Để hiểu rõ hơn về bệnh hen suyễn, hãy tìm hiểu ngay những thông tin dưới đây đã được PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) chia sẻ trong chương trình Phòng mạch FM.
1. Hen suyễn là gì?
Bác sĩ Bay cho biết, hen suyễn còn gọi là hen phế quản hoặc bệnh hen, là tình trạng người bệnh khó thở do co thắt cơ phế quản. Với tình trạng này, người ta nghiên cứu và thấy rằng nó có liên quan đến sự xuất tiết của tế bào nội mạc của cơ khí phế quản và sự xuất tiết này gây ra tình trạng viêm.
Hen suyễn dẫn đến tình trạng khó thở (Nguồn: Internet)
2. Nguyên nhân gây hen suyễn là gì?
Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ra tình trạng hen phế quản. Tuy nhiên, người ta thấy rằng căn bệnh này có liên quan đến 2 yếu tố chính là:
2.1 Yếu tố gia đình
Trong gia đình, cha mẹ bị hen phế quản thì nguy cơ xảy ra bệnh hen ở những đứa trẻ là trên 50%. Trường hợp chỉ có mẹ hoặc cha bị bệnh hen thì nguy cơ đứa bé sinh ra mắc bệnh chỉ còn 25%. Ngoài ra, cha mẹ không bị hen nhưng tiền sử ông bà hoặc ai đó trong dòng họ bị hen thì trẻ sinh ra có tỷ lệ bị hen là 5 – 10%.
2.2 Yếu tố cơ địa dị ứng
Theo bác sĩ Bay, những người hay bị chàm, viêm mũi dị ứng hay mỗi lần ăn thức ăn gì đó hoặc ngửi thấy mùi lạ là bị dị ứng thì những người này có cơ địa dễ bị lên cơn hen. Cơn hen có thể xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với các dị ứng nguyên như:
- Phấn hoa.
- Gió lạnh, thời tiết lạnh lúc giữa đêm.
- Khói bụi.
- Lông động vật như lông chó, lông mèo,…
Như vậy, có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng hen suyễn là yếu tố gia đình và người có cơ địa dị ứng.
3. Triệu chứng của bệnh hen suyễn
Bác sĩ Bay cho biết, những bệnh nhân hen suyễn thường sẽ gặp những triệu chứng phổ biến sau đây:
3.1 Khó thở
Khó thở là triệu chứng điển hình nhất của bệnh hen suyễn. Ngoài ra, một số trường hợp có thể có cảm giác như cơ phần phụ của hô hấp bên ngoài bị co kéo, kèm theo tiếng rít, tiếng khò khè khi bệnh nhân cố gắng thở.
Cơn khó thở có thể kích phát liên tục và kéo dài từ 2 – 3 phút hoặc 5 – 10 phút, có thể 15 – 20 phút tùy vào thể trạng mỗi người.
3.2 Ho
Sau cơn khó thở, người bệnh sẽ bắt đầu ho. Cơn ho ban đầu có thể chậm rãi, rồi sau đó nặng dần, đến khi ho tống được đàm ra ngoài thì cơn hen sẽ bắt đầu dịu xuống. Khi khạc được đàm, người bệnh sẽ thấy dễ chịu hơn và giảm đi cơn khó thở.
4. Hen suyễn có nguy hiểm không?
Hen suyễn hay hen phế quản không đơn giản là xuất hiện cơn khó thở, sau đó người bệnh ho khạc đàm rồi hết mà tình trạng này nếu không điều trị có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Nếu cơ địa dị ứng, viêm mũi hay viêm phế quản kèm theo cơn khó thở có thể dẫn đến suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Ngoài ra, cơn hen xuất hiện liên tục cũng có thể dẫn đến các bệnh lý ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay viêm phế quản mạn tính,…
Chính vì vậy, khi nhận biết mình mắc bệnh hen suyễn thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Bên cạnh đó, cần chú ý các biện pháp phòng tránh để cơn hen khó tái phát trở lại.
Xử lý khi lên cơn khó thở kịp thời để tránh nguy hiểm (Nguồn: Internet)
5. Phòng bệnh hen suyễn tái phát bằng cách nào?
Nếu đã bị bệnh hen suyễn rồi và đã điều trị thì bạn cần chú ý những vấn đề sau đây để phòng bệnh tái phát cũng như kiểm soát cơn khó thở tốt hơn:
5.1 Tránh xa các yếu tố nguy cơ
Bạn cần xác định cơ địa mình dị ứng với cái gì để lên kế hoạch tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với nó. Ví dụ như tránh xa những môi trường nhiều khói bụi; tránh tiếp xúc với chó, mèo; tránh tiếp xúc với phấn hoa,…
5.2 Biết cách giữ ấm cơ thể
Cơn hen có thể xuất hiện vào ban ngày hoặc ban đêm nhưng chủ yếu là từ lúc 12 giờ đêm trở đi vì đây là thời điểm không khí bắt đầu chuyển lạnh. Do đó, bạn cần giữ ấm cơ thể khi ngủ bằng cách đắp chăn, quấn khăn choàng cổ,…
5.3 Tránh khói thuốc lá, thuốc lào
Những người bị hen suyễn nên tránh những nơi có khói thuốc lá, thuốc lào. Nếu không tránh được thì hãy đeo khẩu trang, hay thậm chí nói với những người đang hút thuốc lá rằng mình có cơ địa bị hen và nhờ họ bỏ hút thuốc ngay thời điểm đó.
5.4 Sử dụng khí dung
Thời tiết lạnh, nhất là vào mùa đông có thể gây ra phản ứng cơ thể và dẫn đến cơn hen. Vì vậy, bạn nên thủ sẵn trong nhà khí dung để xịt kịp thời khi cơn hen đến.
5.5 Chú ý khi sử dụng thuốc
Một số thuốc giảm đau như Aspirin hoặc các thuốc kháng viêm cũng có thể gây ra dị ứng và dẫn đến cơn hen. Vì vậy, trước khi sử dụng các loại thuốc này bạn cần hỏi thầy thuốc rằng các loại thuốc đó có ảnh hưởng đến cơn hen hay không.
5.6 Tập thể dục
Việc tập thể dục, thể thao mỗi ngày ngoài trời, hít thở oxy từ cây xanh,…cũng là phương pháp hữu hiệu để bạn phòng ngừa cơn hen suyễn tái phát.