Đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khái quát: Chủ nghĩa cá nhân là “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Bác đã dạy: “Chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong. Địch ở bên trong đáng sợ hơn, nó phá hoại từ trong phá ra”. Bác đã coi chủ nghĩa cá nhân như một thứ rác rưởi, cho nên Bác dặn phải “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân.
Ngày nay, Đảng và nhà nước ta cũng coi tham nhũng là giặc nội xâm đang tàn phá đất nước, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta.
Chủ nghĩa cá nhân và tham nhũng đều có liên hệ nhân quả với nhau. Vì chủ nghĩa cá nhân làm suy thoái cán bộ đảng viên dẫn đến sai phạm, tiêu cực và cuối cùng là đi vào con đường tham nhũng, vi phạm pháp luật.
Bác đã chỉ cho chúng ta nhận diện những tác hại từ chủ nghĩa cá nhân gây ra đó là sự quan liêu của những người lãnh đạo, xa rời quần chúng nhân dân, mất dân chủ. Đối với cấp trên thì xu nịnh, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át, với quần chúng thì quan cách, hống hách, mất dân chủ dẫn đến tệ bè phái, hủ lậu rồi tham ô, lãng phí.
Do đó,muốn diệt trừ tham nhũng thì cần phải ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy.
Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của căn bệnh tham lam chỉ lo cho lợi ích của bản thân. Đặt lợi ích bản thân lên trên lợi ích của tập thể. Lo tư túi cá nhân dựa vào quyền chức được giao để đục khoét, có lối sống hủ hóa, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài lãng phí bằng tiền ngân sách nhà nước và tập thể.
Từ đó khi không đủ tiền bạc vật chất cung phụng cho bản thân cùng bè phái dẫn đến phải tham nhũng.
Ngoài ra, chủ nghĩa cá nhân cũng dẫn đến lười biếng, ngại khó, ngại khổ. Gặp việc khó, việc nguy hiểm tìm cách tránh né. Không muốn người khác phê bình mình. hám danh, trục lợi, thích địa vị, quyền hành, luôn cho mình là đúng, là vĩ đại. Làm việc không thiết thực, không căn cơ, chỉ làm cho có, làm lấy rồi, làm đối phó. Không nhìn xa trông rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chút những việc vụn vặt. Đó cũng là những biểu hiện suy thoái trong đạo đức lối sống.
Chủ nghĩa cá nhân làm cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý ưa xu nịnh, nên ai hợp với mình thì cũng cho là tốt, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp thì người tốt cũng cho là xấu, trong làm việc thì tìm cách dìm người khác xuống, ghen ghét đố kỵ, nhỏ nhen. Từ đó, dẫn đến bè phái chia rẽ, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, dần dà không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, do không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước dẫn đến làm hại đến lợi ích chung của tập thể, đơn vị địa phương.
Từ việc kéo bè, kéo cánh trục lợi, đặt ra quyền lợi cho bè phái “cánh hẩu” của mình, suy thoái trong đạo đức lối sống sẽ dẫn đến phải kết chặt bè phái để tham nhũng trục lợi. Nhiều vụ việc trên thực tế đã chỉ ra khi có tham nhũng thì từ đồng chí đã trở thành “đồng bọn”. Khi bị phát hiện có dấu hiệu tham nhũng phải thanh, kiểm tra thì thân ai nấy lo. Tìm đủ mọi cách để chạy tội. Khi bị điều tra thì chối tội, thậm chí đổ tội cho nhau hòng tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Hiện nay có tình trạng cán bộ có quyền chức tuy chưa tham nhũng nghiêm trọng, nhưng lại xảy ra hiện tượng “ăn vặt”, nghĩa là lợi dụng quyền chức để trục lợi cho bản thân và gia đình người thân của mình.
Qui định 102 mới đây của Đảng cũng đã đề ra việc xử lý những loại cán bộ đảng viên trục lợi cho bản thân cho gia đình mình dưới nhiều hình thức như: đưa người vào cơ quan làm việc để lấy lợi lộc, gửi gắm theo kiểu “con ông, cháu tôi”, đưa người thân, người nhà vào làm để bổ nhiệm “thần tốc”, tiến thân nhanh chóng… Đó là dấu hiệu của sự suy thoái đạo đức lối sống.
Khi đã trược dài vào con đường chạy theo tiền tài, vật chất thì phải bòn rút của công, kiếm chác qua triển khai thực hiện các dự án, nhẹ hơn thì gây khó dễ, phiền hà cho doanh nghiệp người dân trong các dịch vụ hành chính công để trục lợi. Đối với một số ngành như: thanh kiểm tra, trật tự đô thị, giao thông công chánh, hải quan, cảnh sát giao thông, trật tự…. có các hiện tượng vòi vĩnh, nhận đút lót.
Tham nhũng chỉ diễn ra được khi có bè cánh vây quanh những người có quyền hành, những người có quyền ký. Những vị trí nầy liên quan cấu kết nhau để gây ra tham nhũng như kế toán, thủ quỹ,thủ trưởng, phó thủ trưởng, giám đốc cấp dưới trực thuộc…
Do đó, tham nhũng xảy ra khi có nạn độc đoán chuyên quyền, mất dân chủ, thiếu tinh thần đấu tranh trong nội bộ đơn vị, cái xấu đè bẹp cái tốt. Quần chúng nhân dân không dám đấu tranh vì sợ hãi bị trù dập, mất việc làm…Ai cũng lo cho quyền lợi riêng, không còn lo cho cái chung.
Muốn chống tham nhũng dưới góc độ của chủ nghĩa cá nhân thì cần phải ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đó là sự chuyên quyền độc đoán, quan liêu, bè phái, chỉ nghĩ đến trục lợi cho bản thân. Cần mạnh dạn trong phê bình, tự phê bình, góp ý với đồng chí, cấp trên để tự nhắc nhở soi rọi bản thân của mọi người tránh tình trạng dĩ hòa vi quí, sợ mất phiếu nên không dám phát biểu, không dám đấu tranh với tinh thần xây dựng.
Đặc biệt nêu cao vai trò tiên phong của đoàn thanh niên, của hội viên cựu chiến binh trong việc đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng vì đây là các lực lượng chính trị nòng cốt, tiên phong gương mẫu.
Một trong 4 nhiệm vụ của cựu chiến binh đó là phải đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Công tác đấu tranh phải khoa học, cương quyết, khôn khéo và đấu tranh để xây dựng ngăn chăn cán bộ đảng viên rơi vào tiêu cực với phương châm phòng ngừa là chính, ngăn chặn là then chốt.
Chúng ta đã có nghị quyết Trung ương 4 để phòng chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây cũng là vũ khí mạnh để chống chủ nghĩa cá nhân và tham nhũng. Vì từ những tác hại của chủ nghĩa cá nhân đã làm cho suy thoái sinh sôi nãy nở và tham nhũng phát triển. Cần sử dụng vũ khí “Nghị quyết Trung ương 4” để đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, lợi ích nhóm.
Trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, toàn dân đang mong Đảng sẽ quét sạch được các bệnh của chủ nghĩa cá nhân mà Bác Hồ đã chỉ rõ, nghị quyết của Đảng cũng đã chỉ ra, để đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đến thành công, để thực hiện lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này. Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một Đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước, vì dân được”.