Phát huy sức mạnh toàn dân tộc để tự lực tự cường xây dựng đất nước phát triển phồn vinh

(VOH) – Chỉ có phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo, quyền làm chủ thật sự của nhân dân mới có thể phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vượt qua mọi thách thức trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 46 năm nước nhà được độc lập, tự do và hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Quá trình kéo dài đó dù ở những giai đoạn cách mạng khác nhau nhưng vẫn thể hiện một cách sinh động ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc ta.

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc để tự lực tự cường xây dựng đất nước phát triển phồn vinh 1
Phát huy sức mạnh toàn dân tộc để tự lực tự cường xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: nhân tố mang tính quyết định của cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc, phải nhận thức rõ tinh thần: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhưng “phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa Nhân dân ta và Nhân dân các nước bạn, Nhân dân Pháp, Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”.

Ý chí tự lực, tự cường chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân, quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ nhà nước còn non trẻ. Ngay từ trong giai đoạn đầu của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam. Nhờ đường lối đúng đắn đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại.

Sau ngày đất nước được thống nhất, đã có khoảng thời gian đất nước gặp rất nhiều khó khăn lại tiếp tục phải đương đầu với các cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và Tây Nam. Cho đến sau Đại hội VI – năm 1986 công cuộc đổi mới được khởi xướng. Đất nước bước vào con đường phát triển, đổi mới kinh tế, đi vào nền kinh tế thị trường với sự hợp tác đa dạng, đa phương làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Những thành tựu ngày nay mà đất nước có được là kết quả của hơn 35 năm thực hiện đổi mới, tự chủ về kinh tế, thực hiện nền kinh tế thị trường và bổ sung việc phát triển theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là nền tảng quan trọng giúp chúng ta đạt được nhiều thành quả kinh tế quan trọng, củng cố niềm tin, sự quyết tâm, nỗ lực, tiếp tục thúc đẩy con đường đi lên XHCN của đất nước.

Đến nay, hơn lúc nào hết, thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc chính là động lực cho sự phát triển trong giai đoạn mới.

Đặc điểm thế giới hiện nay là diễn biến nhanh chóng của thời cuộc, nhiều vấn đề mang tính toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, vấn đề cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt, những thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh địa chính trị, tình hình thiên tai, dịch bệnh... ngày càng phức tạp.

Đứng trước những thách thức mới, nền tảng, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, có giá trị thực tiễn về một tinh thần tự lực, tự cường ý chí khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, xây dựng cuộc sống cho người dân ấm no hạnh phúc.

"Tự lực" có nghĩa là dựa vào sức lực của mình để sống và làm việc, không trông chờ, ỷ lại vào người khác, "Tự cường" có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên, không chịu thua kém người khác, dân tộc khác.

Tự lực, tự cường, tự chủ đối với một đất nước là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc gom góp lại, chứa đựng trong đó lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định.

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc để tự lực tự cường xây dựng đất nước phát triển phồn vinh 2
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XIII.  

Phát huy ý chí tự lực, tự cường, năm 1954, nhân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Năm 1975, đại thắng mùa Xuân đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trang sử chói lọi, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.

Bối cảnh quốc tế hiện nay và những xu hướng phát triển của thời đại đặt ra yêu cầu phải phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng của toàn dân tộc Việt nam cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Trong quan điểm chỉ đạo thực hiện đường lối đổi mới giai đoạn tới, Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đồng thời khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Trên tinh thần đó, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sau đại hội XIII đã được triển khai toàn khóa theo chủ để: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Nội dung cần đi vào chiều sâu, chất lượng, thiết thực, cần tập trung làm tốt ba nội dung: học tập, làm theo Bác và nêu gương.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm luôn có khát vọng vươn lên, sẵn sàng gánh vác mọi khó khăn, thử thách. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, phải thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có quan điểm, tư tưởng đúng đắn, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Ý chí tự lực, tự cường trước hết là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân; Phải nhận rõ ý chí tự lực, tự cường, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế, có tinh thần dân tộc với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; Phải chủ động, chuẩn bị mọi mặt các điều kiện của cách mạng và đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân; Phát huy tối đa nội lực dân tộc, tranh thủ ngoại lực và xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để đưa ra những quan điểm, chủ trương phù hợp, không giáo điều, máy móc trong học tập kinh nghiệm của các nước khác.

Có tự lực, tự cường thì dân mới giàu, nước mới mạnh, như Bác đã dạy, mới có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”.

Chỉ có nhân dân, sức mạnh nội lực của chúng ta mới giữ vững được an ninh, lãnh thổ, biên giới, hải đảo, chủ quyền của đất nước ta, dân tộc ta.

Phát huy tốt các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khắc phục những biểu hiện dân chủ hình thức, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ đất nước là điều kiện tiên quyết hiện nay.