Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng TS.BS Nguyễn Thị Sơn, Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM.
Khi mới bắt đầu nhiễm cúm A/H1PDM, người bệnh sẽ gặp phải hàng loạt các triệu chứng như: sốt, ớn lạnh và đặc biệt là đau nhức toàn thân.
Nếu phát hiện có các triệu chứng trên, điều đầu tiên người bệnh cần nhớ là cố gắng uống đủ nước. Lý do là vì khi chúng ta bị sốt, mệt mỏi thì cơ thể cũng đang gặp phải tình trạng mất nước và điện giải qua đường hô hấp.
Để cải thiện tình trạng này, cách nhanh nhất và đơn giản nhất chính là người bệnh cần bù nước và điện giải bằng cách uống đủ nước, có thể là nước lọc, nước ấm, nước chanh ấm, nước chanh muối hoặc nước cam. Các loại nước này vừa giúp nâng cao sức đề kháng, vừa giúp bổ sung các chất nước cần thiết cho cơ thể.
Nếu người bệnh bị sốt quá cao có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt thông thường và nghỉ ngơi theo dõi diễn tiến bệnh. Nếu nhận thấy diễn tiến bệnh ổn định (tức bệnh không trở nên nghiêm trọng hơn) thì người bệnh tiếp tục ở nhà theo dõi kết hợp chăm sóc để tăng cường sức đề kháng cơ thể.
Còn trường hợp người bệnh bị sốt cao qua 5 ngày vẫn chưa hết sốt, kèm theo đó có thêm các triệu chứng mệt mỏi nhiều, khó thở, nôn ói hoặc tiêu chảy nhiều, thì người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng những loại thuốc điều trị cúm ngoài thuốc hạ sốt khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Việc tự ý uống các loại thuốc điều trị, ví dụ như thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm… có thể khiến cho việc chẩn đoán bệnh sau đó không chính xác. Ngoài ra, dùng thuốc không đúng bệnh, đúng liều cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Tóm lại, khi bị nhiễm cúm A/H1PDM trong một vài ngày đầu người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi nhiều, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe và đặc biệt là uống đủ nước để bù nước và điện giải cho cơ thể.
Trường hợp người bệnh bị sốt cao thì có thể tiến hành lau mát hoặc dùng thuốc hạ sốt. Nếu trong vòng 5 - 7 ngày người bệnh chưa hết sốt, vẫn còn tình trạng mệt mỏi nhiều hoặc có các biểu hiện khó thở, tiêu chảy, nôn ói thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để các bác sĩ có chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
TS.BS Nguyễn Thị Sơn
Nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM
Theo dõi chuyên mục Khỏe của voh.com.vn để cập nhật những bài viết hữu ích.