Truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho ông Lữ Minh Châu

(VOH) – Ông Lữ Minh Châu từng giữ các chức vụ: Phó Trưởng Ban Tài chính đặc biệt - N2683, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Chiều ngày 16/3 tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho đồng chí Lữ Minh Châu, nguyên Phó Trưởng Ban Tài chính đặc biệt - N2683, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - nay gọi là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho người tạo nên con đường tiền tệ huyền t 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho đồng chí Lữ Minh Châu, nguyên Phó Trưởng Ban Tài chính đặc biệt - N2683, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tham dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương.

Ông Lữ Minh Châu, tên khai sinh là Lữ Triều Phú (Ba Châu), sinh ngày 29/9/1929 tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Từ tháng 8/1945, ông đã tham gia hoạt động cách mạng với nhiều cương vị khác nhau, từ công tác thanh niên ở xã Khánh Lâm đến Thư ký, Trưởng Ban Văn thư, Văn phòng Khu ủy khu 9 và phụ trách công tác tổ chức tại Văn phòng Trung ương Cục miền Nam.

Đến tháng 5/1948, khi mới 19 tuổi, ông đã chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1954, đầu năm 1955, ông tham gia Ban Liên lạc đình chiến Nam bộ, phái đoàn đại diện Bộ Tổng tư lệnh bên cạnh phân ban quốc tế tại Sài Gòn. Sau đó, ông được điều động về Ban Thống nhất của Chính phủ.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, từ năm 1958 đến năm 1960, ông Lữ Minh Châu đã được tổ chức cử đi học Đại học Kinh tế - Tài chính trong nước và từ năm 1960 đến năm 1965 học trường Đại học Tài chính - Ngân hàng tại Matxcơva, Liên Xô.

Sau khi về nước, ông Lữ Minh Châu được cử làm Phó Trưởng Ban tài chính đặc biệt, gọi tắt là N.2683 trực thuộc Trung ương cục miền Nam. Trong chiến tranh, để chi viện tài chính cho chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị đã thành lập Quỹ đặc biệt B29 ở ngoài Bắc làm nhiệm vụ tiếp nhận, “chế biến” và vận chuyển các loại ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để phối hợp với B29 ở ngoài Bắc, trong Nam cũng thành lập Ban Tài chính đặc biệt, mật danh là N.2683 mà tiền thân là B6 - một phân ban đặc biệt trong Ban Kinh tài Trung ương cục miền Nam. N2683 có nhiệm vụ tiếp nhận chi viện của Trung ương cho chiến trường miền Nam chủ yếu là đô la Mỹ từ B29 rồi sau đó “chế biến” thành tiền Việt Nam Cộng hoà và một số loại tiền khác để cung cấp cho chiến trường miền Nam…

“Năm 1970, khi đánh phá các cơ sở cách mạng miền Nam diễn ra, đồng chí Ba Châu đã cùng tập thể đơn vị bàn bạc, phối hợp với đơn vị bạn giải cứu một khối lượng tiền rất lớn và con người về căn cứ an toàn. Trước tình hình đường dây bị đứt, trước chỉ đạo bằng mọi giá phải đột nhập vào Sài Gòn nối lại đường dây, bằng sự dũng cảm, trí thông minh, cùng với nhóm tiếng Pháp và Khơ me, đồng chí đã vượt mọi hiểm nguy đột nhập vào Sài Gòn”, ông Hồ Thu, đại diện Ban Tài chính đặc biệt - N2683 kể.

Tại Lễ truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho đồng chí Lữ Minh Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá:

“Ông Lữ Minh Châu là một tấm gương sáng về sự hy sinh, đạo đức của người cán bộ Ngân hàng khi quản lý hàng triệu đô la (tiền mặt) nhưng không một chút tơ hào cho cá nhân và gia đình mà nguyện cống hiến cả tuổi thanh xuân, âm thầm hoạt động trong lòng địch với biết bao nguy hiểm cận kề để cùng các đồng chí, đồng đội tạo nên “huyền thoại con đường tiền tệ”, hoàn thành sứ mệnh chi viện tài chính cho chiến trường miền Nam”.

Với những đóng góp lớn lao cho đất nước và cho ngành Ngân hàng, ông Lữ Minh Châu đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương lao động hạng Ba, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.

Bình luận