Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người có chỉ số tiểu cầu thấp nên ăn gì để tăng tiểu cầu?

(VOH) - Giảm tiểu cầu được xem là tình trạng khá nghiêm trọng, cần được kiểm soát kịp thời. Bên cạnh việc điều trị y khoa, người có chỉ số tiểu cầu thấp nên ăn gì để tăng tiểu cầu về mức an toàn?

Tiểu cầu là một tế bào máu quan trọng, khi chỉ số tế bào này biến đổi bất thường, tăng lên hay giảm xuống đột ngột đều có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý. 

1. Giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?

Trong cơ thể chúng ta, tủy xương là cơ quan sản xuất các tế bào tiểu cầu. Tiểu cầu đảm nhiệm vai trò cầm máu, bịt kín mạch máu khi bị tổn thương để hạn chế khả năng mất máu. Các tế bào này chỉ có khả năng tồn tại trong vòng 7 – 10 ngày, sau đó sẽ bị tiêu hủy ở lá lách.

Tiểu cầu giảm do nhiều yếu tố tác động, có thể do ảnh hưởng của virus từ mầm bệnh như sốt xuất huyết, sởi, viêm gan Bquai bị hay mắc bệnh thiếu máu bất sản. Các virus này xâm nhập vào cơ thể, gây ức chế hoạt động của tủy xương, giảm khả năng cung cấp tiểu cầu.

Khi chỉ số tiểu cầu giảm xuống tới 50.000 tế bào/micro lít máu sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của chúng ta. Lúc này quá trình đông máu bị gián đoạn và diễn ra chậm hơn, dẫn tới các hiện tượng xuất huyết bên trong, ảnh hưởng tới khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. 

2. Chỉ số tiểu cầu thấp nên ăn gì để tăng tiểu cầu?

Khi được chẩn đoán lượng tiểu cầu trong máu đang giảm xuống, việc bổ sung thêm các thực phẩm hỗ trợ tăng tiểu cầu trở lại mức cân bằng là điều bạn nên làm. Cùng tham khảo 6 nhóm thực phẩm dưới đây. 

2.1. Nhóm thực phẩm giàu chất sắt

Chất sắt có vai trò thiết yếu trong quá trình sản sinh và nuôi dưỡng các tế bào tiểu cầu khỏe mạnh. Hơn nữa đây cũng là chất xúc tác để tổng hợp nên hemoglobin, nhằm vận chuyển oxy trong máu đến các mô trong cơ thể. 

nguoi-co-chi-so-tieu-cau-thap-nen-an-gi-de-tang-tieu-cau-voh-0
Hàu cung cấp nhiều chất sắt cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Một số nguồn nguyên liệu dưới đây sẽ cung cấp hàm lượng sắt dồi dào: 

  • Hàu
  • Đậu phụ
  • Đậu lăng
  • Sô cô la đen
  • Quả chà là
  • Yến mạch
  • Hạt quinoa

Xem thêm: Quinoa là gì? 8 lợi ích sức khỏe của hạt quinoa (hạt diêm mạch) sẽ khiến bạn muốn đi mua ngay loại hạt này!

2.2. Nhóm thực phẩm bổ sung vitamin K 

Vitamin K có thể hòa tan trong chất béo, là thành phần quan trọng trong enzym tổng hợp chất đông máu prothrombin. Vitamin K cũng tham gia hỗ trợ các phản ứng trên mặt tiểu cầu, nếu thiếu hụt vitamin K, sự đông đặc của máu sẽ bị ảnh hưởng và xảy ra tình trạng xuất huyết trong.

Các thực phẩm giàu vitamin K nổi bật bao gồm:

  • Rau chân vịt
  • Bông cải xanh
  • Hạt điều
  • Đu đủ
  • Dầu oliu 
  • Đậu nành

Xem thêm: Hàm lượng calo, lợi ích sức khỏe và những lưu ý khi sử dụng sữa đậu nành

2.3. Nhóm thực phẩm chứa folate

Folate là một nhóm các chất thường được biết đến dưới dạng vitamin B9, tham gia nhiều trong hoạt động tái tạo tế bào hồng cầu, tiểu cầu mới của cơ thể. Việc thiếu hụt folate sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu. 

Hoạt chất folate có nhiều trong các loại thực phẩm như: 

  • Măng tây
  • Củ dền
  • Ngũ cốc
  • Trái bơ
nguoi-co-chi-so-tieu-cau-thap-nen-an-gi-de-tang-tieu-cau-voh-1
Bơ là loại quả cung cấp nhiều folate (Nguồn: Internet)

2.4. Nhóm thực phẩm giàu vitamin C

Theo nhiều nghiên cứu, vitamin C được xem là chất xúc tác và cải thiện khả năng hấp thu chất sắt của cơ thể. Đặc biệt, vitamin C nếu được kết hợp cùng hoạt chất Rutin (vitamin P) sẽ củng cố thành mạch vững chắc, giúp phân chia cũng như tăng trưởng tế bào trong cơ thể một cách nhanh chóng, bao gồm các tế bào máu. 

Những thực phẩm giàu vitamin C bạn nên bổ sung trong thực đơn hàng ngày:

  • Cam
  • Ổi
  • Kiwi
  • Lựu
  • Bưởi

Xem thêm: Làn da của bạn đã bỏ lỡ những gì khi 'trót ngó lơ' vitamin C?

2.5. Nhóm thực phẩm cung cấp vitamin A

Vitamin A đảm nhiệm vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh cho cơ thể. Với khả năng sản sinh tế bào bạch cầu chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh và điều hòa protein ở tủy xương trong cơ chế hình thành tiểu cầu, vitamin A là hoạt chất bạn cần bổ sung đầy đủ. 

Tham khảo các thực phẩm chứa vitamin A sau đây:

  • Cá hồi
  • Trứng
  • Khoai lang
  • Cà rốt
  • Ớt chuông
  • Dưa lưới

2.6. Nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa ngăn chặn khả năng hình thành và phát triển gốc tự do, nhằm kiểm soát nguy cơ các tế bào trong cơ thể bị phá hủy, giảm tình trạng thiếu máu cục bộ. 

Tham khảo một số thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sau: 

  • Cải kale
  • Đậu phộng
  • Đậu nành
  • Việt quất
  • Mâm xôi
  • Hạt sen

Xem thêm: Tác dụng của hạt sen là gì, chữa mất ngủ được không?

3. Thực phẩm người giảm tiểu cầu cần kiêng ăn

Trong quá trình thay đổi chế độ ăn uống để điều trị bệnh, bạn cũng cần chọn lọc và kiêng sử dụng các loại thực phẩm gây ảnh hưởng tới việc tăng tiểu cầu trở lại. Lưu ý hạn chế tối đa dùng 4 thực phẩm sau. 

  • Đồ uống có cồn: Khi tiểu cầu giảm, thời gian đông máu của bạn sẽ kéo dài hơn, chính vì vậy nếu sử dụng nhiều đồ uống có cồn sẽ làm giãn mạch máu và loãng máu, rất nguy hiểm khi gặp các chấn thương. 
  • Thịt đỏ: Ăn quá nhiều thịt đỏ phải đối mặt với nguy cơ gia tăng hợp chất gây phá hủy tế bào. Đây cũng là thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, tăng cao hàm lượng cholesterol trong máu và ảnh hưởng tới các tế bào máu như tiểu cầu. 
  • Tỏi: Tỏi là một kháng sinh tự nhiên rất tốt, chứa allium và các hợp chất allicin làm loãng máu, giúp loại bỏ các mảnh xơ vữa bám trên thành mạch máu. Tuy nhiên với người có chỉ số tiểu cầu suy giảm thì được khuyến cáo hạn chế sử dụng tỏi. 
  • Hành tây: Đây là loại hành có thể hòa tan cục máu đông và lọc máu khỏi các chất béo không lành mạnh, chính vì vậy đây là thực phẩm người giảm tiểu cầu cần kiêng ăn. 

Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn những lựa chọn về các thực phẩm lành mạnh, chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho quá trình sản sinh tiểu cầu. Việc chủ động kiểm soát tốt chỉ số tế bào tiểu cầu trong máu sẽ giúp chúng ta phòng tránh được những biến chứng xấu với sức khỏe. 

Bình luận