Đảng đồng hành cùng dân trong kỷ nguyên số - Bài 1: Tiếng nói của Đảng từ mạng xã hội

(VOH) - Bên cạnh những tiện ích và những thông tin hữu dụng mà mạng xã hội đem lại cho người dùng thì những thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng, xác thực được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, từng phút từng giây trôi qua là có một lượng thông tin khổng lồ được lan truyền với tốc độ cực kỳ nhanh chóng. Chỉ cần chiếc máy vi tính hoặc điện thoại thông minh là người người, nhà nhà có thể truy cập mạng để tiếp cận bất kỳ nội dung nào muốn tìm kiếm. Vậy làm sao để những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước “bắt kịp được với tốc độ lan truyền tính bằng giây”, làm sao để kịp định hướng dư luận, cung cấp “một bộ lọc” để người dân nhận diện được những tin xấu, tin độc? Đó chính là một mặt trận đấu tranh không thể bỏ ngõ - không gian số. Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã yêu cầu cả hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

 Trang fanpage Tuyên giáo quận Tân Phú.

 Trang fanpage Tuyên giáo quận Tân Phú

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2018, Việt Nam được xếp trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Theo đánh giá của eMarketer, đến năm 2020, số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam sẽ lên tới khoảng 47 triệu người, chiếm gần 1/2 dân số và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm sau đó. Bên cạnh những tiện ích và những thông tin hữu dụng mà mạng xã hội đem lại cho người dùng thì hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là hàng phút, hàng giây, những thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng, xác thực được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Điều này đã tác động không nhỏ đến dư luận, nhất là giới trẻ, gây tâm lý hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Do vậy, trong thời gian qua, các cấp, ngành, đơn vị từ Trung ương đến địa phương đã họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp song hành để “làm chủ” trận địa này, để các gam màu sáng luôn chủ đạo trong bức tranh tuyên truyền chống lại các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh quốc gia. Trong đó, việc liên tục giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt, đề cao các hoạt động giữ gìn giá trị truyền thống, đạo lý, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, khơi gợi niềm tin, khuyến khích lao động sáng tạo, những nét đẹp đời thường,... để xây dựng một niềm tin vững chắc về một xã hội tốt đẹp mà Đảng luôn hướng đến.

Ông Lê Văn Minh, Phó trưởng Ban tuyên giáo TPHCM cho biết, trong cùng một thời điểm, cùng một không gian nhất định, tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương đều có thể sử dụng rất nhiều hình thức, cách thức để làm công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội. Trong đó việc sử dụng các trang mạng xã hội là một trong những giải pháp mới, phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ thông tin và sử dụng internet trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung. “Cần có sự thích ứng và phù hợp với quá trình tiến bộ của xã hội để chúng ta đưa những ứng dụng, công nghệ, tiện ích mà mạng xã hội mang lại, từ đó lan tỏa những thông tin tuyên truyền đúng và chính xác đến với người dân”, ông Lê Văn Minh khẳng định.

Chia sẽ để phản bác với các thông tin sai sự thật, xuyên tạc

Chia sẻ để phản bác với các thông tin sai sự thật, xuyên tạc

Một trong những trang fanpage của cấp tuyên giáo quận, huyện đã thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua đó là trang Tuyên giáo quận Tân Phú. Trang này được Quận ủy Tân Phú lập ra vào năm 2014 với mục đích cung cấp, định hướng thông tin cho nhân dân trên địa bàn nói riêng và cộng đồng mạng nói chung. Chỉ tính trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trang Tuyên giáo Tân Phú và các trang mạng liên kết thành viên đã có hơn 1.700 bài viết, thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem, gần 60.000 lượt thích và trên 25.500 lượt chia sẻ. Cho đến nay, đã có hơn 2.500 tài khoản thích và khoảng 2.600 tài khoản theo dõi trang này.

