưa HSMN đào tạo trên đất Bắc cũng gợi mở cho chúng ta quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, với hội nhập quốc tế. Nước ta muốn phát triển được, phải thông qua nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua giáo dục – đào tạo. Và bài học từ Trường HSMN là bài học về sự chuẩn bị về nguồn nhân lực cho đất nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thế hệ HSMN giờ đây dù ở vị trí nào, cũng tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn, vì Tổ quốc, vì nhân dân; luôn gương mẫu ở cơ quan, đơn vị, là tấm gương của đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tiếp tục giáo dục con cháu học tập, trưởng thành trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Đại diện các thế hệ HSMN, đồng chí Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Liên lạc HSMN Trung ương cho biết, từ năm 1954 đến năm 1975, đã có hơn 32.000 thiếu niên, học sinh từ miền Nam tập kết ra miền Bắc bằng nhiều con đường khác nhau.

Được nuôi dạy và chăm sóc chu đáo như vậy, HSMN cũng đã tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện và trưởng thành. Hầu hết HSMN đều được đào tạo trong các Trường HSMN từ bậc Tiểu học đến tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển vào các Trường Đại học trong, ngoài nước. Nhiều HSMN đã trở thành các nhà khoa học trình độ cao, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ nhân dân... Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, nhiều HSMN trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, từ năm 1954-1975, hơn 32.000 HSMN từ Bến Hải (Quảng Trị) đến Cà Mau ra Bắc đều khôn lớn, trưởng thành và có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tuy thời gian lùi xa, nhưng có thể khẳng định, các Trường HSMN trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục – đào tạo cách mạng. Sự thành công của trường học này là đào tạo lớp người vừa hồng vừa chuyên, gắn bó với vận mệnh của đất nước và hơn tất cả, các Trường HSMN trên đất Bắc là biểu tượng đẹp đẽ của tình cảm Bắc – Nam ruột thịt.

Trong thời kỳ đổi mới, nhiều HSMN đã mạnh dạn tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, mang lại nhiều phúc lợi cho nhân dân, trở thành ngọn cờ đầu và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt là trong các thế hệ HSMN, có nhiều học sinh dân tộc đến từ Tây Nguyên.