Chờ...

Dị ứng da mặt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị

(VOH) - Khi xuất hiện mụn mẩn đỏ, ngứa rát, mề đay,…đó là biểu hiện của dị ứng da mặt do các yếu tố kích ứng bên ngoài và trong cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại sẹo và thâm nám.

Dị ứng da mặt thường xuất hiện khi vùng da này phản ứng lại với các tác nhân gây kích ứng như thời tiết, mỹ phẩm, thực phẩm, các dị nguyên gây tổn thương da và viêm nhiễm. Bình thường các dấu hiệu dị ứng da mặt sẽ giảm bớt từ 1 - 5 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nặng hơn, thì nên bắt buộc phải can thiệp y tế.

1. Dị ứng da mặt là gì ?

Dị ứng da mặt là tình trạng da nổi nhiều mụn đồng loạt, ngứa ngáy, sưng phù, mề đay,...thậm chí có thể hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa, khó thở,...khi vô tình tiếp xúc hoặc bị hấp thu các yếu tố dễ gây kích ứng cả về bên ngoài lẫn bên trong cơ thể. Bởi da mặt dễ mẫn cảm và kích ứng hơn so với các vùng da khác trên cơ thể. Điều đó có nghĩa là những tổn thương trên da mặt sẽ dễ xuất hiện và có mức độ ảnh hưởng, hình thái đa dạng hơn.

Đa số xuất hiện vùng da bị dị ứng thường chỉ tập trung ở vùng trán, mũi, má và cằm. Tuy nhiên, ở những người có loại da nhạy cảm hơn, có thể lan sang các vùng da xung quanh như ở tai, cổ và đầu. 

2. Nguyên nhân gây dị ứng da mặt

Tùy vào từng trường hợp mà người bệnh có thể dị ứng da mặt do cơ cơ địa, các loại da, các tác nhân bên ngoài và một số yếu tố khác. Nhìn chung, vẫn có thể chia làm 4 nguyên nhân chính sau.

2.1 Dị ứng thời tiết

Khi thay đổi thời tiết đột ngột, trời trở gió thất thường chính là tác nhân có thể gây dị ứng da mặt. Tình trạng da mặt nổi sần do dị ứng thời tiết nếu không được chữa trị kịp thời có thể lấn sang những vùng da khỏe mạnh khác. Do đó, đây có thể được xem như là nguyên nhân dị ứng da mặt phổ biến và thường xảy ra nhất. 

di-ung-da-mat-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-phong-tri-voh-1
Dị ứng da mặt do thời tiết (Nguồn:Internet)

2.2 Dị ứng mỹ phẩm

Thời đại công nghệ 4.0 hiện nay đã đem đến nhiều thành tựu nổi bật, trong đó là sản xuất ra các loại mỹ phẩm chăm sóc da, dưỡng da trắng sáng, đẩy lùi được các yếu lão hóa da. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân gây dị ứng da mặt xếp vị trí thứ 2, sau dị ứng thời tiết. 

Người dị ứng mỹ phẩm sẽ có biểu hiện bao gồm da đỏ, nổi mụn nước nhỏ trên da, ngứa ngáy, khó chịu,...Đây là biểu hiện xuất hiện ngay khi sử dụng mỹ phẩm. Một vài trường hợp hiếm khác sau nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần sau khi sử dụng mới xuất hiện dị ứng. 

Xem thêm: 9 nhận định chống lão hóa da sai lầm khiến nhan sắc ‘tụt dốc không phanh’

2.3 Dị ứng thực phẩm

Ngoài các tác nhân bên ngoài trên, việc ăn phải các loại thực phẩm có nguy cơ gây kích ứng cao cũng là một trong những nguyên nhân gây dị ứng da mặt. Điển hình các loại thực phẩm như hải sản, những chế phẩm từ sữa, bột mì,...Khi dị ứng da mặt do thực phẩm, người bệnh cũng xuất hiện những nốt sần đỏ kèm theo các triệu chứng khách như buồn nôn, khó thở, giảm huyết áp, tim đập mạch,...

Xem thêm: BS Kiều Diễm giải đáp thông tin trẻ bị nổi mề đay có nên ăn tôm hay không

2.4 Các yếu tố dị nguyên

Ngoài các nguyên nhân trên, da mặt vẫn có thể bị dị ứng, nổi mề đay, mụn nước, ngứa ngáy bởi các yếu tố như: 

  • Phấn hoa, lông thú, mạt bụi,.. cũng là tác nhân gây ra dị ứng da mặt;
  • Người có làn da nhạy cảm hơn so với bình thường;
  • Thường xuyên làm việc trong môi trường khói bụi, ô nhiễm trong thời gian dài;
  • Người luôn căng thẳng thần kinh, áp lực, mệt mỏi kinh niên.

3. Triệu chứng dị ứng da mặt

Các triệu chứng nhận biết dị ứng da mặt, bao gồm:

  • Da đỏ, nóng rát, ngứa ngáy, châm chích và sưng đau nhẹ;
  • Xuất hiện các nốt mụn đỏ, mọc ở vùng trán, má và cằm;
  • Xuất hiện các nốt sần ngứa, phát da nổi cộm so với những vùng da xung quanh;
  • Ngoài ra, da mặt cũng có thể bị bong tróc nhẹ, sần sùi và khô ráp. 

3.1 Dị ứng da mặt có nguy hiểm không ?

Da mặt là vùng da rất mẫn cảm và dễ kích ứng, do đó khi dị ứng nếu không được kiểm soát kịp thời và chăm sóc đúng cách, có thể để lại sẹo, mụn mủ do bội nhiễm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến thẩm mỹ cũng như tâm lý người bệnh. 

Ngoài ra, khi bị dị ứng các bộ phận khác trên cơ thể như mắt, môi, lưỡi,...cũng có thể gặp những nguy hiểm. Do đó, để tránh các biến chứng trên, khi phát hiện các triệu chứng của da mặt bị dị ứng, bạn nên thăm khám tư vấn từ bác sĩ để có phương hướng điều trị hợp lý, tránh những biến chứng nguy hiểm sau này. 

Xem thêm: 'Đẩy lùi' sẹo mụn với 9 phương pháp 'đặc trị' từ chuyên gia

4. Cách trị dị ứng da mặt

4.1 Tìm hiểu nguyên nhân 

Xác định được nguyên nhân khởi phát dị ứng da mặt là do đâu, từ đó mới có thể loại trừ được các yếu tố gây bệnh. Nếu không xác định được nguyên nhân gây bệnh có thể khiến da trở nên trầm trọng hơn và có xu hướng lan rộng ra các vùng da xung quanh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người bệnh không xác định được nguyên nhân, nhưng vẫn có thể tiên lượng được các tác nhân, từ đó phòng ngừa bệnh tiến triển: 

  • Hạn chế bổ sung các loại thực phẩm và đồ uống dễ gây dị ứng da mặt như hải sản, các loại đậu, sữa, tinh bột, rượu bia, trà đặc và cà phê;
  • Xem lại và loại bỏ các sản phẩm chăm sóc da đang dùng nếu có chứa các thành phần như hương liệu, BHA, cồn, chì, dầu khoáng, retinol,...;
  • Hạn chế trang điểm trong thời gian bị dị ứng da mặt;
  • Vệ sinh sạch sẽ nơi ở và sử dụng máy lọc không khí khi cần thiết;
  • Nên giữ ấm cơ thể, mang khẩu trang khi ra ngoài và dùng máy tạo độ ẩm trong không gian sống khi thời tiết thay đổi thất thường.

4.2 Chăm sóc và phục hồi da

di-ung-da-mat-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-phong-tri-voh-2
Khi dị ứng da mặt, bạn cần chăm sóc và phục hồi da đúng cách (Nguồn:Internet)

Khi dị ứng da mặt chủ yếu xuất hiện ở lớp thượng bì, do đó nếu được chăm sóc tốt, bạn vẫn được cải thiện mà không cần can thiệp y tế. Sau đây là một số biện pháp chăm sóc và phục hồi da đúng cách mà bạn có thể áp dụng, bao gồm:

  • Vệ sinh da mặt sạch sẽ 2 lần/ngày trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy;
  • Khi rửa mặt, bạn nên massage nhẹ nhàng, tránh gây kích ứng lên vùng da bị ảnh hưởng;
  • Có thể xông hơi da mặt với nước muối ấm, sả, lá chanh, gừng,…giúp đào thải dị nguyên nằm sâu trong lỗ chân lông, làm sạch da và ngăn ngừa tổn thương da lan rộng;
  • Dùng đá chườm lạnh lên da mặt trong khoảng 5 – 10 phút giúp giảm ngứa và viêm nhanh chóng;
  • Sử dụng các mặt nạ tự nhiên đắp lên mặt như mặt nạ sữa chua, nha đam, yến mạch, mật ong,… nhằm làm dịu vùng da bị ảnh hưởng, hỗ trợ giảm viêm, ngứa ngáy và làm mờ vết thâm;
  • Thường xuyên uống nước và bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và làm đều màu da;
  • Khi ra ngoài trời, bạn nên sử dụng mũ hoặc ô che chắn kĩ để tránh tia UV trong ánh nắng có thể kích thích sản sinh melanin và khiến da mặt đổ nhiều dầu, gây tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó sinh ra mụn viêm và hình thành thâm nám.  

4.3 Sử dụng thuốc điều trị

Để điều trị dị ứng da mặt, bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm kháng histamin H2 giúp giảm ngứa ngáy, kháng viêm, ức chế sản sinh các histamin. Ngoài ra, một vài trường hợp cũng có thể dùng thuốc điều trị tại chỗ để làm giảm các triệu chứng của tình trạng dị ứng trên da mặt hiệu quả.

Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc Tây, bạn cần lưu ý các điều sau: 

  • Không được tự ý mua thuốc bên ngoài khi chưa được sự cho phép của bác sĩ;
  • Tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, từ liều lượng đến thời gian uống thuốc đúng giờ;
  • Trong quá trình dùng thuốc, nếu gặp những tác dụng phụ hoặc không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn phải ngưng dùng và báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi kịp thời. 

5. Cách phòng chứng dị ứng da mặt

Với những trường hợp dị ứng nhẹ, da mặt có thể thuyên giảm chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, với mức độ nặng hơn, vùng da này có thể bị viêm nặng, làm tăng tốc độ lão hóa và dễ để lại thâm sẹo. Do đó, để phòng ngừa dị ứng da mặt, bạn có thể tham khảo qua các cách sau đây:

  • Cần mang khẩu trang khi di chuyển ngoài trời, nhất là khi vào thời điểm giao mùa; 
  • Luôn giữ vệ sinh hằng ngày và chăm sóc da mặt đúng cách. Đồng thời nên giặt khăn mặt, vệ sinh gối, mền và ga giường thường xuyên;
  • Không nên trang điểm thường xuyên, nếu có trang điểm, bạn nên trang điểm một lớp mỏng và hạn chế để quá lâu; 
  • Lựa chọn các mỹ phẩm phù hợp với loại da nhạy cảm;
  • Tổ chức lại thời gian sinh hoạt, ngủ đúng giờ, ăn uống đúng bữa và vận động các bài tập thể dụng thường xuyên.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hằng ngày cũng cần được quan tâm để giảm thiểu khả năng mắc bệnh dị ứng da mặt.

5.1 Bị dị ứng da mặt nên kiêng gì và ăn gì?

Để mau khỏi bệnh và phục hồi nhanh chóng, bạn nên tránh các loại thực phẩm giàu protein (hải sản, trứng, sữa,...), đồ ăn chế biến sẵn và đồ cay nóng, thực phẩm lên men (dưa chua, cải chua, cà…) và đồ uống có ga hoặc chất kích thích (cà phê, rượu bia, thuốc lá,…). 

Đồng thời, bạn cũng nên bổ sung các loại thực phẩm kháng viêm (tỏi, gừng, nghệ,…), thực phẩm chứa chất chống oxy hóa (quả mâm xôi, việt quất, óc chó, dâu tây, đậu đỏ,…) và thực phẩm giàu vitamin A, C, E (cải bó xôi, cà rốt, cà chua,...).

Dị ứng da mặt có thể hồi phục nhanh chóng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị đúng cách có thể để lại nhiều tổn thương cho da, làm phá vỡ hàng rào bảo vệ, từ đó để lại sẹo thâm. Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng dị ứng da mặt, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn điều trị đúng cách.