Tăng cường học hỏi lẫn nhau giữa các hệ thống, hình thức giáo dục

(VOH) - Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Giáo dục - trường Đại học Sư Phạm TPHCM, góp ý Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Tôi thấy những báo cáo về thành tích phản ánh khá rõ ràng những thành tựu của TPHCM, đặc biệt ở giáo dục phổ thông như: các kỳ thi, chuẩn, thành tích về nâng cao năng lực quản lý và chất lượng giáo dục... Tuy nhiên, ở góc độ nào đó tôi nghĩ TPHCM là một thành phố lớn với rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề. Những mảng khác cần phải được trình bày một cách rõ ràng hơn để thấy được những đóng góp to lớn của giáo dục đại học đối với thành phố và những thành tựu của các trường đại học. Ngay cả những trường dưới sự quản lý của thành phố.

giáo dục

Hình minh họa

Một điểm nữa, mảng giáo dục dạy nghề cũng cần được đánh giá một cách công bằng khách quan trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TPHCM. Đây là điểm tôi nghĩ cần chú ý hơn.

Ngoài ra, nhìn lại thành tựu của giáo dục thành phố trong thời gian vừa qua. Với tư cách là người làm công tác quản lý giáo dục, tôi thấy TPHCM đã đạt một số điểm rất tốt trong tất cả các bậc học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông. Có thể thấy, những xu hướng giáo dục thế giới đã được thể hiện rất rõ trong thành tựu. Ví dụ: giáo dục dạy học tích hợp, sử dụng các mô hình sáng tạo, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Theo đề án xây dựng thay đổi giáo dục tổng thể ở Việt Nam, có thể thấy, cả hệ thống giáo dục TPHCM theo kịp, thậm chí đi đầu trong cả nước về mô hình dạy học STEM, mô hình thành phố thông minh. Tôi đánh giá cao những sự đón đầu của thành phố trong việc đưa ra hướng phát triển thành phố thông minh như thế nào, làm sao giáo dục tiệm cận với khu vực và hướng tới sự phát triển thành thành phố có nền giáo dục phát triển tốt.

Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, tôi muốn góp ý cho TPHCM một số việc sau đây. Thứ nhất, với những mô hình lớn mạnh ngày càng cao về kinh tế về văn hoá, xã hội..., TPHCM cũng nên suy nghĩ về việc phát triển mô hình quản lý giáo dục hiệu quả, sử dụng các thành tựu của công nghệ 4.0. Chúng ta có những viện như Viện Phát triển thành phố, Viện Kinh tế và những trường đại học rất mạnh ở TPHCM và ở Việt Nam. Chúng ta cũng nên suy nghĩ thêm những mô hình quản lý về giáo dục và đào tạo của TPHCM sao cho có thể so sánh được, đối sánh được với các nước trong khu vực và thế giới.

Một mảng nữa, tôi rất mong muốn TPHCM lưu ý thêm. Đó là, do chúng ta có nhiều và đa dạng những loại hình giáo dục khác nhau từ giáo dục công lập, tư thục, cũng như quốc tế. Nhưng ở góc độ nào đó, hệ thống quản lý của các hình thức giáo dục này chưa cho thấy sự giao thoa, sự học hỏi lẫn nhau giữa các hệ thống. Nếu như được, những nghiên cứu, đối sánh giữa những hệ thống giáo dục khác nhau tại TPHCM lẫn các nước trong khu vực và thế giới... là điều TPHCM cần hướng tới.     

10 điểm cần nhớ về dịch Covid-19 - Có những hiểu sai, thông tin sai lệch về dịch COVID-19 làm cho tình hình dịch bệnh thêm phức tạp. Những điểm nào cần chú ý để phòng ngừa dịch COVID-19?