Trong bài “Dân vận”, lần đầu đăng trên báo Sự thật số ra ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp phần thành lực lượng toàn dân, để thực hiện những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Về tầm quan trọng của công tác dân vận, Bác Hồ từng đánh giá: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Đảng ta luôn xác định công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Trong tình hình hiện nay, thế giới và trong nước luôn có nhiều thay đổi nhanh chóng, nhất là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước đã làm nảy sinh nhiều vấn đề như: phân hóa giàu nghèo, việc thực hiện công bằng xã hội, vấn đề dịch chuyển đất đai, lực lượng lao động… Những vấn đề này rất nhạy cảm liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của người dân. Công tác dân vận càng có ý nghĩa quan trọng và thiết thực hơn bao giờ hết.
Thực tế hiện nay, có khi, có lúc vẫn làm chưa tốt công tác dân vận vì một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành chưa thật sự hiểu rõ, hiểu hết về công tác dân vận gắn với sự nghiệp phát triển đất nước. Việc triển khai các văn bản liên quan đến công tác dân vận còn chậm, chưa cụ thể hóa các văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành với mặt trận và các đoàn thể trong công tác dân vận chưa được nhịp nhàng, đồng bộ. Mặt trận và các đoàn thể chưa đổi mới được nội dung, hình thức, phương pháp tập hợp các đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Để làm tốt công tác dân vận trước hết đòi hỏi các tổ chức trong hệ thống chính trị phải không ngừng tăng cường, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng. Chất lượng, hiệu quả công tác dân vận chính là mức độ hài lòng của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.
Chính quyền muốn vì dân thì phải hiểu dân, tin dân trên tinh thần đoàn kết, kiên trì thuyết phục và nhất là nêu cao sự hy sinh, tính tiên phong, gương mẫu của người lãnh đạo, của cán bộ, đảng viên để quần chúng noi theo.
Công tác dân vận phải gắn liền với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo ra môi trường lành mạnh, thuận lợi cho người dân hoạt động kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, có công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Có như vậy mới làm cho xã hội lành mạnh, cuộc sống của người dân được yên ổn.
Dân vận lúc này phải hướng vào yên dân, an dân, chăm lo dân sinh, thực hiện an sinh xã hội, nhất là với bộ phận không nhỏ dân cư còn nghèo, thiệt thòi, dễ bị tổn thương.
Các điển hình “Dân vận khéo” 2019 được tuyên dương tại buổi lễ họp mặt kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng do Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng TPHCM tổ chức. Ảnh: hochiminhcity.gov.vn
Muốn làm tốt công tác dân vận thì các tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực sự đổi mới về phương pháp vận động nhân dân sao cho phù hợp với các tầng lớp, các ngành, các giới tùy theo trình độ, công việc, điều kiện…để tập hợp, động viên, phát huy được sức mạnh của mọi người, hình thành được phong trào rộng lớn, có thế công tác dân vận mới đạt hiệu quả.
Trong công tác dân vận phải đảm bảo việc thực hành dân chủ rộng rãi trong các hoạt động của các tổ chức Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp mới tạo được niềm tin và thúc đẩy người dân tham gia vào các hoạt động của chính quyền, phong trào của các tổ chức, hội đoàn.
Muốn đi đến thành công, một điều kiện không thể thiếu là phải phát huy dân chủ.
Bác Hồ dạy: "Nước ta là nước dân chủ... Dân chủ để khơi dậy sáng kiến của người dân, trong lãnh đạo công tác lý luận lại càng phải dân chủ”. Phải thực sự dân chủ, lắng nghe những ý kiến khác nhau, có như vậy mới tìm ra chân lý.
Do đó cần tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về công tác giám sát, phản biện và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Người cán bộ làm công tác dân vận cần phải có niềm tin vào dân, có hành động thực sự vì dân, nói ít làm nhiều, nhất quán giữa nói và làm, thực sự đổi mới khi đề ra chủ trương, cơ chế, chính sách sao cho thực sự vì dân, do dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia thực sự vào quá trình thực hiện chính sách đó.
Công tác dân vận chỉ đạt hiệu quả khi công tác lãnh đạo, quản lý và đổi mới nội dung phương thức vận động nhân dân của các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp có chất lượng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đến hiện trường làm việc về công trình xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức và người thân của ông Thành. Ảnh: hochiminhcity.gov.vn
Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh thì "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân", không có gì cao cả hơn là phục vụ dân. Quan niệm của Bác Hồ về dân là như thế.
Bác chỉ rõ: "Tất cả các cán bộ chính quyền, tất cả các cán bộ đoàn thể, tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận". Chính quyền làm công tác dân vận bằng cách đề ra những chính sách đúng đắn hợp với lòng dân. Đương nhiên, không phải là mị dân, theo đuôi dân hay mệnh lệnh quan liêu.
Vì vậy, công tác dân vận rất quan trọng, là một nhiệm vụ chính trị của Đảng và cả hệ thống chính trị. Mọi hành động phải vì dân và mang lại hiệu quả thiết thực cho dân. Thực hiện tốt công tác dân vận nhằm góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng vững mạnh.