Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu

(VOH) - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng, là sự kiện đánh dấu mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.

Cuối năm 1929, các tổ chức cộng sản trong nước đã nhận thức được sự cần thiết và nhanh chóng phải có một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ trong phong trào cộng sản ở Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930. Sau đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3/2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 

dai-hoi-dang-lan-thu 3

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9/1960.

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trong đó xác định đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản chính là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng vừa mới được thành lập nhưng đã giương cao được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, giải quyết tốt nhất tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra đầu thế kỷ XX, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Là cơ sở đảm bảo cho sự tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc cùng chung tư tưởng và hành động để hoàn thành thắng lợi cuộc cách mang dân tộc dân chủ, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Với cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập cho đất nước, lập ra nhà nước dân chủ. Liền sau đó là cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ, khắp năm châu đã biết đến một Việt Nam độc lập kiên cường từ một xứ thuộc địa lạc hậu.

Nối tiếp là cuộc trường chinh 21 năm ròng kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất đất nước. Thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại ấy là công lao to lớn của cả dân tộc, với sự lãnh đạo của Đảng và có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Đó là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận.

Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng đã chủ trương thực hiện công cuộc đổi mới hơn 30 năm nay và đang tiếp tục thực hiện. Cuộc đổi mới này cũng là một cuộc "trường chinh" mới nữa. Đây lại là một cuộc chiến, cuộc thử thách lớn lao không kém phần gian nan so với giai đoạn trước vì có liên quan đến thử thách của  từng  đảng viên, đến vận mệnh lịch sử của Đảng. 

Cuộc chiến đấu này cam go ác liệt, không kém phần gian khổ, nhiều mất mát hy sinh khi mà mỗi đảng viên phải chiến đấu với chính mình, đôi khi với chính đồng đội để chống lại những thách thức của bản thân, hoàn cảnh, luôn biến đổi nhanh chóng và phức tạp của thế giới ngày nay. Đó chính là cuộc chiến với giặc nội xâm với những tha hóa, chuyển biến trong từng đảng viên. 

Chống tham nhũng là một cuộc chiến gay go dù không có tiếng súng. Cuộc chiến ấy vô cùng phức tạp và khó khăn, không có chiến tuyến rõ ràng, “địch” nằm sâu trong hàng ngũ ta và không ít trường hợp còn là người chỉ huy ở các cấp, thậm chí ở cấp cao, “địch” còn chui vào ẩn nấp trong bản thân mỗi người và chiến thắng bản thân lại là cuộc chiến khó khăn nhất của mỗi đảng viên nhất là ở những đảng viên ở vị trí có quyền lực.

Công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương trong những năm qua. Không chỉ chủ trương mà nhiều lần đã tổ chức thực hiện nghiêm túc nhưng vẫn phải tiếp tục quyết liệt thực hiện bởi tình trạng suy thoái, tham nhũng đang ngày càng tinh vi, biến tướng.

Một số lãnh đạo các cấp đã dính vào tham nhũng, dính vào “lợi ích nhóm”, trót “nhúng chàm”, nói không đi đôi với làm, không trung thực, yếu kém, không gương mẫu về đạo đức lối sống có những dấu hiệu tha hóa mà Đảng đã chỉ ra qua 27 biểu hiện suy thoái.

Những người lãnh đạo như vậy chẳng những không nêu gương tốt mà chắc chắn sẽ còn làm những việc xấu, tiếp tục làm mất niềm tin của dân với Đảng. Đảng đã thấy và đang có những "liều thuốc đặc trị" chữa "căn bệnh nghiêm trọng" này. 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  VI của Đảng tháng 12/1986.

Không thể phủ nhận, trong những nhiệm kỳ qua, Đảng đã xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách giải pháp liên quan tới các vấn đề quan trọng, cấp bách đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay.

Các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương khoá XI, XII  như nghị quyết 5 về "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; nghị quyết 6 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả “, nghị quyết 7 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” và nhất là nghị quyết 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn suy thoái.

Các nghị quyết này ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương,... đã tạo sinh khí và sức mạnh mới trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thực hiện các nhiệm vụ chính trị mang tầm chiến lược tổng thể cũng như ngăn chặn sự suy thoái trong từng cán bộ, đảng viên.

Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm tích cực từ nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây, nhất là từ sau Đại hội XII càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt và đã bắt đầu thấy những chuyển biến cụ thể, rõ rệt.

Các vụ đại án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh, sĩ quan công an, quân đội; cán bộ đương chức và cả cán bộ đã nghỉ hưu.

Tính từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật kể cả đã nghỉ hưu, nhiều trường hợp bị xử lý trước pháp luật. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, các cấp, các đoàn thể đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội.

Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng tiếp tục lan toả rộng khắp trên cả nước.”

dai-hoi-12

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tháng 1/2016.

Trong suốt 89 năm qua từ khi Đảng được sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu đã dẫn dắt dân tộc chiến thắng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, đạt được nhiều kỳ tích cho đất nước Việt Nam xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Trong quá trình đó, Đảng ta đã rút ra được bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

Chỉ có gắn bó máu thịt với nhân dân thì Đảng mới vững mạnh, đất nước mới phát triển.

Trong thời đại mới, công tác xây dựng Đảng còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh với chính trong mỗi người cán bộ đảng viên. Vì cuộc chiến với chính bản thân mới là cuộc chiến  khó khăn nhất để chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân...

Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh xứng đáng với truyền thống Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.