1. Chức năng và vị trí của tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt (hay còn gọi là tiền liệt tuyến) là một cơ quan nằm ở phía trước trực tràng, dưới bàng quang và bao quanh ống niệu đạo. Tuyến tiền liệt có kích khoảng 1 quả kiwi nhỏ hoặc một quả óc chó lớn.
Tuyến tiền liệt sẽ phát triển trong suốt cuộc đời của nam giới, giai đoạn phát triển mạnh mẽ bắt đầu từ độ tuổi dậy thì kéo dài đến khoảng 30 tuổi, với trọng lượng trung bình là từ 20 – 30 gram.
Chức năng của tiền liệt tuyến là giúp kiểm soát nước tiểu bằng cách tạo áp lực trực tiếp lên phần niệu đạo mà chúng bao quanh. Đồng thời sản xuất ra một chất màu trắng đục có trong tinh dịch (chiếm khoảng 20 – 30%) giúp chống lại các tác nhân gây bệnh. Chất dịch này được dương vật tiết ra ngay khi mới xuất tinh, cùng với tinh trùng để giúp tinh trùng hoạt động thuận lợi.
Tuy nhiên, khoảng 25% nam giới từ 55 tuổi trở lên sẽ gặp phải các vấn đề ở tuyến tiền liệt, và tỷ lệ này sẽ tăng lên 70% khi nam giới bước vào độ tuổi 70. Tuyến tiền liệt gặp trục trặc sẽ gây ra các vấn đề về tiểu tiện, chuyện chăn gối, thậm chí là sức khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng.
2. Các bệnh lý tuyến tiền liệt thường gặp
Tuyến tiền liệt có thể bị ảnh hưởng bởi một số rối loạn, bao gồm: viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt và ung thư tiền liệt tuyến.
2.1 Viêm tuyến tiền liệt
Viêm tuyến tiền liệt (nhiễm trùng tuyến tiền liệt) là tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm khi có vi khuẩn từ nước tiểu xâm nhập vào bên trong. Viêm tiền liệt tuyến có thể ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi, nhưng căn bệnh này thường sẽ phổ biến ở những nam giới tương đối trẻ, từ 30 – 50 tuổi.
Các triệu chứng điển hình nhất của viêm tuyến tiền liệt bao gồm:
- Tinh dịch có màu vàng xanh
- Đi tiểu khó, đau khi đi tiểu
- Có cảm giác đau ở lưng dưới, bụng, dương vật hoặc bẹn
- Đau khi xuất tinh
Viêm tuyến tiền liệt không có mối liên hệ đến ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, nếu không được điều trị viêm tuyến tiền liệt có thể gây ra nhiều biến chứng khác.
Xem thêm: Triệu chứng và biến chứng từ viêm tuyến tiền liệt, nam giới không nên chủ quan
2.2 Phì đại tuyến tiền liệt
Phì đại tuyến tiền liệt (hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính) xảy ra khi các tế bào của tuyến tiền liệt bắt đầu nhân lên, khiến tuyến tiền liệt sưng lên, chèn ép niệu đạo và làm hạn chế dòng chảy của nước tiểu, gây khó tiểu, đi tiểu phải rặn, cuối cùng dẫn đến bí tiểu.
Tuyến tiền liệt bị phì đại không làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng nó có thể gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nam giới. Căn bệnh này thường gặp nhiều ở nam giới trên 50 tuổi.
Các triệu chứng ban đầu của phì đại tuyến tiền liệt thường rất nhẹ, nhưng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Tiểu đêm nhiều (từ 2 lần trở lên)
- Tiểu không kiểm soát
- Bị rò rỉ nước tiểu
- Nhiều triệu chứng khác như như: dòng nước tiểu yếu, tiểu đau, có máu trong nước tiểu...
Xem thêm: Những điều nam giới nên biết về bệnh phì đại tiền liệt tuyến
2.3 Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh lý nguy hiểm mà nam giới cần phải đặc biệt quan tâm. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trên 50 tuổi. Vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ung thư tuyến tiền liệt, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nó có liên quan đến tiền sử gia đình hoặc có tiếp xúc với một số loại hóa chất.
Một số dạng ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu sẽ không gây ra triệu chứng đặc trưng. Khi ung thư tiến triển lớn hơn sẽ xâm lấn sang các mô xung quanh gây ra ung thư di căn với các triệu chứng như:
- Khó cương dương hoặc khó giữ tình trạng cương cứng
- Tiểu ra máu
- Đau nhức ở lưng, hông háng, xương sườn
- Thường bị tê bại ở chân hoặc bàn chân
- Khó kiểm soát khi đi tiểu
Xem thêm: Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết sớm ung thư tuyến tiền liệt
3. Nhận diện các bệnh ở tuyến tiền liệt bằng cách nào?
Mỗi một bệnh lý ở tuyến tiền liệt đều sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng nhận biết riêng. Tuy nhiên, nếu bạn là một nam giới khỏe mạnh nhận thấy trong cơ thể có những dấu hiệu sau đây thì có thể nghi ngờ mình đang mắc một bệnh lý nào đó ở tuyến tiền liệt:
- Khó tiểu
- Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm
- Có cảm giác bàng quang luôn đầy, không thể được làm trống hoàn toàn
- Đau khi tiểu
- Có máu trong nước tiểu
- Màu sắc tinh trùng bất thường
Khi đến thăm khám về đường tiết niệu, bác sĩ sẽ hỏi thăm bệnh sử của bạn, khám trực tiếp và thực hiện thêm các siêu âm, xét nghiệm (nếu cần).
Tóm lại, các bệnh lý ở tuyến tiền liệt bao gồm viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt hay ung thư tiền liệt tuyến đều rất phổ biến ở nam giới. Vì thế, bạn hãy lưu ý đến những dấu hiệu khác thường của cơ thể và nếu nghi ngờ đang mắc bệnh tuyến tiền liệt, hãy đến thăm khám bác sĩ để nhận được các lời khuyên hữu ích.
🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được tư vấn về vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 Hà Nội.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html
Youtube: youtube.com/channel/UCVKfBMyg9iljtC_9iuPBVnA
Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH
Group thảo luận: fb.com/groups/BiMatNamGioi
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh