Học tập Bác, lão nông làm giống lúa vì cộng đồng

VOH - Ông Hoa Sĩ Hiền sinh năm 1969, ở xã Tân An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, được nhiều người trân quý gọi là “Nhà khoa học chân đất”.

Suốt hơn 20 năm qua, ông đã mày mò nghiên cứu, lai tạo thành công hơn 70 giống lúa. Đáng nói, việc nghiên cứu này ông chỉ hướng đến mục đích phục vụ cộng đồng, cung cấp nguồn lúa giống miễn phí, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu cho bà con nông dân.

*VOH: Cơ duyên nào để ông gắn bó với việc làm giống lúa?

Ông Hoa Sĩ Hiền: Từ thập niên 90 tới những năm đầu 2000, lúa giống rất hiếm và đắt đỏ. Hơn nữa, nguồn giống của Việt Nam không phong phú. Nếu muốn đổi giống mới, nông dân phải đi rất xa, hoặc qua các tỉnh khác để mua, xin chia lại.

Năm 2004, tôi được học lớp ngắn hạn “Xã hội quá giống lúa cộng đồng”, tôi tự mày mò nghiên cứu, tạo ra nhiều giống. Năm 2006, tôi gửi bộ giống đầu tiên lại tạo thành công cho Trung tâm Khuyến nông để làm khảo nghiệm. Bộ giống đầu tiên được Trung tâm Khuyến nông đặt tên là TC có nghĩa là Tân Châu. Những giống thành công được mang tên từ TC1 cho đến TC30. Có các giống khá thành công là TC2, TC3, TC6.

Riêng giống TC 7 được Viện Nghiên cứu - Đại học Cần Thơ phát hiện có khả năng chịu mặn được nên tôi đem về bồi dưỡng thêm để phục vụ cho điều kiện biến đổi khí hậu cũng như cho các tỉnh ven biển bị xâm nhập mặn.

Học tập Bác, lão nông làm giống lúa vì cộng đồng 1
Ông Hoa Sĩ Hiền (áo xanh) hướng dẫn sinh viên trường Đại học An Giang lai tạo giống lúa - Ảnh: Tuyết Nhung

*VOH: Ông nhận được sự hỗ trợ từ phía gia đình hoặc địa phương như thế nào?

Ông Hoa Sĩ Hiền: Chính quyền địa phương động viên tinh thần là chính. Về phía gia đình, tôi lại không được ủng hộ nhiều, nhưng những phản ứng này là hợp lý. Bởi vì, đâu mấy ai chịu dấn thân vào con đường mà mình biết rằng lời ít và lỗ nhiều.

Tôi vì lòng đam mê, kiên trì, nghĩ đến lợi ích chung của nông nghiệp nước nhà mà dấn thân. Lỡ có thất bại thì chỉ thiệt hại có mình tôi, còn nếu thành công thì mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.

Năm xưa, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu, Bác không màng lợi ích của bản thân, chỉ đi vì nhận định được đây là con đường đúng.

*VOH: Ông nghĩ sao về ngành giống nói chung, ngành giống lúa nói riêng tại Việt Nam ?

Ông Hoa Sĩ Hiền: Hiện nay, tình hình giống lúa trồng ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, tuy phong phú đa dạng, nhưng chưa thể sánh kịp với diễn biến của điều kiện tự nhiên. Khi nào còn sản xuất thì ngày đó phải còn nghiên cứu tạo giống. Quá trình tạo giống phải gắn liền với quá trình sản xuất.

Thật ra, không có giống lúa nào thuần chủng vĩnh viễn. Cho nên đòi hỏi công tác nghiên cứu tạo giống phải thường xuyên liên tục.

Tôi có một đề xuất, cần có cơ chế để các nhà khoa học có thể nghiên cứu thường xuyên để tạo được nguồn giống vật nuôi, cây trồng đa dạng, phong phú hơn, khả dĩ đáp ứng điều kiện biến đổi khí hậu, nhu cầu thực tế của các nông hộ, bà con nông dân có được giống vật nuôi cây trồng thích ứng kịp thời.

*VOH: Cám ơn ông!