"Làm thế nào để hạn chế tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức"

(VOH) - Nếu thời điểm nào đó chủ nghĩa cá nhân vượt lên trên mình thì lúc đó cán bộ, đảng viên có thể sa vào tiêu cực, tham nhũng.

Sáng 30/6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu ở các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Hội nghị nhằm đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Nhân dịp này, PV Kim Ngân có cuộc trao đổi với ông Lê Công Đồng – Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về những giải pháp để góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực

* VOH: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc tổng kết việc thực hiện công tác phòng chống, tham nhũng, tiêu cực trong hành trình 10 năm đã qua mà Bộ Chính trị đã đề ra?

Ông Lê Công Đồng: Lịch sử xã hội loài người khi có giai cấp đã có tham nhũng. Lòng tham, ý thức muốn chiếm hữu tồn tại xuyên suốt trong lịch sử xã hội loài người cho đến hôm nay. Vì thế, việc chống tham nhũng là công việc của loài người trong suốt chiều dài lịch sử. Ngay cả đất nước ta trong kháng chiến, khi tất cả mọi người có một khát vọng duy nhất là giành độc lập dân tộc vẫn có những vụ án hết sức đau lòng mà Đảng ta đã kiên quyết chống. Đặc biệt trong 36 năm đổi mới vừa qua, vấn đề tham nhũng lại nổi lên như một tiêu điểm nhức nhối. Cùng với những thành quả của công cuộc đổi mới được Đảng ta đánh giá là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, cũng bị tham nhũng làm vơi đi hào quang. Có một điểm hết sức đáng quan tâm đó là cùng với những bước ngoặt trong công cuộc đổi mới của Đảng ta thì xuất hiện những vụ án tham nhũng, chặng đường sau cao hơn chặng đường trước. Trong những năm gần đây, tình hình tham nhũng lại càng cho chúng ta hồi chuông báo động. Niềm tin của Nhân dân, uy tín của Đảng trong lãnh đạo công cuộc đổi mới đòi hỏi chúng ta phải tập trung và quyết liệt hơn nữa trong việc chống tham nhũng. Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa diễn ra là một cột mốc để đánh giá và nhìn lại những kết quả bước đầu mà chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng. Những con số Hội nghị báo cáo khơi lên trong chúng ta sự nhức nhối. Tại sao, kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện, thu nhập của cán bộ, viên chức không còn khó khăn như xưa nhưng tham nhũng vẫn còn, mức độ nghiêm trọng hơn? Do đó, cần phải có một quyết tâm chính trị lớn trong toàn Đảng, toàn dân để chúng ta tiếp tục cùng với Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Làm sao để cán bộ, công chức, viên chức “không cần tham nhũng”? 1
Ông Lê Công Đồng – Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

* VOH: Trong 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Bộ Chính trị nhận định những kết quả đã đạt được trên 5 nhóm vấn đề lớn đó là: Công tác kiểm tra, giám sát; Công tác điều tra, truy tố, xét xử; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; Công tác cán bộ, cải cách hành chính; và cuối cùng là Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục. Trong đó, nhóm công tác nào ông quan tâm nhất, thưa ông?

Ông Lê Công Đồng: Cả 5 mặt đó nếu chúng ta thực hiện đầy đủ, kiên trì, quyết liệt thì chắc chắn tình trạng tham nhũng sẽ được kéo giảm. Tuy nhiên, vốn dĩ tham nhũng tồn tại cùng cơ chế của xã hội có giai cấp và nền kinh tế thị trường của chúng ta mặc dù định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng phân hóa thu nhập giàu nghèo, các giai tầng trong xã hội thì khả năng tham nhũng vẫn tồn tại. Trong suy nghĩ của tôi, tất cả mọi người nếu như được phân công có chức vụ, có quyền hạn và có điều kiện đều có thể nảy sinh ra tham nhũng, tiêu cực cho dù đó là cán bộ, đảng viên hay một người bình thường nhưng thiếu tu dưỡng đạo đức, lối sống thì đều có thể vướng vào tham nhũng. Đến giờ này, những người tham nhũng vẫn còn có điều kiện để tham nhũng, vẫn còn có mong muốn để tham nhũng, vẫn còn có những kẻ hở để tham nhũng vì thế chúng ta phải làm sao để cán bộ không muốn tham nhũng, không thèm tham nhũng, không thể tham nhũng và không cần tham nhũng.