“Thừa thắng xông lên” - lượng thông tin được bộ phận biên tập liên tục cập nhật, nâng cao tính thời sự và tiếp cận được người dân không chỉ trên địa bàn quận mà còn tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng mạng. Kịp thời “nói lại cho rõ” những tin đồn thất thiệt, hạn chế được những thông tin tiêu cực, sai trái. Ông Võ Văn Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Phú chia sẻ  trang Tuyên giáo Tân Phú đã thực hiện nội dung tuyên truyền rất đa dạng và toàn diện. Trang này cùng với các trang trong hệ thống chính trị của quận thường xuyên đăng tải những thông tin, nội dung tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội để phục vụ cung cấp thông tin cho nhân dân.

Một trong những trường hợp điển hình cho sự nhanh nhạy, kịp thời sử dụng mạng xã hội để phản biện những luận điểm xuyên tạc, phản động trên mạng đó là xuyên tạc sự việc một bà cụ thuộc gia đình chính sách ở quận nghèo quá không có tiền cho mèo ăn, phải đem mèo con ra lề đường bán. Họ nói rằng Nhà nước, chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm và chăm lo; chính sách của Đảng, Nhà nước không chăm lo cho người già, có công. Đó là ý kiến xuyên tạc có dụng ý xấu. Bài viết sai trái về bà cụ nhận được hơn 1 triệu lượt thích và nhiều bình luận liên tục. Những người bình luận còn kêu gọi tụ tập tại khu vực cụ ở rất đông. “Trong mấy ngày liền, chúng tôi đã vận dụng mạng xã hội và hệ thống chính trị xã hội ở cơ sở để đăng tải những thông tin đúng với bản chất vụ việc. Gỉải quyết được nguy cơ mất an ninh trật tự tại đây. Đồng thời, người đăng thông tin ban đầu phải đăng tin đính chính, xin lỗi và gỡ bài”, ông Võ Văn Thành kể.

Trang Fanpage Cột cờ Thủ ngữ

                      Trang Fanpage Cột cờ Thủ ngữ

Dù còn khá non trẻ khi mới chính thức hoạt động được hơn một năm rưỡi, nhưng trang Fanpage Cột cờ Thủ ngữ của Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1 hiện có đến hơn 7.400 tài khoản thích và trên 7.500 tài khoản theo dõi. Với việc phân chia tin, bài ở nhiều mục khác nhau như: Nhịp sống quận 1; Góc kỹ năng; Thông tin chính sách; Phóng sự - Hồ sơ; Học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu; Người tốt, việc tốt; Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc; Đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình”…, trang fanpage này đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

Cụ thể có những tuyến bài mà số lượng người thích và chia sẻ lên đến hơn 25.000 lượt. Bên cạnh đó, khi fanpage đăng tải thông tin về việc từ ngày 3/7/2019, người dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể làm thủ tục cấp căn cước công dân trực tuyến, đã có rất nhiều người dân quan tâm, trao đổi với quản trị trang để được hướng dẫn cụ thể. Theo bà Bùi Thị Thúy Hiền, Phó trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 khi đã là một trang fanpage thì việc đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và người dân là hết sức cần thiết. Vì vậy, Ban quản trị fanpage đã phân công rõ ràng không chỉ là trả lời tin nhắn trong hộp thư điện tử vào giờ làm việc mà ngoài giờ làm việc cũng phải kịp thời trả lời ngay. “Điều đó phần nào đã đáp ứng được điều mong mỏi của cán bộ, đảng viên và người dân. Họ đã phản hồi tích cực trở lại và cám ơn trang fanpage”, bà Hiền cho biết.

Chính nhờ sự cập nhật nhanh nhạy, tương tác thường xuyên và kịp thời trên các trang fanpage mà những luồng thông tin xấu độc có tác động tiêu cực đến tư tưởng, gây hoang mang dư luận đã bị chặn đứng. Là một người thường xuyên theo dõi những tin, bài mà trang fanpage Cột cờ Thủ Ngữ, ông Hoàng Thọ Diêu, ở phường Cầu Kho, quận 1 nhận xét, mạng xã hội bây giờ có rất nhiều thông tin, cả tích cực lẫn tiêu cực, chống phá Đảng và Nhà nước cho nên đã tác động đến nhận thức của một bộ phận người dân, thậm chí tạo tâm lý bất an, hoảng loạn, mất kiểm soát trong cộng đồng. “Khi có những trang như trang Cột cờ Thủ Ngữ và những trang khác của quận 1, của thành phố thì người dân vào xem sẽ có được thông tin chính thống phản bác lại các luận điệu kích động, xuyên tạc, sai trái", ông Diêu nhận định.

