Tiêu điểm: Nhân Humanity

Có phải tất cả muỗi vằn đều truyền bệnh sốt xuất huyết?

VOH - Muỗi vằn là tác nhân dẫn đến bệnh sốt xuất huyết, thế nhưng, không phải con muỗi vằn nào cũng là “hung thủ” gây ra căn bệnh này.

Hầu hết chúng ta đều biết, loại muỗi gây ra sốt xuất huyết là muỗi vằn. Chính vì điều này, nhiều người lầm tưởng tất cả muỗi vằn đều có thể truyền bệnh sốt xuất huyết. Thế nhưng, theo bác sĩ Bác sĩ Lê Tùng Dương, Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, không phải con muỗi vằn nào cũng gây sốt xuất huyết.

Có phải tất cả muỗi vằn đều truyền bệnh sốt xuất huyết? 1
Muỗi vằn có chứa virus Dengue là tác nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: Internet

Bác sĩ Dương cho biết, sốt xuất huyết hay còn được gọi là sốt Dengue, là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue lây truyền thông qua con đường muỗi đốt và muỗi vằn (tên khoa học Aedes aegypti) chính là tác nhân gây ra căn bệnh này.

Muỗi vằn sau khi hút máu từ người mắc bệnh sốt xuất huyết, tức là có chứa virus Dengue thì virus này sẽ nằm dưới tuyến nước bọt của muỗi và ủ bệnh khoảng 8 - 10 ngày. Sau đó, những con muỗi này nếu đốt những người khác thì mầm bệnh sẽ được truyền sang từ vết đốt.

Như vậy, không phải tất cả những con muỗi vằn đều sẽ gây bệnh sốt xuất huyết mà quan trọng là trước đó nó phải có hút máu người nhiễm bệnh sốt xuất huyết thì nó mới có thể trở thành tác nhân truyền bệnh. Vì muỗi vằn thường xuyên thay đổi vật chủ nên sẽ càng làm tăng nguy cơ lây truyền virus cho nhiều người, cũng như khiến sốt xuất huyết trở thành dịch.

Ngoài ra, bác sĩ Dương cũng chia sẻ bệnh sốt xuất huyết lây truyền chủ yếu qua trung gian là muỗi vằn. Bệnh không lây qua con đường tiếp xúc giữa người với người. Do đó, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm khi tiếp xúc với những người mắc bệnh sốt xuất huyết.

Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là một loại muỗi có màu đen sẫm, thân và chân có các đốm trắng, dài 4 - 7mm. Muỗi Aedes aegypti thường sống ở những khu vực tối hoặc nơi có ánh sáng yếu.

Muỗi thường đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước, những nơi có nước đọng. Trứng muỗi Aedes aegypti có thể tồn tại đến một năm trong điều kiện khô và nếu trong điều kiện ngập nước thì trứng sẽ nở ra ngay lập tức.

Hãy cùng theo dõi VOH Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận