Những tác phẩm lan tỏa tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh

(VOH) - Những lời Bác dặn, những việc Bác làm cùng phong cách bình dị của Người luôn có sức lay động rất lớn đến thế hệ những văn nghệ sĩ của thành phố mang tên Bác trong hành trình sáng tạo.

“Sáng tác về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì chúng ta không chỉ sáng tác về đề tài Bác Hồ mà còn phải sáng tác cả những tấm gương điển hình, những con người lao động giản dị trong đời thường như học sinh, công nhân, chiến sĩ,.. tôn vinh những điều tốt trong xã hội cũng là cách mà chúng ta học tập và làm theo tấm gương của Bác”.

Chia sẻ của họa sĩ Hồ Minh Quân vừa rồi cũng chính là điều mà các văn nghệ sĩ TPHCM hôm nay đã và đang thấm nhuần để sáng tác nhiều tác phẩm mang tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác.

Chúng ta có thể cảm nhận điều ấy qua bộ ảnh “Người thầm lặng 30 năm vớt rác trên dòng kênh đen” của nghệ sĩ nhiếp ảnh An Dung, một bộ ảnh với những khoảnh khắc chân thực về chân dung ông Phạm Văn Tân - người đã tự nguyện vớt rác trên kênh cầu Mé ở quận 11 (TPHCM) trong suốt hơn 30 năm.

Những tác phẩm lan tỏa tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: dangcongsan

Từ sự cảm phục, An Dung kiên trì thực hiện phóng sự ảnh này với mong muốn cho mọi người biết đến và học tập một tấm gương biết sống vì mọi người theo tư tưởng của Bác.

“Tôi thực hiện phóng sự ảnh từ khi còn là phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng vào năm 2011. Chú Bảy Tân là một người sống rất bình dị, làm việc vì mọi người, thầm lặng làm việc vì mọi người mà không có tính toán gì. Trong hơn 30 năm, bằng những dụng cụ tự chế ra như móc sắt, cuốc,... ông cứ vớt rác rồi đốt, giúp cho dòng kênh thông thoáng và đỡ bị ngập lụt hơn vào mỗi mùa mưa. Phóng sự ảnh này tôi đã thực hiện và đăng báo với một sự cảm phục và muốn cho nhiều người biết đến và học tập theo tấm gương sống vì mọi người như chú Bảy Tân. Đó cũng là việc làm thiết thực của mỗi người dân Thành phố và giới nhiếp ảnh chúng tôi", nghệ sĩ nhiếp ảnh An Dung chia sẻ.

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ được đông đảo các cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân ở những tỉnh, thành phố lớn hưởng ứng mà ngay cả ở những vùng dân tộc thiểu số, đồng bào và văn nghệ sĩ các dân tộc cũng đã hưởng ứng và tham gia tích cực. Điều đó đã được Tiến sĩ Phú Văn Hẳn thuộc Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM minh chứng qua tập sách “Người Chăm với Bác Hồ” với thông điệp về tư tưởng đại đoàn kết các dân tộc của Bác, chất chứa những tình cảm yêu thương và sự quan tâm của Bác đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. 

“Người Chăm với Bác Hồ” là chủ đề mà chúng tôi mong muốn có một tập hợp những bài viết, những câu chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ gắn với đồng bào các dân tộc, gắn với vùng đồng bào Chăm; những bài viết phản ánh phong trào thi đua học tập, vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong cuộc sống, những tấm gương trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở vùng đồng bào Chăm. Chúng tôi thực hiện tác phẩm “Người Chăm với Bác Hồ” nhằm phát huy cao độ tấm gương của Bác Hồ, để mỗi người Chăm đều có thể vận dụng vào công tác, học tập, sinh hoạt hàng ngày, góp phần xây dựng đất nước vững mạnh", Tiến sĩ Phú Văn Hẳn chia sẻ.

Chủ đề “Học tập và làm theo Bác” trong thời gian qua còn được các văn nghệ sĩ thành phố khắc họa sinh động qua những tác phẩm đa dạng về đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang, đề tài về biển đảo quê hương. Thông qua các hình thức nghệ thuật đa dạng như văn thơ, tranh ảnh, kịch nói, âm nhạc, phim tài liệu… Thành quả đó có sự góp sức không nhỏ của những cơ quan, nhà quản lý văn hóa, văn nghệ sĩ và những người làm công tác giới thiệu, quảng bá tác phẩm. Trong thời gian qua, các đơn vị xuất bản tại TPHCM như Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, Nhà xuất bản Tổng hợp kiên trì đẩy mạnh, liên kết với các cá nhân, đơn vị khác để cho ra đời những ấn phẩm sách đa dạng.

Các cơ quan báo chí truyền thông như Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân TP cũng đã kịp thời có những chương trình, chuyên mục thiết thực gắn với chủ đề “Học tập và làm theo Bác”. Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp cho biết về công tác giới thiệu, quảng bá tác phẩm theo chủ đề này: “Trong thời gian qua, chúng ta thường nghiên cứu, tìm hiểu về Bác ở những khía cạnh và những vấn đề lớn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Cái khó là chúng ta phải làm sao để chuyển tải những vấn đề đó theo hướng “mềm” hơn để các tác phẩm có thể đi vào lòng bạn đọc và người dân một cách gần gũi và thân thiện hơn.

Để cho độc giả thực sự đi tìm các ấn phẩm thì phần đáp ứng của những người viết và những người quảng bá cần phải được đào sâu thêm để Chỉ thị của Bộ Chính trị không chỉ là nhiệm vụ mà còn trở thành nhu cầu thật sự của độc giả, của nhân dân…”.

Về phía các Hội chuyên ngành, Hội Nhiếp ảnh và Hội Mỹ thuật đã tổ chức nhiều chuyến sáng tác về nguồn và hàng loạt những triển lãm quy mô. Hội Âm nhạc Thành phố cũng ghi dấu ấn với tuyển tập 14 ca khúc mới trong đĩa CD “Người soi thấy bóng mình” gắn với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Về sức lan tỏa của chủ đề đặc biệt này, đại diện cho các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành tại Thành phố, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng và Nhạc sĩ Trần Long Ẩn nhận định: “Chúng ta vẫn luôn nghĩ rằng việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một đề tài mang tính chính trị; thế nhưng qua các trại sáng tác và triển lãm mỹ thuật những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều họa sĩ trẻ đã tham gia rất tích cực mảng đề tài này. Bản thân các họa sĩ trẻ hiện nay đã có sự kế thừa các thế hệ đi trước. Đặc biệt, tư duy sáng tạo và tư duy chính trị của các họa sĩ trẻ cũng ngày càng cao hơn so với thế hệ chúng tôi".

“Chúng tôi coi đề tài này là đề tài xuyên suốt, bám sát cuộc sống và nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra để chúng ta có những thành tựu lớn hơn nữa trong sáng tạo", nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho biết thêm.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và sẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Thành phố. Cuộc đời, nhân cách và trí tuệ của Bác sẽ mãi là niềm ngưỡng vọng và tự hào để các thế hệ văn nghệ sĩ Thành phố hôm nay thể hiện tài năng, cảm xúc và trách nhiệm của mình, của những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Hy vọng rằng khu vườn văn học nghệ thuật Thành phố mang tên Bác sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc, lan tỏa tinh thần học và làm theo Bác; góp phần tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Bình luận