Sáng 28/1, Bộ Tư lệnh thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội thảo khoa học “Lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Có gần 70 tham luận được giới thiệu tại hội thảo, phân tích làm rõ, khẳng định tầm vóc to lớn, ý nghĩa quan trọng, sự mưu trí, quả cảm của lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trình bày tham luận
Tham gia ý kiến, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải khẳng định: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công năm 1968 là thắng lợi của đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thắng lợi của sức mạnh lòng dân, lòng yêu nước nồng nàn, sự quả cảm anh dũng, trí thông minh của quân và dân ta trên cả hai miền Nam – Bắc, đó là truyền thống đánh giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ra đời từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kết thúc nhiệm vụ trong mùa xuân 1975, lực lượng Biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã thực hiện một cuộc hành trình cùng thành phố 30 năm đánh giặc cứu nước. Đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động đã đồng loạt tấn công nhiều mục tiêu trọng yếu tại Sài Gòn, góp phần lập nên chiến thắng to lớn của quân và dân miền Nam, tạo bước ngoặc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động, ông Nguyễn Quốc Độ khẳng định với lòng quả cảm, vào trận với tâm thế sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành chiến thắng, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Biệt động Sài Gòn – Gia Định đã ghi dấu son chói lọi vào trang sử vàng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt trong Mậu Thân 1968 bi hùng, cùng quân dân Sài Gòn – Gia Định nói riêng, miền Nam nói chung đưa cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi vẻ vang.
Tuy nhiên, trong cuộc Tổng tiến công năm ấy, vẫn còn những vấn đề mà chúng ta cần nhìn nhận, rút kinh nghiệm. Việc chăm lo chế độ chính sách phải thực hiện tốt hơn nữa, còn quá nhiều các chiến sĩ chưa tìm được hài cốt; trong quá trình chiến đấu, vấn đề thông tin liên lạc, hiệp đồng tác chiến cũng phải được quan tâm đặc biệt.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư đúc kết rằng lịch sử đất nước và thành phố mãi mãi ghi công các chiến sĩ biệt động, sự hy sinh của các anh đã góp phần làm nên chiến thắng vô giá của cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Chiến công và những bài học tác chiến của biệt động Sài Gòn sẽ còn mãi với thời gian, còn mãi với giá trị lực lượng vũ trang và nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam – Xã hội chủ nghĩa.
“Chúng ta cần có nhiều tập hợp nữa, tổng kết sâu hơn nữa về sự kiện Mậu Thân gắn với sự trưởng thành và đóng góp của Biệt động Sài Gòn. Có thể nói đây là những chiến sĩ không có quân hàm, không có số hiệu, không có tổ chức hậu cần của quân đội để nuôi; mà đây là lực lượng chiến đấu tự nuôi mình, đồng bào nuôi và có sự lãnh đạo của Đảng bộ, của Khu ủy, của Bộ Chỉ huy; Và qua đó, chúng ta thấy rằng về chính sách đã làm được nhiều, nhưng có lẽ phải làm nhiều thêm nữa. Chúng tôi sẽ bàn với thường vụ Thành ủy, từ đây và những năm tới chúng ta phải làm gì để gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng này và tri ân ngày càng đầy đủ hơn”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã có những ghi nhận, chỉ đạo tại buổi hội thảo.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo.
Tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một mắt xích quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chúng ta mãi tự hào những chiến công hùng vĩ, tài tình của quân và dân cả nước, mãi mãi biết ơn những chiến sĩ cách mạng với niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng giải phóng toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.