Thường thì dương vật sẽ có trục thẳng đứng khi cương (điểm gốc dương vật và điểm đầu dương vật cùng nằm trên một mặt phẳng), hoặc cũng có thể hơi cong nhẹ sang trái hoặc sang phải một chút so với trục ngang của cơ thể. Đây là hiện tượng bình thường và không ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng.
Tuy nhiên, nếu “cậu nhỏ” của bạn bị cong nhiều, gây đau hoặc khó “quan hệ vợ chồng” thì khả năng cao bạn đã bị bệnh cong dương vật.
1. Dương vật cong là gì?
Dương vật cong là một tình trạng lành tính ở dương vật, xảy ra khi các mảng xơ hoặc cục xơ cứng phát triển giữa hai lớp áo của tổ chức cương ở dương vật (thể hang) gây co kéo và dính chắc làm cho dương vật bị cong và biến dạng khi cương cứng.
Khi mảng xơ cứng phát triển ở mặt lưng dương vật, “cậu bé” sẽ bị cong gấp khúc lên trên. Còn khi chúng phát triển ở mặt bụng sẽ làm cho “cậu nhỏ” cong gấp khúc xuống dưới. Đôi khi mảng xơ cứng cũng có thể nằm ở cả hai mặt làm cho dương vật bị lồi lõm và ngắn lại.
2. Tại sao dương vật cong?
Cong dương vật được chia làm 2 dạng, đó là cong dương vật bẩm sinh và cong dương vật mắc phải.
2.1 Cong dương vật bẩm sinh (dị tật cong dương vật)
Trẻ từ lúc sinh ra đã có dương vật bị cong, kèm theo dị tật lỗ tiểu đóng thấp. Đây là một tình trạng phát triển bất thường ở thể hang dương vật khiến “cậu nhỏ” có thể bị cong lên, xong xuống hoặc nghiêng trái, phải.
Trong trường hợp có kèm theo lỗ tiểu thấp, bạn có thể nhận thấy lỗ tiểu của trẻ không nằm tại đỉnh đầu “cậu nhỏ” mà nó sẽ nằm ở bất kỳ vị trí nào ở mặt dưới của “cậu nhỏ”, thậm chí lỗ tiểu có thể nằm ở giữa bìu hay ở tầng sinh môn...
2.2 Cong dương vật mắc phải
Trẻ sinh ra có dương vật phát triển bình thường, nhưng đến độ tuổi trung niên (>40 tuổi) bỗng phát hiện có mảng xơ cứng trong dương vật, khiến "cậu nhỏ" bị cong, thậm chí không thể giao hợp. Bệnh Peyronie là một dạng hiếm gặp của tình trạng rối loạn cương dương có thể gây ra mô sẹo, tạo thành các mảng xơ cứng bên trong “cậu nhỏ”.
Nguyên nhân gây bệnh Peyronie hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng nếu bạn có chấn thương dương vật liên quan đến chuyện sinh hoạt tình dục, chẳng hạn như: kích thích mạnh, đụng dập, bóp mạnh, gãy dương vật...đều có thể làm chảy máu và tụ máu trong thể hang dương vật, lâu ngày sẽ hình thành nên các mảng xơ khiến “cậu nhỏ” bị cong vẹo...
Ngoài ra, những rối loạn cơ chế tự miễn của cơ thể hay các bệnh mạch máu và tiểu đường cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh Peyronie.
3. Triệu chứng cong dương vật
Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng cong dương vật do bệnh Peyronie có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển dần dần. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Hình thành mô sẹo ở dưới da của “cậu nhỏ” như cục u phẳng hoặc dải mô cứng
- “Cậu nhỏ” sẽ bị cong khi cương cứng, có thể là cong lên, xuống hoặc bị lệch sang một bên
- “Cậu nhỏ” bị đau mỗi khi cương cứng
- Kích thước dương vật có thể trở nên ngắn hơn
- Gây rối loạn cương dương, giảm ham muốn
Xem thêm: 3 lời khuyên dành cho nam giới để mong muốn ‘gần gũi’ người ấy quay trở lại
4. Chẩn đoán và điều trị cong dương dương
4.1 Chẩn đoán
Khi phát hiện có dấu hiệu cong dương vật, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nam học. Khám sức khỏe sẽ giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị cong dương vật hay không. Bác sĩ sẽ kiểm tra “cậu nhỏ” của bạn khi chưa cương cứng để xác định vị trí và số lượng mô sẹo.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xem hình ảnh dương vật khi cương để xác định độ cong, vị trí mô sẹo hoặc các chi tiết khác.
Trong một số trường hợp, bạn có thể sẽ làm siêu âm khi “cậu nhỏ” cương cứng. Xét nghiệm này sẽ giúp phát hiện dấu vết của mô sẹo, lưu lượng máu đến dương vật và các bất thường khác.
4.2 Điều trị
Phẫu thuật chính là biện pháp điều trị hiệu quả đối những trường hợp bị cong dương vật bẩm sinh. Thời gian phẫu thuật lý tưởng nhất là trước 2 tuổi. Trong trường hợp trẻ bị cong dương vật kèm lỗ tiểu thấp, bác sĩ sẽ kết hợp cả 2 phương pháp điều trị lỗ tiểu thấp và chỉnh thẳng dương vật.
Nếu “cậu nhỏ” của bạn bị cong do bệnh Peyronie thì biện pháp điều trị là: dùng thuốc hoặc phẫu thuật
Dùng thuốc
Thường áp dụng cho các bệnh nhân bị cong dương vật mức độ nhẹ, không bị đau hoặc không ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc thường là:
- Tiêm thuốc steroid: Thuốc được tiêm vào khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ.
- Liệu pháp sốc sóng ngoại bào (ESWT): Sử dụng máy quét siêu âm chiếu trực tiếp lên vùng da có khối u hoặc các mảng lồi lên ở “cậu nhỏ”. Phương pháp này khá an toàn nhưng vẫn còn khá ít bằng chứng về tính hiệu quả.
Phẫu thuật
Trường hợp nam giới bị cong dương vật nghiêm trọng có thể điều trị bằng phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là giúp làm thẳng dương vật bằng cách:
- Cắt các khối u, ghép mảng da hoặc nối tĩnh mạch
- Cấy thiết bị có chức năng làm thẳng “cậu nhỏ”
- Tác động lên vùng đối diện vị trí “cậu nhỏ” có khối u để ngăn việc bị uốn cong. Phương pháp này có thể làm thay đổi kích thước “cậu nhỏ”
Tuy nhiên, bác sĩ thường sẽ yêu cầu bệnh nhân theo dõi bệnh ít nhất một năm trước khi quyết định phẫu thuật, bởi trong nhiều trường hợp bệnh có thể được cải thiện mà không cần điều trị.
Xem thêm: Ung thư dương vật và những điều bất kỳ nam giới nào cũng cần nắm rõ
5. Dương vật cong có nguy hiểm không?
Nếu không điều trị, tình trạng cong dương vật có thể gây ra các biến chứng như:
- Khó khăn trong giao hợp hoặc không có khả năng giao hợp
- Khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng
- Giảm chiều dài “cậu nhỏ”
- “Cậu nhỏ” bị đau
- Có tâm lý căng thẳng về khả năng tình dục
- Khó có con
- Đời sống vợ chồng không hòa hợp, hạnh phúc
Nhìn chung, cong dương vật là bệnh khá hiếm gặp ở phái mạnh, tuy nhiên nó vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ nam giới nào. Do đó, bạn hãy duy trì lối sống lành mạnh và thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể phòng ngừa và chữa trị kịp thời.
🔴 Theo dõi chương trình Bí mật nam giới để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề nam khoa vào lúc 22h00 - 23h00 thứ 3 hàng tuần trên kênh FM 95.6 MHz và FM 90 MHz Hà Nội.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/bi-mat-nam-gioi-797.html
Youtube: youtube.com/c/BiMatNamGioiVOH
Fanpage Facebook: fb.com/BiMatNamGioi.VOH
Group thảo luận kín: fb.com/groups/BiMatNamGioi
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/bmngvoh