Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết diễn ra trong bao lâu?

(VOH) - Muỗi chính là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết khá dài và gần như không thể phát hiện, bởi vậy đây là giai đoạn bệnh dễ lây lan mạnh nhất trong cộng đồng.

Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết gồm hai loài của chi Aedes, đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh chủ yếu. 

Trong cơ thể muỗi, virus lây nhiễm vào ruột và sau đó lây lan sang các tuyến nước bọt trong khoảng thời gian 8 - 12 ngày. Sau thời gian ủ bệnh này, virus được truyền sang người qua vết đốt của muỗi Aedes cái.

1. Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết

Thời kỳ ủ bệnh là thời gian giữa lúc bị muỗi Aedes đốt truyền virus sốt xuất huyết Dengue đến khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng đầu tiên, đây là thời gian để virus sinh sản đến đủ số lượng cần để gây bệnh.

Thời gian này thường dài từ 3 - 14 ngày (trung bình là 4 - 10 ngày). Tùy theo cơ địa, khả năng miễn dịch, tuổi tác… của mỗi người mà thời kỳ ủ bệnh sẽ kéo dài khác nhau.

thoi-gian-u-benh-sot-xuat-huyet-dien-ra-trong-bao-lau-voh-1
Thời gian ủ bệnh là lúc số lượng virus trong máu chưa đủ để gây bệnh (Nguồn: Internet)

Trong giai đoạn ủ bệnh, khi mà chưa có bất cứ triệu chứng nào thì người mang virus sốt xuất huyết đã bắt đầu trở thành nguồn lây.

Nên nếu bị lây sốt xuất huyết từ người thân xung quanh thì thường khi nguồn lây bệnh đã khỏi hoặc gần khỏi thì người bị lây mới bắt đầu sốt. 

2. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết

Ngoài sốt xuất huyết muỗi Aedes còn có thể truyền bệnh chikungunya, sốt Zika, virus sốt Mayaro, sốt vàng da, và một số bệnh khác. 

2.1 Nét đặc trưng của muỗi Aedes

Muỗi Aedes có màu sẫm, dài khoảng 3 - 4 mm, còn được gọi là muỗi vằn do chúng có vằn đen trắng quanh thân mình và các chi. 

2.2 Môi trường sống của muỗi Aedes

Loài muỗi này có nguồn gốc từ châu Phi, nhưng hiện đã được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới trên khắp thế giới. 

Muỗi Aedes đẻ trứng trong những vật dụng chứa nước đọng như lọ hoa, xô, thùng nước, máng nước mưa, cốc và chai bỏ đi hoặc bất kỳ vật chứa nước nào khác.

Trong nhà, muỗi Aedes trưởng thành thường đậu ở những chỗ treo quần áo, đặc biệt quần áo sẫm màu. Với sở thích kiếm ăn và nghỉ ngơi trong nhà, nên các yếu tố khí hậu thường ít ảnh hưởng đến sự phân bố của loài muỗi này. Ngoài ra, môi trường sống trong nhà ít bị biến đổi thời tiết hơn và làm tăng tuổi thọ của muỗi.

Xem thêm: Mách mẹ 6 cách đơn giản giúp trẻ không bị muỗi tấn công

2.3 Phạm vi gây bệnh của muỗi Aedes

Muỗi Aedes thường sống trong hoặc xung quanh những ngôi nhà nơi chúng được sinh ra và có khả năng bay rất hạn chế chỉ khoảng 400 mét. 

thoi-gian-u-benh-sot-xuat-huyet-dien-ra-trong-bao-lau-voh-2
Những chỗ nước đọng là môi trường lý tưởng cho mỗi sinh sản (Nguồn: Internet)

Điều này có nghĩa là muỗi không thể mang virus đi xa mà con người mới là nguyên nhân khiến virus lây lan rộng trong cộng đồng.

2.4 Thời gian hoạt động của muỗi Aedes

Muỗi Aedes không đốt vào nửa đêm mà hoạt động nhiều khi ánh sáng chạng vạng như chiều tối và sáng sớm. Tại những căn phòng ánh sáng yếu, nó có thể hoạt động cả ngày.

2.5 Vòng đời của Aedes của muỗi Aedes

Trong môi trường phát triển thuận lợi, chỉ sau khoảng 10 - 15 ngày, từ trứng muỗi, sẽ phát triển thành bọ gậy, loăng quăng, nhộng và trở thành muỗi trưởng thành.

Trứng

Muỗi cái cần máu để sản xuất trứng nên nó đốt người và động vật. Sau khi kiếm ăn, muỗi cái tìm nguồn nước để đẻ trứng.

Muỗi cái đẻ trứng trên thành trong của vật chứa có nước, phía trên mực nước. Trứng dính vào thành thùng như keo. Chúng có thể tồn tại trong điều kiện khô hạn đến 8 tháng. 

Muỗi chỉ cần một lượng nước nhỏ để đẻ trứng. Bát, cốc, đài phun nước, lốp xe, thùng, bình hoa và bất kỳ vật chứa nào khác chứa nước đều tạo nên một “vườn ươm” tuyệt vời.

Ấu trùng

Khi trứng được bao phủ bởi nước, ấu trùng nở ra và sống dưới nước. Chúng hoạt động rất nhanh và linh hoạt, thường được gọi là con loăng quăng.

Xem thêm: Phòng bệnh sốt xuất huyết, Diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt

Nhộng

Nhộng là giai đoạn không cần ăn, đây là thời gian muỗi chuyển từ dạng ấu trùng thành côn trùng trưởng thành. 

Muỗi trưởng thành

Muỗi trưởng thành chui ra từ nhộng và thường ăn nước trái cây ngọt và mật hoa để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Chỉ có muỗi cái mới ăn máu, thứ mà chúng cần để sản xuất trứng.

thoi-gian-u-benh-sot-xuat-huyet-dien-ra-trong-bao-lau-voh-3
Vòng đời của muỗi Aedes (Nguồn: Internet)

Tuổi thọ của muỗi Aedes trưởng thành là từ 2 - 4 tuần tùy thuộc vào điều kiện. Nhưng trứng thì tồn tại rất lâu ở trong điều kiện khắc nghiệt, điều này cho phép trứng muỗi tồn tại qua mùa đông hoặc các đợt khô hạn.

3. Những đối tượng mà muỗi Aedes thường đốt

Bất cứ ai sinh sống hoặc tiếp xúc với khu vực muỗi cư trú đều có thể bị đốt và mắc bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, theo nghiên cứu cho thấy, những người thuộc các nhóm đối tượng sau đây có khả năng bị muỗi vằn sốt xuất huyết đốt cao hơn cả:

  • Những người thường xuyên ra mồ hôi, loài muỗi này rất dễ bị thu hút bởi acid lactic có trong mồ hôi.
  • Những người mang nhóm máu O thường thu hút muỗi vằn nhiều hơn nhóm máu khác.
  • Những người uống nhiều rượu bia xong cũng dễ dàng thu hút loại muỗi này.
  • Những người có mùi cơ thể, đặc biệt là mùi hơi thở chứa nhiều khí cacbonic.
  • Tỷ lệ muỗi vằn đốt ở những phụ nữ mang thai cao gấp đôi so với người thường.

Như vậy, sau thời gian ủ bệnh từ 4 - 10 ngày, bệnh sốt xuất huyết sẽ gây ra những triệu chứng bệnh đầu tiên như sốt cao... Tuy nhiên, trong thời gian ủ bệnh, máu của người bệnh đã có thể là nguồn lây truyền sang cho người khác thông qua muỗi. Chính vì thế, việc chủ động phòng ngừa là điều cần thiết mà tất cả mọi người nên chung tay thực hiện để góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Bình luận