Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bày mâm ngũ quả ngày Tết đúng kiểu, đúng ý của từng vùng miền

Tùy theo văn hóa, quan niệm, mỗi vùng miền lại có cách trang trí mâm ngũ quả khác nhau, chúng ta cùng khám phá ý nghĩa và cách bày trí mâm ngũ quả 3 miền Bắc, Trung, Nam bạn nhé.

Một năm mới lại sắp gõ cửa, nắng xuân đang nô nức nhảy múa len lỏi qua cành mai, cành đào vàng ươm trước ngỏ, mầm non cũng theo đó đâm chồi nảy lộc, gia đình Việt đã háo hức sắm sửa bày biện cho căn nhà nhỏ và chắc chắn không thể thiếu việc chuẩn bị mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên. Mâm ngũ quả có vai trò rất quan trọng trong ngày Tết Nguyên Đán, ngoài thể hiện lòng thành với ông bà, tổ tiên, mâm ngũ quả còn biểu trưng cho ước muốn của mọi người vào năm mới.

Miền Bắc

Miền Bắc chú trọng ngũ hành trong thuyết phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất, với họ mâm ngũ quả phải có 5 màu tượng trưng cho Kim-màu trắng, Mộc-màu xanh, Thủy-màu đen, Hỏa-màu đỏ, Thổ-màu vàng, và 5 loại quả này cũng tượng trưng cho ngũ phúc: phú-giàu có, quý-sang trọng, thọ-sống lâu, khang-khỏe mạnh, ninh-bình yên mà mọi người cầu mong sẽ đạt được trong năm tới.
Chuối, bưởi, phật thủ, cam, quất, đào, hồng, táo, lê, lựu là những loại quả phổ biến trong mâm quả ngày Tết của miền Bắc. Trong đó, chuối sẽ đặt dưới cùng nâng đỡ các loại trái cây khác, phật thủ, bưởi đặt vị trí trung tâm, và các loại trái cây còn lại sẽ đặt xung quanh sao cho đẹp mắt.

Cùng chiêm ngưỡng những mâm ngũ quả của miền Bắc nhé.

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

Miền Trung

Nằm giữa miền Bắc và miền Nam, cách bày trí mâm ngũ quả của người miền Trung cũng có sự ảnh hưởng giao thoa giữa 2 miền. Các loại trái cây trong mâm ngũ quả sẽ được chọn theo đặc điểm ngoại hình, tên gọi của chúng sao cho mang ý nghĩa sung túc, an bình. Mâm ngũ quả cũng có chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài nhưng không bắt buộc.

Cùng chiêm ngưỡng những mâm ngũ quả của miền Trung nhé.

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

Miền Nam

Người miền Nam chất phác lại rất coi trọng ý nghĩa của mâm trái cây ngày Tết và họ sẽ bày trí theo tên gọi của các loại hoa quả. Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung là 5 loại trái cây không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên, sắp xếp lại sẽ tạo thành câu “cầu sung vừa đủ xài” thể hiện mong ước được dư giả, sung túc vào năm mới, và gần đây sự xuất hiện của trái dư màu vàng cũng rất phổ biến trong mâm ngũ quả khi người miền Nam không muốn “vừa đủ xài” nữa mà muốn có một năm “dư xài”.
Ngoài những loại trái cây với tên gọi mang nhiều ý nghĩa, cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh căng mọng nước, ngọt thanh cũng là một phần không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết với ý nghĩa sung túc, căng tràn sức sống.

Cùng chiêm ngưỡng những mâm ngũ quả của miền Nam nhé.

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

nhung-y-nghia-dac-biet-cua-mam-ngu-qua-ngay-tet-voh

 

Sau khi biết được điểm độc đáo trong cách bày trí mâm ngũ quả theo từng miền Bắc - Trung - Nam, chúng ta hãy điểm qua những ý nghĩa riêng biệt của từng loại trái cây để có sự lựa chọn phù hợp cho mong ước của mình vào đầu năm mới nhé.

  • Chuối xanh: nải chuối có hình bàn tay ngửa nên mang ý nghĩa rất thiêng liêng là nâng đỡ, che chở cho chúng ta một năm suôn sẻ, thuận buồm xuôi gió, ngoài ra màu xanh của chuối còn tượng trưng cho mệnh mộc.
  • Phật thủ: Tương tự như chuối, phật thủ mang ý nghĩa bàn tay Phật dang rộng che chở, bảo vệ chúng sinh.
  • Bưởi, lê ki ma (quả trứng gà): Bưởi, lê ki ma sẽ mang ý nghĩa món quà của trời đất, là lộc của trời.
  • Nho: Nho thể hiện sự thành công, ăn nên làm ra.
  • Quả lựu: Con đàn cháu đống vì có nhiều hạt.
  • Quả đào: Là sự thăng tiến trong công việc, học hành.
  • Quả táo: Là sự phú quý.
  • Quả quất, quýt: Theo tiếng Hán, từ “quất” và từ “cát” na ná nhau thể hiện sự cát tường.
  • Quả sung: Thể hiện sự sung túc cả về sức khỏe lẫn tiền bạc
  • Đu đủ: Đầy đủ, không thiếu thốn
  • Dừa: Tương tự đu đủ, dừa biểu trưng cho sự vừa đủ, không túng thiếu.
  • Dư: Đúng với tên gọi, quả dư cầu mong sự dư dả, có của ăn của để.
  • Thanh Long: Rồng mây hội tụ, cát tường, thịnh vượng chính là ý nghĩa của loại trái cây này.
  • Quả xoài: Tiêu xài không thiếu thốn, muốn gì mua đó.
  • Dưa hấu: Sự mọng nước thể hiện cho một năm tràn đầy sức sống.
  • Khóm: Có hình dáng như rồng và màu vàng sung túc, khóm thể hiện sự giàu có, may mắn, thịnh vượng.

Ngoài những ý nghĩa rất riêng và theo vùng miền thì mâm ngũ quả cũng mang ý nghĩa thành quả lao động vất vả mà một năm qua mọi người đạt được, những mâm trái cây tươi ngon thể hiện lòng thành của chúng ta dâng lên tổ tiên, trời đất mừng ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mong mọi việc thuận buồm xuôi gió, cuộc sống đầy đủ, có làm có dư, có của ăn của để trong năm mới. Tuy chỉ mang ý nghĩa tinh thần nhưng mâm trái cây ngày Tết đã thể hiện mong mỏi, khát khao được hạnh phúc, sung túc của chúng ta .

Mỗi năm chỉ một lần, đừng quên trang trí mâm ngũ quả của nhà bạn thật hoành tráng nhé!


Nguồn: Nauankhongkho.vn

Món ngon ngày lễ: Vòng quanh thế giới khám phá món ăn truyền thống mùa Giáng Sinh: Giáng sinh đang nô nức đến gần, đây là thời điểm người phương Tây rộn ràng trang hoàng nhà cửa, trang trí cây thông noel, bày biện ông già tuyết, và chuẩn bị những món ăn truyền thống.
Món ngon mỗi ngày: Những món ăn khiến 'kẻ ghét người thương': Một số món 'ăn là ghiền' nhưng đồng thời cũng bị ghi tên trong 'danh sách đen' của một số người, chúng ta cùng điểm mặt xem đó là đặc sản gì nhé. 
Bình luận