Mỗi khi thấy có những bình luận không chính xác hoặc xuyên tạc, thiếu ý thức thì ông Diêu cũng tham gia phản biện bởi ông đã có nguồn tin chính thống đầy đủ cơ sở pháp lý và những phân tích thấu tình đạt lý từ các trang của Ban Tuyên giáo các cấp. Ông đã mạnh dạn đấu tranh trực diện với những luận điệu sai trái đó, nhưng ông cũng cho biết mình chọn cách diễn đạt nhẹ nhàng, tránh sa vào cực đoan phiến diện. Ông thường trả lời các bình luận rằng: tình hình bây giờ đã đổi khác nhiều rồi; do vậy mình phải thay đổi nhận thức, suy nghĩ, thậm chí là quên thù hận đi để hướng tới xây dựng đời sống xã hội của thành phố, của quận tốt đẹp hơn. Ông Diêu nói: “Đa số người dân mong và suy nghĩ tích cực. Tuy nhiên, cũng có một số người nhận thức chưa đúng đắn lắm nên có những phát ngôn sai trái, cực đoan. Và điều này rất bất lợi cho tình hình chung, nhất là tác động không tốt đến giới trẻ”.

Còn chị Tô Thị Mỹ Linh, ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, thì lại rất tâm đắc với mục Học tập và làm theo Bác Hồ kính yêu bởi tính thực tế và gần gũi trong mỗi nhân vật, mỗi câu chuyện. Mỗi lần chị mở ra xem là một bài viết mới, hầu như được cập nhật mỗi ngày, trong đó có cả bài viết về chị. “Mình rất tự hào và bất ngờ vì lúc nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, đang ở Hà Nội mà trên trang Cột cờ Thủ Ngữ đã đăng tải thông tin rồi. Mình thấy Cột cờ Thủ Ngữ nắm bắt thông tin rất nhạy bén”, chị Mỹ Linh chia sẻ.

Trang Fanpage Tuyên giáo Đất Thép

    Trang Fanpage Tuyên giáo Đất Thép

Là một huyện ngoại thành, người dân đa phần là nông dân cần cù làm lụng, nhưng không vì thế huyện ủy Củ Chi lơ là trên mặt trận tư tưởng. Huyện ủy luôn nhanh nhạy, sâu sát nắm bắt tình hình cơ sở. Qua rà soát huyện có 27 đối tượng trên địa bàn thường xuyên đăng tải những tin, bài với luận điệu sai trái, chống phá Nhà nước, Huyện ủy ngay lập tức có các bài viết phản bác lại bằng những lập luận rõ ràng thuyết phục. Huyện cũng không kém phần quyết liệt yêu cầu các đối tượng này gỡ bỏ các bài viết sai trái này.

Có trường hợp 2 đối tượng đến tạm trú trên địa bàn huyện viết bài lôi kéo, tham gia tụ tập đông người gây rối, làm mất ổn định về an ninh, trật tự vào tháng 6/2018, Huyện ủy cũng đã thực hiện kiểm điểm 2 đối tượng này công khai trước dân và có đăng tải thông tin lên trang Đất Thép và các trang xã hội khác để người dân hiểu rõ bản chất vụ việc. Ông Huỳnh Văn Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Củ Chi cho biết sau khi phát hiện, huyện đã xử lý vi phạm hành chính, rồi đưa ra kiểm điểm trước dân. Người dân ở địa phương đã góp ý, phản ứng rất mạnh mẽ với việc làm sai trái của hai đối tượng này. Sau đó, hai đối tượng này cũng đã nhận lỗi.

