Việc xã hội hóa hoạt động văn học nghệ thuật tại TPHCM hiện nay còn thiếu sự định hướng và thiếu những chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, phù hợp nên một số ngành như sân khấu, điện ảnh, múa,… lúng túng về hướng ra trong nền kinh tế thị trường. Đó là một trong những mặt hạn chế đã được nêu ra trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025).
Liên quan đến nội dung này, nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên – Giám đốc Sân khấu nhỏ 5B, một trong những sân khấu xã hội hóa lâu đời tại TPHCM góp ý:
Nghe nội dung góp ý:
"Anh chị em ngành sân khấu TPHCM vẫn không ngừng tìm tòi kịch bản, tìm những gì mới nhất để liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm. Lòng yêu nghề, niềm đam mê cống hiến của những người làm xã hội hóa rất cao, bắt nhịp đúng hơi thở xã hội hiện nay và đáp ứng nhu cầu của người xem. Tuy nhiên, điều mà làm tôi trăn trở nhất hiện nay chính là về tài chính và cơ sở vật chất. Đa số các sân khấu xã hội hóa ở Thành phố hiện nay đều do tư nhân bỏ tiền 100% và đi thuê lại mặt bằng, thuê lại các rạp cũ của Nhà nước để sáng đèn. Vẫn chưa có doanh nghiệp nào hay quỹ văn hóa nào đứng ra xây dựng một sân khấu chung cho các sân khấu xã hội hóa. Để các sân khấu xã hội hóa giữ vững được phong cách riêng của mình và sáng đèn thường xuyên thì cần giải quyết về mặt tài chính và cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về cơ sở vật chất, ví dụ như giảm bớt tiền thuê mặt bằng. Riêng sân khấu 5B thì không tốn tiền thuê mặt bằng vì mặt bằng ở lầu 3 trực thuộc Hội Sân khấu nhưng chúng tôi vẫn có khó khăn rất lớn vì khán giả phải đi lên tận lầu 3 để xem, cơ sở vật chất rất nghèo nàn. Vì vậy, cần lắm phía Thành phố hỗ trợ một nơi nào đó để sân khấu kịch vững vàng hơn.
Những năm trước, tôi được biết TPHCM sẽ đầu tư xây dựng một nhà hát lớn tầm vĩ mô để du khách và công dân của Thành phố được thưởng thức nghệ thuật tại một nơi có quy mô lớn, đẹp, khang trang. Tôi cũng đồng ý việc Thành phố sẽ gom các sân khấu về chung nhà hát lớn và chúng tôi sẵn sàng trả tiền để thuê mặt bằng. Khi ấy, du khách và người dân sẽ thuận tiện hơn khi đi đến thưởng thức tại nơi này vì có đủ loại hình nghệ thuật để họ chọn lựa và mua vé vào xem. Lúc đó cũng sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt và những người nghệ sĩ sẽ tự ắt tìm cách làm nghệ thuật đàng hoàng, tử tế, có chất lượng và màu sắc hơn. Tôi nghĩ Thành phố nên tập trung xây dựng một nhà hát quy mô lớn để cho các sân khấu xã hội hóa được nương nhờ…".
Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên.