Chờ...

Hội thi điển hình "Dân vận khéo": Học lòng yêu thương từ người trong chuyện

(VOH) - Ngày 15/10/1949, Bác Hồ đã viết bài báo “Dân vận” chỉ rõ , “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Gặp Thu Trang đang tất bật chuẩn bị "chạy" chương trình biểu diễn báo cáo tại lễ kỷ niệm ngày truyền thống Dân vận do Thành ủy TPHCM tổ chức, Trang cho biết, không ngờ đoàn của quận mình lại đạt giải cao.

Đây là năm thứ 2 hội thi kể chuyện điển hình “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Thành ủy tổ chức nhưng được coi như lần đầu tổ chức cấp toàn TP vì năm 2016 chỉ tổ chức cấp cụm liên quận.

hội thi dân vận khéo của TPHCM voh.com.vn

Tiết mục dự thi của  Quận Bình Thạnh tại hội thi kể chuyện điển hình “ Dân vận khéo”.

Xuất thân từ cán bộ hội phụ nữ rồi làm phó bí thư đảng ủy phường, Trang mới chuyển về làm Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh hơn 2 tháng nay.

“Khi được chọn làm thí sinh dự hội thi, chủ tịch Liên đoàn Lao động và Trưởng Ban dân vận quận động viên, giúp đỡ nhiều lắm! ”, Trang nhớ lại.

Bài kể chuyện của Trang về gương điển hình khéo trong dân vận: “Nữ bảo vệ dân phố Lê Kim Chung” ở khu phố 6, phường 3, Quận Bình Thạnh. Đây là một khu phố khá phức tạp, đông dân cư lao động và còn tệ nạn ma túy, HIV. Dù nghỉ hưu nhưng cô Chung vẫn tham gia công tác địa phương, tham gia phong trào đoàn thể và làm nữ bảo vệ dân phố hiếm hoi.

Khi được hỏi xuất phát từ đâu mà Trang chọn tấm gương cô Lê Kim Chung cho bài kể chuyện của mình, Trang cho biết, mình gặp cô Chung khi gặp cô tổ chức trao gạo, bánh trung thu cho người bị nhiễm HIV dưới cơn mưa tầm tã.

“Cô Chung có thể để quà ở phường và người nhận tự lên lấy nhưng cô vẫn làm điều đó một cách vui vẻ, tự nguyện, không để lấy thành tích hay ghi điểm thi đua gì cả”, Trang cho biết.

Đây cũng là câu trả lời của Trang trong phần vấn đáp từ Ban Giám khảo: “Trong câu chuyện kể cô Lê Kim Chung, tại sao cô có nhiều điểm tốt mà em chỉ học được một điều là yêu thương con người và mọi hoạt động phải dựa vào dân?”.

Theo Trang việc làm của cô Chung thầm lặng, phần quà không lớn nhưng cái được lớn nhất chính là lòng thương dân của người cán bộ dân vận. Ngược lại, khi người cán bộ dân vận làm điều gì cũng dựa vào dân, biết lắng nghe dân thì cũng được người dân thương yêu lại. Từ đó, người cán bộ dân vận nói dân mới tin, mới nghe theo.

Theo ông Lương Nguyễn Quốc Hải, Phó Ban Dân vận quận ủy Bình Thạnh, gần 100 thí sinh trong đoàn đều là ca sĩ, diễn viên quần chúng đủ lứa tuổi từ các phường, đoàn thể trong quận. Sau vòng thi cấp cụm, Đoàn đạt giải nhì. Sau đó đoàn được củng cố, điều chỉnh, tập dợt liên tục để đi đến kết quả cao nhất trong vòng chung kết.

Phần dự thi đầu tiên là hai bài hát, múa minh họa “Việt Nam Gấm Hoa” và “Giữ trọn lời thề” - 2 nhạc phẩm truyền thống ca ngợi đất nước, con người Việt Nam, qua những hoàn cảnh lịch sử đó, lực lựợng vũ trang đã “giữ trọn lời thề” gìn giữ đất nước, bảo vệ vững chắc tổ quốc và khi đất nước hòa bình thì hình ảnh người cán bộ dân vận tham gia phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh trật tự, bình yên cho thôn xóm. Đó là hình ảnh người cán bộ  Dân vận khéo mà Thu Trang đã minh họa qua điển hình cô Lê Kim Chung.

Trần Thị Thu Trang đang dự thi tiết mục kể chuyện gương điển hình " Dân vận khéo" voh.com.vn

Trần Thị Thu Trang đang dự thi tiết mục kể chuyện gương điển hình " Dân vận khéo"

Không xuất phát từ hoạt động Đoàn hay văn nghệ nhưng Trang có thành tích đáng “nể” trong các cuộc thi của Quận, Thành phố như: giải nhất 2 cuộc thi tìm hiểu về lịch sử quận Bình Thạnh nhân kỷ niệm 30, 35 năm thành lập quận, giải nhất cuộc thi thuyết trình chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi năm 2009 của TP.

Năm nay, giải nhất hội thi kể chuyện “Dân vận khéo” càng "kéo dài" bảng thành tích của nữ phó chủ tịch Liên Đoàn Lao động quận Bình Thạnh. 

Khi được hỏi đã rút được kinh nghiệm gì qua lần thi kể chuyện này, Thu Trang cho biết, đó là học từ cách dẫn chuyện từ đoàn quận 1, diễn đạt từ ngữ từ đoàn quận 5 và học nhiều về hình thức kể chuyện từ hội thi vì “ai kể cũng hay, giúp bản thân Trang tự tin hơn trong giao tiếp, quan hệ với mọi người". Trang học được phong cách của người cán bộ Dân vận, gần dân, sát dân, học mọi điều từ dân.

Hội thi đã huy động được lực lượng của hệ thống Dân vận, đoàn thể địa phương. Những nhân vật trong các câu chuyện kể được động viên sẽ tích cực hơn, gương mẫu hơn. Chắc chắn qua hội thi, con số các gương điển hình Dân vận khéo sẽ được nhân rộng, đóng góp cho đội ngũ cán bộ dân vận của TPHCM.

Năm 2016, hội thi chỉ tổ chức ở cấp cụm. Năm 2017 cuộc thi được mở rộng ở cấp toàn TP.

Với 4 cụm thi, mỗi cụm từ 5-7 quận, huyện tham dự, chọn 2 đơn vị nhất, nhì để thi tiếp vòng chung kết cấp thành phố. Mỗi đơn vị dự thi ở các phần thi: Kể chuyện có minh họa, phần văn nghệ (ít nhất 2 bài, không quá 12 phút) và trả lời vấn đáp của thí sinh kể chuyện.

Các thí sinh phải là cán bộ, công,viên chức trong hệ thống Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội từ quận huyện, phường xã…