Việc theo dõi sát sao, kịp thời phát hiện những tin, bài có nội dung, mục đích gây bất ổn chính trị của đất nước trên mạng xã hội mà các cấp từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đã đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua đã góp phần ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp vi phạm. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua cũng đã có một số người đưa những tin, cố tình gây bất ổn bị xử lý và sắp tới sẽ còn xử lý nữa nếu cố tình sai phạm.Còn đối với những tin đưa trên trang điện tử nước ngoài, chúng ta cũng làm việc với các công ty cung cấp, nhà mạng nước ngoài ở Việt Nam. Vừa qua, nhiều công ty cũng đã gỡ hàng trăm, hàng nghìn tin, bài nói không đúng về đất nước”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cần vận động người dân, mỗi khi thấy có tin, bài không đúng thì bình luận trở lại, thể hiện chính kiến của số đông, có như vậy mới biến những đối tượng chống đối chính quyền, xuyên tạc chế độ trở thành thiểu số, cá biệt.

Bên cạnh việc sử dụng khá hiệu quả mạng xã hội để kịp thời thông tin, định hướng dư luận ở cấp cơ sở, ngày 11/6/2019 vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến thêm một bước khi phối hợp cùng Viettel xây dựng và triển khai hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNET) cùng với một số trang mạng khác. Với các phương châm “Tuyên giáo đi trước, đi cùng”, “Hướng mạnh về cơ sở”. Bên cạnh những tiện ích như tiết kiệm 50% thời gian giải quyết công việc, giảm khoảng 90% thời gian luân chuyển văn bản… Điều quan trọng hơn cả VCNET còn là một mạng xã hội để nắm bắt dư luận nhanh nhạy từ đó chia sẻ, trao đổi, lan tỏa tuyên truyền về các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và phản bác các thông tin sai trái…Theo đó, các tính năng sử dụng mạng xã hội này gần giống các mạng xã hội từ nước ngoài. Người dùng có thể chọn chế độ chia sẻ, tạo nhóm công khai, nhóm kín... Mong muốn của Ban Tuyên giáo Trung ương là tất cả các cán bộ, đảng viên đều sử dụng hệ thống các trang mạng trong nước, còn với người dân thì khuyến khích và không hạn chế người tham gia. Khi ấy lượng thông tin chính thống đến với cán bộ, đảng viên và người dân sẽ nhiều hơn, chính xác hơn góp phần định hướng dư luận, ổn định trật tự an ninh trên địa bàn. 

Rõ ràng, việc mạnh tay đầu tư cho nền tảng công nghệ, các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp đã không thua kém trong việc tận dụng mạng xã hội để nhanh chóng “nói lại cho rõ”, cho chính xác và kịp thời. Điều này thể hiện Đảng cầu thị và biết “lắng nghe tiếng nói” của người dân. Với sự giúp sức của công nghệ, độ lan tỏa của thông tin trở nên thông suốt hơn bao giờ hết, nhờ đó mà nhiều vụ việc được giải quyết một cách thấu đáo giúp ổn định tình hình và gây dựng thêm niềm tin về một chính quyền công khai, minh bạch. Bằng vào sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, và các cấp đoàn thể trên trận địa số trong thời gian qua, bước đầu đã ổn định về mặt tư tưởng, trong công tác “an dân”. Trên cơ sở đó “đập tan” những luận điệu sai trái, nghi ngờ về hiệu quả của công tác lãnh đạo của Đảng ta.

(Còn tiếp)

Bài 2: Cán bộ tuyên giáo với trận địa mới - mạng xã hội

Cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khoá 14 đối với ông Hồ Văn Năm - (VOH) - Văn phòng Quốc hội vừa cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp tiến hành xem xét, quyết định về công tác nhân sự vào ngày 18/9.

Đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số - (VOH) - Sáng 19/9, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh - Tăng Cẩm Vinh chủ trì họp triển khai kế hoạch tuyên truyền Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ III - năm 2019

Bình luận