Chờ...

Người thương binh thầm lặng vớt rác kênh Chiến Lược

(VOH) - Với chiếc gậy gắn vợt sắt trên đầu, người thương binh hạng 4/4 thoăn thoắt vớt lên bờ từng chiếc chai nhựa, bọc nilon, giẻ rách, xác động vật chết... trôi lềnh bềnh trên dòng Kênh Chiến Lược.

Dòng Kênh Chiến Lược đen ngòm và đặc quánh rác thải mà ai đi ngang qua đây cũng phải lấy tay bịt mũi vì không chịu nổi mùi hôi thối.

Chúng tôi đến đây vào một buổi sáng đầu hè, dưới cái nắng chói chang. Lúc này, ông Nguyễn Ngọc Đức, Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, thương binh hạng 4/4 vừa vớt xong một xe rác, mồ hôi nhễ nhại, quần áo lấm lem bùn đất. Thùng chứa rác của ông được gắn với chiếc xe máy cũ mèm, cùng với vợt, bàn cào đi dọc bờ kênh vớt rác. Ít thì cũng phải đầy một xe, nhiều thì 2-3 xe rác. Tính ra mỗi tháng, hơn 10 tấn rác từ Kênh Chiến Lược được ông dọn sạch, cho biết: "Tôi vớt rác ở con Kênh Chiến lược vì tôi thấy nó dơ bẩn quá nên tôi tự nguyện vớt. Ban đầu người dân họ cũng mất ý thức lắm, nhưng sau một thời gian tôi làm ở con kênh tôi động viên và nhắc nhở bà con thì đến nay họ cũng có ý thức hơn, không còn xả rác dưới dòng kênh nữa. Lúc đầu, tôi cũng lủi thủi tôi làm hoài, có nhiều người nói với nhau sao cái ông đó ổng làm gì mà cứ làm không công hoài vậy. Thậm chí khi tôi đang làm mà có người đi ngang qua còn quăng rác xuống nữa".

Ông Nguyễn Ngọc Đức vớt rác tại kênh Chiến Lược

Ông Nguyễn Ngọc Đức vớt rác tại kênh Chiến Lược. Ảnh: SGGP

Bà Phạm Thị Hạnh, người dân ở đây cho biết: Từ ngày có ông Đức dọn rác, dòng Kênh Chiến Lược đã thực sự được hồi sinh, lột xác thay vì con kênh nổi tiếng với dòng nước đen ngòm đầy rác, cỏ mọc um tùm: "Tôi là người dân sống và buôn bán ở đây. Ông Tư ổng vớt rác ở kênh này. Ngày nào ông cũng vớt hết, nhưng sáng vớt thì chiều lại có đầy rác. Ngày ông vớt mấy xe rác, với lại con kênh này có mùi hôi, khó chịu lắm. Nhưng ông Tư ông tích cực đi vớt nên mọi người thương ông lắm. Nhờ có chú Tư vớt mà mọi người ở đây sống khỏe và đỡ là không có muỗi, chứ ông Tư mà không vớt thì đêm mình vuốt cái là cả đống muỗi luôn".

Ông Nguyễn Ngọc Đức kể, khoảng năm 2014, Kênh Chiến Lược nơi ông ở bị ô nhiễm nặng vì chứa tất cả nước thải của người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Rác dày đặc dưới kênh, bốc mùi hôi thối, lại có rất nhiều muỗi, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, đời sống của người dân. Ông làm đơn xin phường để được dọn dẹp rác thải, cây cối mọc hoang quanh dòng kênh. Trong hai tháng đầu tiên khi bắt đầu công việc, người cựu thương binh này phải mất hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày lặn ngụp trong dòng nước đen ngòm, chặt phá cây cối và cào vớt những túi rác nằm sâu dưới đáy kênh từ nhiều năm qua. Sau một năm, kênh Chiếc Lược trở nên sạch sẽ, rác thải cũng giảm đi, Ủy ban Nhân dân phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân thấy vậy nên vận động ông tiếp tục dọn rác dọc tuyến kênh thuộc địa bàn phường: "Dưới lòng kênh rác đọng rất nhiều. Tôi đã làm ở đây nhiều năm rồi. Tôi chỉ muốn người dân không chỉ ở đây mà cả thành phố này hiểu được tác hại của môi trường bây giờ là như thế nào để họ có ý thức hơn để bảo vệ cho không chỉ bản thân của mình ngày hôm nay mà cho con cháu sau này nữa".

Dưới dòng kênh này có hàng trăm loại rác, kể cả chăn nệm, ghế gỗ, ống tiêm, phải vất vả lắm ông mới kéo được chúng lên bờ. Khi hỏi đến bản thân mình, ông chỉ cười hiền: kênh này hôi lắm, nhưng làm riết rồi cũng quen. Với ông đã làm là phải gọn sạch, thường xuyên chứ không một sớm một chiều rồi bỏ ngang. Bộ đội cụ Hồ mà, khi thấy việc gì có ích cho dân, cho nước là tự giác làm thôi.

Năm 1978, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông Đức khi đó là nông dân đã tự làm đơn xin nhập ngũ tại Sư đoàn 309, Quân khu 5. Trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt tại chiến trường Campuchia. Sau năm năm trong quân ngũ, ông trở về gia đình với nhiều vết thương. Những vết sẹo ở đầu, má, bả vai, cánh tay do đạn bom để lại thỉnh thoảng vẫn hành ông đau nhức. Nhắc đến việc làm của ông Đức, ông Huỳnh Văn Sinh – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bình trị Đông, cũng là người đồng đội năm xưa cho hay: "Hàng ngày ông Đức làm 2, 3 chuyến tập kết xuống dưới. Con kênh này ô nhiễm dữ lắm, trong lúc làm thì việc bị kim tiêm, mảnh chai đâm vào là không tránh khỏi. Nhưng do được tôi luyện trong quân đội nên học tập ở Bác tính giác ngộ cao, ông rất nhiệt tình. Trong chiến đấu ở chiến trường Campuchia năm 1979, đồng chí 2 lần bị thương nhưng vẫn xin được ở lại tiếp tục chiến đấu và hiện đồng chí là thương binh 4/4".

Ở vào cái tuổi xế chiều, vợ ông cũng qua đời mấy năm nay. Lúc rảnh rỗi ông lại giúp con sắp xếp lại cửa hàng tạp hóa. Còn lại toàn bộ thời gian trong ngày, ông chuyên tâm cho việc vớt rác tình nguyện với hy vọng làm sống lại dòng kênh đang ngấp ngoải. Ông Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận Bình Tân, nhận xét: "Với một đồng chí thương binh rất tâm huyết  với việc bảo vệ môi trường trên địa bàn của phường. Chú đã không ngại khó khăn, gian khổ để đi vớt rác trên dòng kênh Chiến Lược trên địa bàn phường Bình Trị Đông. Chúng tôi thấy đây là một nghĩa cử rất xúc động và tạo sự lan tỏa tốt trong cộng đồng về ý thức chăm lo bảo vệ môi trường. Từ tấm gương của chú Đức quận Bình Tân cũng tiếp tục thực hiện chỉ thị 05 để làm sao phát hiện và nhân rộng ngày càng nhiều hơn nữa tấm gương điển hình học tập và làm theo tấm gương cu Bác như trường hợp của chú Đức ở phường Bình Trị Đông".

Nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây đọc lại từng câu, từng chữ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn kiện lịch sử vô giá như vẫn còn ấm hơi Người; như viết về bao việc cấp bách mà toàn Đảng, toàn dân ta đang làm. Những điều căn dặn ấy thật thiêng liêng, có ý nghĩa hết sức sâu sắc, thôi thúc chúng ta sống và làm việc tốt hơn. Như việc làm của ông Nguyễn Ngọc Đức - tiếng lành đồn xa, người dân sống dọc Kênh Chiến Lược ai cũng biết và yêu quý người cựu chiến binh cần mẫn. Với sự nỗ lực âm thầm cống hiến, ông đã nhận được nhiều giấy khen từ quận và phường. Đặc biệt, vào năm 2018, ông vinh dự được thành phố tặng bằng khen tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”. Mới đây được quận Bình Tân biểu dương là cá nhân điển hình thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.