Câu hỏi: Ngoài việc sử dụng thuốc tây được kê theo đơn bác sĩ thì có những phương pháp nào khác để điều trị HP? Sau khi điều trị thành công, người bệnh cần làm gì để ngăn ngừa vi khuẩn HP tái phát?
Trả lời:
Theo các nghiên cứu, vi khuẩn HP chỉ bị tiêu diệt bởi thuốc tây. Điều này có nghĩa là bệnh nhân phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Vì vậy, ngoài việc sử dụng kháng sinh thì hiện nay không có bất cứ phương pháp dân gian nào loại bỏ được vi khuẩn HP ra khỏi cơ thể con người.
Ngày này, đối tượng bị nhiễm HP vô cùng phổ biến và tỉ lệ tái nhiễm cao trong lâm sàng. Do đó, để tránh nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn HP dạ dày hoặc tái phát, người bệnh cần lưu ý:
- Không sử dụng những thực phẩm chưa nấu chín hoặc có dấu hiệu hư hỏng.
- Nên ăn chín, uống sôi và sử dụng nước sạch trong quá trình chế biến thức ăn.
- Hạn chế ăn uống tại các cửa hàng không đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tránh dùng chung các dụng cụ ăn uống như là chén, bát, đũa, muỗng.
- Xây dựng thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.
- Không nên dùng nước bọt để lật giấy hoặc đếm tiền. Đây là một trong những thói quen không tốt mà phần lớn người Việt mắc phải.
- Khi có triệu chứng hoặc có chỉ định điều trị HP thì cần đi khám bệnh và tuân thủ phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định.
Ngoài ra, nếu trong gia đình có người bị nhiễm HP và có bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng, song song với việc điều trị cho người bệnh thì các thành viên trong gia đình cũng cần kiểm tra nhiễm HP để phòng ngừa lây lan và tái nhiễm. Vì thói quen sinh hoạt, ăn uống của người Việt Nam là dùng chung đũa, muỗng nên một người trong gia đình nhiễm HP thì nguy cơ những người còn lại mắc bệnh cũng sẽ rất cao.
Bác sĩ Lương Thị Hồng Nhạn
Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn
Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.