Tư tưởng Hồ Chí Minh trong phòng chống các biểu hiện suy thoái của Đảng cầm quyền

(VOH) - Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng & Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Cán bộ TPHCM có bài viết dành cho VOH.

Cách đây 72 năm, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo ra bước ngoặt lịch sử - đập tan ách thống trị 87 năm của thực dân Pháp (1858 – 1945); sự đô hộ hà khắc trong 5 năm của quân phiệt Nhật (1940 – 1945) và chế độ phong kiến hàng nghìn năm ở nước ta.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam- kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đem lại thành quả to lớn là lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta.

Ngay sau khi cách mạng thắng lợi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành đảng cầm quyền. Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử giữa thủ đô Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, khai sinh ra Nhà nước cách mạng đầu tiên ở nước ta. Kể từ đây, không chỉ là người đứng đầu Nhà nước cách mạng ở Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh  còn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo  xây dựng nên Nhà nước cách mạng với khát vọng phải là Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Bằng sự hiểu biết thấu đáo, khoa học, thông qua quá trình nghiên cứu trực tiếp, khảo sát thực tiễn hơn 30 năm nghiên cứu các mô hình nhà nước trên thế giới (1911 – 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ sức mạnh của nhà nước, đặc biệt là nhà nước pháp quyền.

Năm 1919, trong bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Đông Dương gửi Hội nghị Vec-xai (Pháp), Người đã nêu rõ: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (1). Hồ Chí Minh hiểu rõ sức mạnh của quyền lực nhà nước khi được sử dụng đúng đắn sẽ là điều kiện để khơi dậy và khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước, của xã hội.

Quyền lực nhà nước của các giai cấp thống trị trước đây, trong lịch sử nhân loại, như nhà nước pháp quyền tư sản khi giai cấp tư sản đang đi lên, chủ nghĩa tư bản thay cho chế độ phong kiến chuyên chế thì nhà nước tư sản vừa là đại biểu cho lợi ích của giai cấp tư sản cầm quyền, vừa đại diện cho lợi ích của nhân dân, của dân tộc tư sản. Chính vì vậy, chế độ tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ đầu của nó đã thay thế một cách xứng đáng chế độ phong kiến lạc hậu, lỗi thời, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền văn minh nhân loại.

Hồ Chí Minh hiểu rõ, khi giai cấp tư sản trở thành lỗi thời, phản động thì tất yếu dẫn tới sự tha hóa quyền lực nhà nước tư sản, giai cấp tư sản cầm quyền cùng nhà nước của nó trở thành lực cản cho sự phát triển của xã hội và tất yếu dẫn tới cách mạng xã hội. Hồ Chí Minh đã chứng kiến sức mạnh của nhà nước Xô viết – Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới “Nước Nga có chuyện ngược đời. Biến người nô lệ thành người tự do”.

Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh thấu hiểu di huấn của Lênin về hai nguy cơ của một đảng cầm quyền là sai lầm về đường lối và rơi vào chủ nghĩa quan liêu, dù đó là Đảng Cộng sản, nếu nó không tiêu biểu cho đạo đức, trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại.

Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối” – Lord Acton (1834-1902) – Nhà Chính trị học người Anh

Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba  Đình.

Ngày 17/9/1945, 2 tuần lễ sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, lấy danh nghĩa của một người đồng chí già, Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi các đồng chí Việt Minh ở quê nhà Nghệ An “để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm với các đồng chí tỉnh nhà”. Trong bức thư tâm huyết này, bên cạnh việc đánh giá cao nhiều cán bộ “cúc cung tận tụy, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với chính phủ, với quốc dân” thì Người cũng chỉ ra nhiều khuyết điểm như có khuynh hướng chật hẹp và bao biện, hoặc lạm dụng hình phạt, đào bới những chuyện cũ ra làm án mới, chấp hành kỷ luật không nghiêm dẫn tới ức hiếp dân, xoáy tiền của dân, lấy đồ đạc của dân làm cho dân oán.

Có người còn hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc độc hành, độc đoán, dĩ công vi tư, thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến chính phủ. Người còn chỉ ra rằng, những khuyết điểm trên “nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động”.

Chúng ta đều biết rằng, chủ tịch Hồ Chí Minh ở cương vị người đứng đầu chính phủ cách mạng ở nước ta với chiều dài thời gian gần một phần tư thế kỷ (28/8/1945 – 2/9/1969).

Suy tư, trăn trở xuyên suốt trong suy nghĩ và hoạt động của Người là làm sao cho “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác chung cho dân chứ không phải đè đầu dân… Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (2). Sự quan tâm này đã được thể hiện xuyên suốt trong từng chặng đường xây dựng nhà nước cách mạng ở nước ta, thể hiện trong các tác phẩm như Sửa đổi lối làm việc (1947), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969) và trong Di chúc thiêng liêng Người để lại cho chúng ta.

Sự quan tâm này còn được Người thể hiện khi đứng đầu Ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959. Tùy vào từng thời điểm lịch sử, hình thức diễn đạt về nhà nước có những điểm cụ thể khác nhau, nhưng mẫu số chung trong các bản Hiến pháp này đều hiến định một cách nhất quán bản chất nhà nước ở nước ta là nhà nước cách mạng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

72 năm đã qua, Đảng ta, nhân dân ta luôn trung thành với những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và giữ vững bản chất cách mạng của Nhà nước ta.

Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh của mình trong cuộc trường chinh 30 năm kháng chiến kiến quốc vẻ vang của dân tộc Việt Nam, đã huy động được sức mạnh vô địch của dân tộc và nhân dân Việt Nam, đánh thắng những đế quốc to như thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và tổ chức xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới vì chủ nghĩa xã hội trong hơn 30 năm qua (1986 – 2017).

Đại hội XI của Đảng bắt đầu họp trù bị từ ngày 11/1/2011

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta (1/2011), lần đầu tiên đã đưa ra quan điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (1/2016) khẳng định rõ nét hơn quan điểm trên bằng việc nói rõ phải hình thành cơ chế bằng pháp chế để kiểm soát quyền lực nhà nước. Cụ thể là kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu, “nhốt quyền lực của người đứng đầu vào lồng cơ chế bằng pháp chế” để chống tham vọng quyền lực như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.

Mới nhất, Quy định 90 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ tiêu chuẩn của Ủy viên Bộ Chính trị, có một trong những tiêu chuẩn hàng đầu là “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”. Nghị quyết số 04 Hội nghị lần thứ tư BCH TW khóa XII đã xác định 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các biểu hiện này, trong đó có “tham vọng quyền lực”, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ… Quan điểm công khai, kịp thời này là biểu hiện nhận thức đúng đắn của Đảng ta trước những thách thức của thực tiễn không chỉ trong công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng mà còn liên quan tới xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Đảng ta, nhân dân ta quyết không bao giờ cho phép những kẻ “tha hóa quyền lực” gây hại cho thành quả cách mạng, sự nghiệp cách mạng được vun đắp bằng máu xương của cha ông, đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, thống nhất đất nước và quyền được sống trong tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đây là sự trở lại tư tưởng khoa học, cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta. Đó là cách thiết thực nhất để tưởng nhớ, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Quốc khánh 2/9 vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc, của Đảng ta.

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 1, tr 438

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr17, NXB Sự thật HN 1984