* VOH: Với những quan tâm đó, xin ông chia sẻ một số giải pháp để có thể duy trì hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong thời gian qua và phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Ông Lê Công Đồng: Chúng ta có thể bằng những quyết tâm chính trị, hoàn thiện thể chế pháp luật, có Nghị quyết của Đảng, thực hiện mạnh giáo dục tư tưởng, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, phải xử lí thật nghiêm cán bộ tiêu cực, tham nhũng. Nhưng với tôi, có 2 mặt song hành cần làm để đạt được điều này. Đầu tiên, bản thân đảng viên, cán bộ phải luôn tự giác, tự rèn luyện, tu dưỡng, với ý thức mình là công bộc của dân, và phải ghi nhớ, đã chấp nhận đi theo Đảng là chấp nhận hi sinh, đặt lợi ích Đảng, dân tộc, Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Nếu thời điểm nào đó chủ nghĩa cá nhân vượt lên trên mình thì lúc đó cán bộ, đảng viên có thể sa vào tiêu cực, tham nhũng. Vì thế, đây vẫn là việc mà toàn Đảng, trong đó Tổ chức Đảng cơ sở cần luôn quan tâm, giám sát, rèn luyện, giáo dục cho Đảng viên.

Vấn đề thứ 2 mà toàn xã hội phải quan tâm, động viên đó chính là làm sao để cán bộ có thu nhập tốt, tốt để không tham nhũng thì cần bàn đến trước hết là tiền lương. Tiền lương của chúng ta hiện nay vẫn chưa đủ đảm bảo mức sống tốt cho cán bộ, đảng viên. Do đó, quan tâm đến cải cách thu nhập từ tiền lương là vấn đề cấp thiết, cần giải quyết quyết liệt. Thậm chí, trong giai đoạn hiện nay, tôi thấy rằng người về hưu phải được hưởng cơ chế bảo hiểm xã hội như thế nào cho lương hưu của họ cao tương thích với công lao đóng góp trong cuộc đời làm việc của họ.

Khoản thứ 2 để đảm bảo cho cán bộ, viên chức có thu nhập tốt là phúc lợi. Mặc dù chúng ta nói quan tâm đến phúc lợi nhưng tính công bằng, quan tâm đồng bộ vẫn chưa thỏa đáng. Hiện nay những điểm sáng mà Đảng và Nhà nước đã làm được cần nhân rộng và chăm lo một cách đồng bộ hơn cho tất cả các đối tượng trong các khu vực; giống như việc chúng ta đã làm được trong việc tăng phụ cấp cho lực lượng vũ trang, tăng phụ cấp bằng chế độ dưỡng liêm cho cán bộ trong khối nội chính, như TP.HCM trong những năm gần đây Quốc hội đã đồng ý và phần thu nhập tăng thêm là khoản động viên, kích thích không nhỏ với cán bộ, viên chức nhưng vẫn chưa bao quát được trong tất cả các khu vực.

Khoản thứ 3 mà chúng ta phải tính từ cơ chế chính sách là “thưởng”. Thưởng chính là cơ chế để người ta xả thân, cống hiến và để người ta không suy bì khi đã có những cống hiến cho đất nước, xã hội. Trong khi hiện nay, cơ chế để thưởng chưa tương thích, thậm chí có sự hiểu lầm. Tôi cho rằng nếu quan tâm thỏa đáng về thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động để họ có mức sống tốt không chỉ trong lúc đang lao động mà ngay cả khi về hưu thì sẽ không có những trường hợp “hi sinh đời bố củng cố đời con”, không có trường hợp “tiêu cực một chút để có cái dưỡng già”.

* VOH: Tham nhũng, tiêu cực không chỉ có những vấn đề lớn mà còn có một khái niệm khác là “tham nhũng vặt”, vậy giải pháp nào để giải quyết vấn đề “tham nhũng vặt” này?

Ông Lê Công Đồng: Từ cơ sở thu nhập tốt thì họ không tham nhũng, không tiêu cực. Do đó, để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao thì phải quan tâm ngay từ cơ sở, phải lên án hành vi, hoạt động gọi là “tham nhũng vặt”, tiêu cực. Nó phải bắt đầu từ những hành vi hết sức nhỏ là tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công.  Điều này, mỗi cán bộ, viên chức ở cơ sở đều phải được rèn luyện, giáo dục, cảnh tỉnh thì từ đó chúng ta sẽ góp phần tạo kết quả chung cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

* VOH: Xin cảm ơn ông.